Siết chặt quản lý việc chấp hành quy định với xe đưa đón học sinh

Từ những vụ việc đau lòng bỏ quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong hay chất lượng phương tiện không đảm bảo, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông cho thấy những lỗ hổng trong việc quản lý loại hình dịch vụ này.

Nhiều dấu hỏi lớn trong việc quản lý loại hình dịch vụ xe đưa đón

Thực tế hiện nay không chỉ ở các thành phố lớn mà việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô tại các trường học đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương vì sự thuận tiện cũng như lợi ích mà loại hình phương tiện này đem lại.

Nhưng từ sự việc học sinh bị bỏ quên dẫn đến tử vong xảy ra tại Thái Bình vừa qua hay trước đó là tại trường Gateway (Hà Nội), vụ việc học sinh rơi khỏi xe đưa đón dẫn đến thiệt mạng ở huyện Sông Mã (Sơn La)... đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng phương tiện, kỹ năng phục vụ của lái xe cũng như việc giao nhận học sinh, trách nhiệm của nhà trường.

 Những vụ việc đau lòng liên quan đến xe đưa đón học sinh đến từ sự chủ quan, tắc trách của người lớn. Ảnh: TL

Những vụ việc đau lòng liên quan đến xe đưa đón học sinh đến từ sự chủ quan, tắc trách của người lớn. Ảnh: TL

Vì sao các khuyến cáo liên tục được nhắc đến, các quy định đã được đưa ra nhưng vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc? Sau mỗi sự cố các ngành chức năng, nhà trường mới “giật mình” làm cao điểm, đưa ra nhiều giải pháp nhưng liệu có được duy trì hay rồi đâu lại vào đó? Đây là điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Cho cháu lớn đi học bằng xe ô tô đưa đón của trường, song anh Tuấn (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi băn khoăn khi sắp tới bé thứ 2 đi học mầm non cũng được ô tô của trường đưa đón; nhất là sau vụ việc tại Thái Bình vừa qua.

Anh Tuấn cho biết, do công việc của 2 vợ chồng bận rộn, phần vì ô tô trường đưa đón cũng thuận tiện nên anh chị lựa chọn phương tiện này cho cháu đi học. Đồng thời mong muốn, các quy định về giao nhận, đưa đón trẻ cần được thực hiện nghiêm túc hơn. Khi giao con lên xe là gia đình đã giao tất cả sự tin tưởng cho giáo viên và nhà trường.

Vì vậy, nhà trường cần phải có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải để đảm bảo việc kiểm soát học sinh lúc đưa đón được hiệu quả và an toàn. Giáo viên giao nhận trẻ cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc của mình. Nhà trường ký kết với các đơn vị còn phụ huynh lại phải phụ thuộc vào nhà trường, anh Tuấn đề cập.

Cùng chung tâm trạng bất an khi con nhỏ đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón, chị Minh (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hy vọng các quy định về trách nhiệm các bên liên quan đến dịch vụ đưa đón học sinh được rõ ràng, thực hiện nghiêm túc.

Sáng 7h15 phút xe sẽ đón bé tại nhà và chiều 5h10 phút sẽ đưa bé về. Tuy hàng ngày khi lên xuống xe, vào trường, cô giáo đều chụp ảnh và thông báo cho phụ huynh nhưng gia đình vẫn phải check camera thấy con ở trong lớp mới yên tâm, chị Minh cho biết.

Hiện nay xe đưa đón học sinh được coi như một loại xe dịch vụ hoạt động trên cơ sở hợp đồng vận tải ký kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vận tải.

Các phương tiện được sử dụng là xe chở khách thông thường; một số doanh nghiệp còn đưa xe từng được sử dụng chở khách du lịch và xe khách tuyến cố định liên tỉnh nhưng đã cũ nát để chở học sinh, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn.

Phải thực hiện nghiêm quy định, nâng cao ý thức chấp hành

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về việc đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình cũng như tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe.

Đối với người điều khiển phương tiện, Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định người lái xe dịch vụ sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.

Như vậy về nguyên tắc hành nghề được pháp luật hướng dẫn, lái xe dịch vụ trước khi rời đi phải có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo không còn hành khách trên xe.

 Ý thức trách nhiệm cũng như việc chấp hành nghiêm túc quy định đưa đón học sinh là yếu tố then chốt. Ảnh minh họa.

Ý thức trách nhiệm cũng như việc chấp hành nghiêm túc quy định đưa đón học sinh là yếu tố then chốt. Ảnh minh họa.

Theo TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dù các quy định của pháp luật có chặt chẽ và chi tiết đến đâu, nếu người thực thi không làm hết trách nhiệm và bên giám sát không thực hiện thường xuyên, thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót.

Bởi vì ngoài việc có quy định tốt thì quá trình thực hiện tại địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng mà ở đây quá trình tập huấn của doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm tập huấn của cơ sở giáo dục.

Rồi việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng tại địa phương. Cái này là mấu chốt..., TS. Trần Hữu Minh nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, với người quản lý học sinh tiểu học, mầm mon trên xe, hiện pháp luật chưa quy định bắt buộc. Đây là “lỗ hổng” cần phải bịt và dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét thông qua đều đã có những quy định cụ thể.

Tại 2 Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe đưa đón như: Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ô tô để bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Việc ban hành quy trình đưa đón học sinh và quản lý học sinh là rất cần thiết. Khi chưa có 2 quy định này sẽ dẫn tới tình trạng mỗi nơi làm một kiểu và tổ chức thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và nhận thức của mỗi cá nhân.

Quy trình về quản lý học sinh cần nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, người quản lý học sinh trên xe; các biểu mẫu, nội dung công việc cần làm trên xe, khi xuống xe, khi lên xe... Ngoài ra là vai trò, trách nhiệm của nhà trường cũng như đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, dự thảo Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành.

Dự thảo quy chuẩn này có yêu cầu riêng đối với xe chở học sinh chuyên dụng. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giao thông Vận tải sẽ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định để ban hành quy chuẩn. Dự kiến quy chuẩn sẽ ban hành và có hiệu lực vào cuối năm 2024.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/siet-chat-quan-ly-viec-chap-hanh-quy-dinh-voi-xe-dua-don-hoc-sinh-post298205.html