SHS khuyến nghị khả quan với DPM, giá mục tiêu 41.200 đồng/cổ phiếu
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) hướng đến năm 2025 với kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhu cầu phân bón phục hồi và chính sách thuế VAT mới, dự phóng đạt doanh thu 12.631 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 527,5 tỷ đồng cùng tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ nền tảng tài chính vững và hệ thống phân phối rộng khắp.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón tại Việt Nam, nổi bật với sản phẩm chủ lực Urea Phú Mỹ và hệ thống phân phối trải rộng khắp cả nước. DPM tiếp tục khẳng định vị thế doanh nghiệp đầu ngành phân bón tại Việt Nam khi năm 2024 ghi nhận doanh thu 13.496 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 610 tỷ đồng, EPS đạt 1.517 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức tiền mặt trung bình 39%/năm giai đoạn 2020-2024.
Bước sang năm 2025, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng ổn định nhờ kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhu cầu tiêu thụ phân bón phục hồi và chính sách thuế VAT mới, với dự phóng doanh thu 12.631 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 527,5 tỷ đồng và EPS 1.311 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo của chứng khoán SHS, DPM hiện có hai động lực tăng trưởng chính là Urea và NPK, trong đó Urea vẫn là trụ cột, chiếm 66,8% doanh thu năm 2024, với thị phần nội địa duy trì quanh mức 35%. Tuy nhiên, thị trường Urea trong nước đang dần bão hòa, DPM đã chủ động chuyển hướng sang mở rộng xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu Urea năm 2024 đạt 164 nghìn tấn, tăng mạnh 49% so với năm 2023.
Đồng thời, DPM cũng tập trung phát triển mảng NPK chất lượng cao, thông qua nhà máy công nghệ hóa học 250.000 tấn/năm, hiện chiếm 44% nhu cầu thị trường. Năm 2024, mảng NPK ghi nhận sản lượng tiêu thụ hơn 147 nghìn tấn, tương ứng doanh thu 1.841,7 tỷ đồng.

Song song đó, hiệu suất vận hành của nhà máy Urea vẫn duy trì ở mức cao, thường xuyên vượt 100% công suất thiết kế (CSTK). Riêng năm 2024, nhà máy ghi nhận mức hiệu suất đạt 111%, với sản lượng sản xuất lên tới 898,7 nghìn tấn, là một trong những mức cao nhất kể từ khi vận hành.
Hiệu suất ổn định cùng sản lượng lớn đã góp phần quan trọng duy trì đà tăng trưởng bền vững cho mảng Urea, bất chấp thách thức từ giá nguyên vật liệu đầu vào.

Ngoài ra, DPM còn đẩy mạnh xuất khẩu khi năm 2024 sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 164 nghìn tấn, tăng 49% so với năm trước, nhưng tỷ trọng xuất khẩu vẫn dưới 15% tổng doanh thu.
Giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là khí thiên nhiên mua từ PVGas (neo theo giá dầu FO Singapore cộng chi phí vận chuyển), được kỳ vọng giảm nhẹ trong năm 2025 khi giá dầu thế giới hạ nhiệt, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp (dự báo đạt 14,3% năm 2025).

Năm 2025, DPM tiếp tục đầu tư mở rộng với các dự án như mở rộng kho Tây Ninh (29 tỷ đồng), triển khai ERP giai đoạn 2 (13 tỷ đồng), xưởng sản xuất Oxy Già (3,6 tỷ đồng, dự kiến chọn nhà thầu EPC cuối 2025). Tổng nợ vay ngắn hạn duy trì ở mức an toàn 30,5% so với vốn chủ sở hữu, phục vụ chủ yếu cho vốn lưu động và đầu tư phát triển.
Phần lớn hàng bán ra trong quý I/2025 vẫn sử dụng lượng tồn kho giá cao sản xuất từ cuối 2024, dự kiến biên lợi nhuận sẽ cải thiện khi giải phóng hết lượng tồn kho này.

DPM được dự báo tiếp tục duy trì nền tảng hoạt động vững chắc trong năm 2025 nhờ các yếu tố thuận lợi về thị trường và chính sách. Kết quả kinh doanh quý I/2025 được dự phóng hoàn thành tỷ lệ lớn kế hoạch lợi nhuận cả năm, thể hiện sức bật và nền tảng ổn định của doanh nghiệp. Báo cáo còn nhấn mạnh kết quả kinh doanh năm 2024 vượt kế hoạch với lợi nhuận sau thuế đạt 610,4 tỷ đồng (hoàn thành 113% kế hoạch năm), đồng thời dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 527,5 tỷ đồng.
Triển vọng giá phân bón trong nước được đánh giá tích cực khi dự báo sẽ tăng nhẹ 1–2% trong năm 2025 nhờ nhu cầu phục hồi, tồn kho giảm mạnh ở các nước trong khu vực và kỳ vọng giá gạo duy trì ở mức cao. Giá khí đầu vào (neo theo giá dầu FO Singapore) cũng được kỳ vọng giảm khoảng 2% so với năm trước, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của DPM lên mức dự báo 14,3% trong năm 2025.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, phân bón thuộc diện chịu thuế VAT 5%, cho phép DPM khấu trừ thuế đầu vào, giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Báo cáo phân tích tác động của chính sách này, dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 tăng thêm gần 100 tỷ đồng so với trường hợp chưa áp dụng thuế VAT.
Cổ phiếu DPM được SSH khuyến nghị với mức giá mục tiêu là 41.200 đồng/cổ phiếu. Trong phiên sáng 15/7, giá cổ phiếu DPM trên sàn HOSE ghi nhận ở mức 37.650 đồng/cổ phiếu, tăng 0,4% so với phiên trước đó.