Sẽ xây dựng 28 dự án, dự án thành phần đường cao tốc trong năm 2025
16 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), trong năm 2025, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án, dự án thành phần; trong đó, 16 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản.
Các dự án này được chia thành 3 nhóm. Theo đó, nhóm 1 gồm 15 dự án với chiều dài 771 km cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các dự án gồm 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Bến Lức - Long Thành (không bao gồm 3 km phạm vi cầu Phước Khánh); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án thành phần 7 thuộc Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh.
Nhóm 2 gồm 8 dự án với tổng chiều dài 281 km cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp". Các dự án gồm Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau; Hòa Liên - Túy Loan; Dự án thành phần 1 Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh; Dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Hà Giang; Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Nhóm 3 gồm 5 dự án và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 136 km. Cụ thể là Gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh cao tốc Bến Lức - Long Thành và các Dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án thành phần 3, 5 Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Tuyên Quang; Dự án Cao Lãnh - An Hữu.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến, trong các dự án thuộc nhóm 3, việc triển khai Dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh và Biên Hòa - Vũng Tàu của tỉnh Đồng Nai; Dự án Tuyên Quang - Hà Giang của tỉnh Tuyên Quang; và Dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh của tỉnh Bình Dương còn chậm.
Cục trưởng Lê Quyết Tiến cho hay, về vật liệu xây dựng, các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh khó khăn do phụ thuộc vào các nguồn khai thác thương mại; Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu tiến độ triển khai thủ tục cấp mỏ của tỉnh Đồng Nai chậm.
Về phía lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị tỉnh Đồng Nai tích cực hơn nữa trong bàn giao mặt bằng bởi nếu Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu không thể về đích trong năm 2025, việc kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sẽ gặp khó. Trong khi Tp. Hồ Chí Minh phải nỗ lực trong năm 2025 hoàn thành toàn bộ 47 km dự án Vành đai 3 được giao làm cơ quan chủ quản.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng đề nghị các địa phương, chủ đầu tư chú trọng vấn đề vật liệu cát và đá, tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu. Về phía các chủ đầu tư, nhà thầu cần tránh tâm lý nóng vội, tiến độ phải đi cùng chất lượng; công tác kiểm tra, giám sát phải làm đúng, làm chặt, tư vấn giám sát phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tuyệt đối không được để ra sai sót.