Sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Chiều tối 14/5, sau phiên họp tại Hội trường của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 15, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đại diện Bộ Tài chính báo cáo Dự thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 07 Chương và 17 Điều, trong đó Quy định chung liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm; Hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất. Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và ý nghĩa của Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị, rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho riêng các doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế tư nhân để bảo đảm tương thích với những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh vi phạm nguyên tắc về “đối xử quốc gia” và cam kết về mua sắm công.

Nhà nước không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là nội dung hết sức cấp bách, ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Ngày 14/5, sau 10 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để bàn ban hành Nghị quyết để thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự án Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trì hai cuộc họp để bàn về các cơ chế, chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Dù thời gian gấp, không có nhiều thời gian nghiên cứu, nhưng để bảo đảm có thể trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết dự kiến vào ngày 17/5, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng rà soát các quy định trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cô đọng, nêu rõ những đột phá, điểm mới trong phát triển kinh tế tư nhân. Bước đầu là Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng, tiến tới, có thể đến năm 2026 sẽ xây dựng luật về kinh tế tư nhân toàn diện hơn.

Bên cạnh hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín như dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… đều cần rà soát, bổ sung quy định liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Nghị quyết cần tập trung quy định để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng, mua sắm công; thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) và đặt hàng doanh nghiệp; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi tư duy, Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát, trên tinh thần Tổng bí thư Tô Lâm đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý - kiểm soát" sang "kiến tạo - phục vụ". Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.

Tôi cho rằng đây là những quan điểm, tư tưởng mới. Tôi đề nghị rà soát kỹ các đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách trong thực tiễn. Điều này hết sức quan trọng. Rút kinh nghiệm từ một số chính sách đã ban hành như chính sách hỗ trợ 2%/năm thông qua hệ thống Ngân hàng Ngoại thương của Nghị quyết 43 đạt kết quả rất thấp, không đi vào cuộc sống”.

Chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết 57, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, đây là sức ép lớn khi thực hiện, vì vậy phải lựa chọn những vấn đề thực sự đã chín, đã rõ có thể thực hiện được ngay, ít phải có văn bản hướng dẫn thì mới có thể triển khai ngay.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: “Trong báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế Tài chính có Điều 12 liên quan đến Luật Khoa học công nghệ có những cái nó có mấy vấn đề như sau. Một là những con số cụ thể ở bên trong 20 % để trích thuế để quỹ khấu trừ trước tính thuế là 2 %. Ở đây có mấy điểm, một là có đưa các quy định vào thuế thu nhập doanh nghiệp không hay trong nghị quyết này. Chúng tôi đang rất lúng túng. Thứ hai, những con số cụ thể này thì có nêu cụ thể không? Thí dụ như là 10% phần trình thuế thì đã có ở Luật hiện hành rồi nhưng mà thí dụ như 200% thì cũng có ý kiến cho rằng không để cụ thể 200% mà cần có không gian Chính phủ điều chỉnh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Báo cáo giải trình một số nội dung, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Chính phủ còn một việc nữa sẽ hướng tới để ban hành đồng thời đó là chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết. Còn một số vấn đề sẽ nằm vào chương trình hành động ở các cơ quan của Chính phủ sẽ xây dựng ngay sau khi quán triệt hôm tới.

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ phải làm thêm một động tác, đó là xây dựng các chương trình cụ thể thì mới triển khai được hết tinh thần của Nghị quyết 68. Với tinh thần rất khẩn trương như vậy, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, rà soát thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, rõ ràng, để Nghị quyết của Quốc hội đúng tầm và triển khai được ngay”.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự phối hợp Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội cũng như cơ quan liên quan để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Nghị quyết; Báo cáo thẩm tra có nhiều ý kiến rất kỹ lưỡng và xác đáng; hồ sơ của dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội để xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Chín.

Thống nhất với 5 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chú ý lựa chọn những nội dung có thể thực hiện ngay, xây dựng khung chính sách cơ bản để Chính phủ tiếp tục hướng dẫn. Những chính sách, nhóm chính sách tại dự thảo Nghị quyết này sẽ tạo thông điệp, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là một bước thể chế hóa Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.

Lê Tuyết/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/se-thong-qua-du-thao-nghi-quyet-ve-co-che-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post1199481.vov