Siết quản lý 'mắt thần'

Camera giám sát - giới công nghệ gọi là 'mắt thần', là thiết bị được sử dụng rộng rãi hiện nay bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Tuy nhiên, sự phổ biến của công nghệ này cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể về lộ lọt dữ liệu và mất an toàn thông tin, đặt ra thách thức lớn cho cả thế giới và Việt Nam. Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa ra những con số cảnh báo đáng lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn từ thiết bị này.

Trên toàn cầu, ước tính có hơn 1 tỷ camera giám sát đang hoạt động, tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin từ những "mắt thần" này đang là vấn đề nan giải.

Tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin cho biết, năm 2024, hệ thống giám sát của Bộ TT&TT đã phát hiện hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên mạng Internet. Trong số đó có 360.000 camera (chiếm 45%) có nguy cơ, điểm yếu dễ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển. Còn theo thống kê của Bộ TT&TT, năm 2021, trung bình hàng tháng có khoảng 1 triệu địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng IP botnet, trong đó gần 48.700 địa chỉ IP liên quan trực tiếp đến các mã độc từ camera giám sát...

Camera giám sát hiện nay có khả năng nghe nhìn, thậm chí suy nghĩ nhờ trí tuệ nhân tạo. Do vậy, việc phát hiện các vật thể, vấn đề xảy ra trong không gian đang quan sát không khó khăn. Đặc biệt, thiết bị này còn có hoạt động liên tục, ít khi bị tắt hoặc khởi động lại.

Trong khi đó, có rất nhiều vị trí, khu vực người thường không được tiếp cận, nhưng camera giám sát lại làm điều này. Camera ít khi được cập nhật các phần mềm vá lỗi hay diệt virus, có nghĩa là nếu bị tấn công sẽ khó phát hiện trong thời gian dài.

Ngoài ra, phần nhiều camera giám sát trên thị trường hiện nay được nhập khẩu từ nước ngoài. Các camera này thường hoạt động theo cơ chế cloud (đám mây), nghĩa là người dùng ở Việt Nam sẽ phải “vòng qua” các server ở nước ngoài trước khi kết nối vào camera… Điều đó khiến các camera tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thông tin. Từ đó, khiến người dùng cá nhân, hộ gia đình có thể bị theo dõi từ xa, bị xâm phạm tính riêng tư, thậm chí bị tống tiền hay các hành vi phạm tội khác…

Nghiêm trọng hơn, đối với các cơ quan, tổ chức, DN, lỗ hổng bảo mật từ camera giám sát có thể là bàn đạp để hacker tấn công sâu vào hệ thống mạng. Điều này dễ gây lộ các thông tin kinh doanh, sản xuất hoặc bị xóa các dữ liệu quan trọng. Với các cơ quan Nhà nước, nguy cơ từ lỗ hổng bảo mật của camera còn làm lộ bí mật Nhà nước…

Trước thực tế này, Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với camera giám sát nhập khẩu và sản xuất trong nước. Theo lộ trình, kể từ ngày 15/2, thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet khi được cung cấp ra thị trường sẽ phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cơ bản về an toàn thông tin.

Việc Bộ TT&TT ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát có ý nghĩa quan trọng và là bước đi sáng suốt, bởi đây là tiền đề để các DN tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam triển khai rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể các nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các sản phẩm, thiết bị camera do đơn vị mình cung cấp. Các tiêu chí an ninh, an toàn cũng sẽ giúp duy trì niềm tin số cho người sử dụng Việt Nam, thúc đẩy an ninh mạng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/siet-quan-ly-mat-than.html