Sín Thầu nhớ Bác (kỳ 1)

Mường Nhé, vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc 600 năm trước đây đã từng đi vào trong thơ của vị thánh quân Lê Lợi khi ngài đem quân bình định chốn rừng thiêng nước độc này. Câu thơ 'Hư đạo nguy than tam bách khúc' - dịch nghĩa là 'ba trăm ngọn thác nguy hiểm đã thành lời nói hư huyễn' của tiền nhân giờ ứng nghiệm với những con đường chạy qua dốc núi để đến với các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên. Chốn xa xanh biên cương ấy, xã Sín Thầu được mệnh danh là nơi 'mặt trời lặn sau cùng trên đất nước Việt Nam'. Núi rừng nơi ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc rạng rỡ ôm lấy những thửa ruộng bậc thang, nương ngô, nương lúa xanh mát mắt và những nếp nhà trình tường cổ kính trong bản làng trù phú, yên vui.

Bình minh trên nóc nhà cực Tây của Tổ quốc khoáng đạt và tinh khiết đến vô cùng. Đỉnh Khoan La San theo cách gọi của người dân Việt Nam hay Thập Tầng Đại Sơn theo cách gọi của nước bạn Trung Quốc kiêu hãnh vươn mũi đá giữa biển mây, đón nhận ánh dương ngày mới nơi ngã ba biên giới. Trong những nếp nhà trình tường của người Hà Nhì nơi đây, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều có ảnh Bác Hồ. Bởi suốt gần 80 năm qua, đồng bào Hà Nhì luôn tâm niệm Bác Hồ là người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng bào Hà Nhì làm việc gì cũng phải nhớ đến Bác Hồ. Trên ban thờ đặt ảnh Người cùng với gia tiên là để luôn nhắc nhở bản thân và cháu con phải làm điều thiện lành để tổ tiên và Bác Hồ chứng giám.

Kỳ 1: Nắng mới trên đỉnh Khoan La San

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Pờ Dần Sinh, Bí thư Ðảng ủy xã đầu tiên của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, hiện là người có uy tín của tỉnh Điện Biên kể cho chúng tôi nghe về quá trình vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Ông Pờ Dần Sinh kể: Năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập là năm ông ra đời, cũng là năm người cha của ông - cụ Pờ Pố Chừ và 4 đảng viên khác theo lời Đảng, lời Bác, cùng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ vận động thành lập Chi bộ Trung Thầu - chi bộ đảng đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới.

Ông Pờ Dần Sinh (thứ 2, từ trái sang) và ông Lỳ Xuyến Phù (thứ 3, từ trái sang) trò chuyện cùng cán bộ BĐBP. Ảnh: Trần Hương

Ông Pờ Dần Sinh (thứ 2, từ trái sang) và ông Lỳ Xuyến Phù (thứ 3, từ trái sang) trò chuyện cùng cán bộ BĐBP. Ảnh: Trần Hương

Nhìn ngắm bức tranh nông thôn biên giới no ấm, thanh bình, ít ai biết rằng, cách đây chỉ hơn 10 năm, Sín Thầu vẫn luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề nhức nhối, phức tạp về an ninh trật tự, di dịch cư tự do, xuất cảnh trái phép... nhưng rồi một ánh sáng mới đã soi đường cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây, để người Hà Nhì muôn lòng như một cùng gắng sức phấn đấu, dựng xây quê hương. Nhờ đó, từ một xã nghèo, năm 2020, Sín Thầu đã cán đích nông thôn mới, trở thành ngọn cờ đầu của huyện Mường Nhé.

Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu khẳng định: “Trong lòng mỗi người dân Hà Nhì ở Sín Thầu luôn có tình cảm trân trọng dành cho Bác. Người Hà Nhì lúc nào cũng tâm niệm, phải học và làm theo tấm gương của Người. Sâu xa về nội dung, có thể người dân chưa hiểu hết, nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con đều hiểu cần học Bác từ những việc giản đơn; học Bác từ những việc làm thường ngày của bản thân, gia đình như tập trung phát triển kinh tế, giữ rừng, bảo vệ, gìn giữ vững chắc biên cương của Tổ quốc... Người Hà Nhì ở Sín Thầu đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, giữ chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của toàn huyện”.

Trung tá Đặng Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết, hiếm có nơi nào như Sín Thầu, bà con Hà Nhì chiếm gần 100%, dù đời sống khó khăn, nhưng họ vẫn kiên cường bám bản, chung tay cùng với bộ đội giữ bình yên biên giới; đặc biệt không di cư, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không đốt rừng làm nương... Ðơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 40,5km và 16 cột mốc. Những năm qua, người Hà Nhì luôn "là tai", "là mắt" của BĐBP; không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh trái phép; tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy...

Anh Chu Khai Phà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sín Thầu cũng khẳng định, không chỉ là tai, mắt mà người dân Hà Nhì còn tích cực cùng bộ đội tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới. Đồng bào cùng bộ đội dọn vệ sinh cây cỏ, phát quang tầm nhìn biên giới và đường mòn tới mốc, phát cỏ, lau dọn mốc, lùa gia súc của người dân chăn thả xung quanh mốc về khu vực nội biên, ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp biên... Ðặc biệt, khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, luận điệu tuyên truyền sai đường lối, bà con Hà Nhì đều báo cáo lực lượng chức năng cũng như chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Giờ đây, Sín Thầu không chỉ nổi danh với cột mốc 0, với câu chuyện về người Anh hùng Trần Văn Thọ hay những chiến công vang dội trong bảo vệ biên cương. Sín Thầu đã trở thành “điểm sáng nông thôn mới” sáu không, nhiều có, nổi tiếng với những lão nông “triệu phú” như ông Sùng Phì Sinh - người đã mạnh dạn băng suối Mo Phí, vượt dốc Khoang La San để xây dựng trang trại nuôi trâu, bò, ong, gà, vịt... trải rộng mấy ngọn đồi với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Có "vua bò” Chang Váng Sinh đã qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn luôn bận mải chân tay chăm sóc đàn bò lớn của mình và hướng dẫn dân bản những biện pháp để chăn nuôi bò hiệu quả, không bị nhiễm bệnh.

Ông Sùng Phì Sinh phấn khởi cho biết: “Dù không biết chữ phổ thông, nhưng tôi đã cố gắng đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi từ thực tiễn và từ các cụ đi trước. Hơn nữa, được cấp ủy, chính quyền xã động viên, hỗ trợ vay vốn nên tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất, khai khẩn đất đai. Hiện nay, ngoài nuôi trâu, bò, tôi đã nuôi thêm ong lấy mật và chăn nuôi gia cầm các loại. Nguồn con giống được thuần hóa từ trang trại của tôi cũng đã được xã khuyến khích bà con nhân dân đến mua để cùng tạo nên một vùng nguyên liệu thực phẩm sạch trong vùng cũng như cung cấp về thành phố".

Đàn bò hàng trăm con của gia đình ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Ảnh: Tuấn Trung

Đàn bò hàng trăm con của gia đình ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Ảnh: Tuấn Trung

Không những vậy, công tác xây dựng Đảng ở Sín Thầu cũng là một bài học kinh nghiệm đối với các địa phương khác. Từ thực tiễn địa phương, Đảng ủy xã đã họp bàn và ra nghị quyết điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm “biệt phái” về các thôn “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên. Đơn cử như tại bản Tả Khó Khừ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ðảng bộ xã, các chi bộ bản đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp dân kết hợp tuyên truyền lồng ghép công tác xây dựng Ðảng, đoàn thể đến người dân. Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội giác ngộ lý tưởng cách mạng của Ðảng cho quần chúng nhân dân, thế hệ trẻ.

Từ đó, phát hiện bồi dưỡng cá nhân ưu tú, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, trí thức trẻ có lập trường tư tưởng vững vàng đề nghị xem xét kết nạp Ðảng. Khi chi bộ ghép đủ điều kiện về số lượng đảng viên và hoạt động vững mạnh thì thực hiện tách, thành lập chi bộ độc lập. Qua nhiều năm kiên nhẫn, bền bỉ phát triển đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã đã có 12 chi bộ trực thuộc, 95 đảng viên. Đảng bộ xã đã lãnh đạo đồng bào Hà Nhì luôn tin theo Đảng, vâng lời Bác, kiên cường bám bản, chung tay cùng với BĐBP giữ bình yên biên giới và bảo tồn, phát huy tốt bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc mình.

Tạm biệt nỗi buồn xã "bốn không": không điện, đường, trường, trạm trước kia, Sín Thầu nay có thêm "sáu không" mới rất đáng tự hào: xã không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng làm nương, không có người di cư tự do, không xuất cảnh trái phép, không sinh con thứ ba, không theo tà đạo, tôn giáo lạ... Niềm tin với Đảng, phẩm chất cao đẹp và tinh thần cống hiến, dấn thân của người đảng viên cùng sự đoàn kết của những người cộng sản nơi biên cương Mường Nhé luôn là ngọn lửa dẫn đường cho người Hà Nhì vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ biên cương vững mạnh.

Kỳ 2: Điểm tựa của mọi điểm tựa

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sin-thau-nho-bac-ky-1-post469532.html