Sinh động bún, phở, bánh mì… hóa nhân vật hoạt hình
Tư liệu đồ ăn để thiết kế cho nhân vật game rất nhiều nhưng tại sao lại không có đồ ăn của Việt Nam? Sau khi đặt ra câu hỏi này, Nguyễn Hoàng Sơn (29 tuổi) đã tìm tòi thiết kế nhân vật game bằng những đồ ăn thân thuộc, gần gũi như bún, phở, bánh mì...
Tốt nghiệp ngành kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2018, nhưng Nguyễn Hoàng Sơn không làm việc đúng với chuyên ngành vì nhận ra bản thân không phù hợp.
Từ nhân vật đầu - "Phở"
Sơn đã bắt đầu đi học vẽ trên máy tính và nhận thiết kế nhân vật trong các tựa game hay phim hoạt hình. Bên cạnh đó, mỗi một mùa game, Sơn thường được giao thiết kế trang phục, phụ kiện cho các nhân vật trong game.
Trong một lần được giao dự án thiết kế trang phục trên đồ ăn, khi tìm hiểu, Sơn nhận ra tư liệu đồ ăn cho nhân vật game rất nhiều nhưng lại không có đồ ăn của Việt Nam. Chính vì vậy khi hoàn thành thiết kế xong cho các nhân vật đã được giao, Sơn đã thực hiện một dự án cá nhân. Đó là thử tìm tòi thiết kế nhân vật game bằng đồ ăn Việt Nam.
“Ẩm thực Việt Nam rất là phong phú. Những món như xôi, bánh mì rất thân thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam. Đó là những thứ mình tiếp xúc hàng ngày, mình lấy ý tưởng từ những thứ gần gũi như vậy”, Sơn chia sẻ.
Nhân vật đầu tiên mà Sơn làm là “Phở”. Đây cũng là nhân vật làm nhanh nhất và thoải mái nhất. Bởi "cô gái phở" khá là dễ liên tưởng vì nón lá tương đương với tô, sợi tóc tương đương hình ảnh sợi phở, và bó hoa tương đương với bó rau.
Sơn cho biết, quá trình thiết kế một nhân vật, anh bắt đầu phác thảo bằng nét trước. Sơn sử dụng phần mềm photoshop để phác thảo, phối màu. Phải chỉnh sửa và thử nghiệm trên rất nhiều phiên bản mới cho ra được một bức tranh hợp lý về bố cục.
Cùng với đó, anh liên tục tìm kiếm dữ liệu, ví dụ như mua đồ ăn và nghiên cứu tính chất nó như thế nào. Chẳng hạn, với sợi phở phải xem ánh sáng tác động đến sợi phở thế nào.
Sau quá trình phác thảo là quá trình chọn màu. Do món phở hơi hướng miền Bắc nên màu sẽ thanh và nhẹ nhàng.
Thành công bước đầu của Sơn đã mang tới hiệu quả khá tốt, được khách hàng đánh giá cao.
“Có lần mình nhận được một lời mời làm việc từ đơn vị ở nước ngoài, họ yêu cầu tạo ra video ghi lại quá trình vẽ một bức tranh với chủ đề bất kỳ. Mình đã đắn đo rất lâu giữa việc lựa chọn một chủ đề phổ biến mà ai trên thế giới cũng biết, hay là yếu tố mang tính truyền thống, cá nhân của bản thân. Và cuối cùng, mình chọn món phở làm chủ đề chính cho video. Rất may mắn vì sau khi gửi video đi, mình đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng”, Sơn cho biết.
Thử thách giới hạn bản thân
Theo chia sẻ của Sơn, nhân vật đầu tiên khá là đơn giản nhưng khi chuyển qua nhân vật khác sẽ yêu cầu mình suy nghĩ nhiều hơn do những hình ảnh này liên tưởng sẽ bị giới hạn lại vì không phải lúc nào cũng có sẵn. Chưa kể, đối với các nhân vật game bằng món ăn nước ngoài khá nhiều, cho nên để chuyển qua bằng món ăn Việt Nam thực sự là vấn đề khá thử thách.
Khác với những đồng nghiệp hướng tới chủ đề tương lai, tưởng tượng ra thế giới thần tiên… để tạo nên sản phẩm thiết kế hoành tráng, lạ lẫm, và cho rằng bản thân không có thế mạnh trong việc đó, nên những chủ đề mà Sơn chọn luôn gần gũi với đời sống con người, yếu tố mang đậm văn hóa dân tộc.
“Khi thực hiện những bức vẽ hoạt hình, mình muốn nhân hóa các món ăn truyền thống, đặc trưng của Việt Nam như: cơm tấm, phở... thành hình dạng giống con người”, Sơn nói.
Bên cạnh đó, vì vừa đi làm, vừa vẽ nên mỗi bức tranh Sơn tốn thời gian khoảng 2 tuần để hoàn thành. Công đoạn khó nhất đó là tạo cho nhân vật "độ ngon mắt" để người xem có cảm giác muốn ăn, muốn chơi và muốn sở hữu nó.
“Mình và đồng nghiệp luôn có nguyên tắc là phải đảm bảo làm sao trong 3 giây đầu tiên người xem nhìn vào bức vẽ, họ phải đọc được bao quát ý tưởng mà nghệ sĩ truyền đạt. Chỉ khi làm được điều đó thì bức vẽ mới đạt yêu cầu và thành công”, Sơn cho hay.
Trong quá trình thực hiện những bức vẽ, Sơn gặp khó khăn về việc tư duy, sáng tạo làm sao để những hình ảnh đặc trưng cho món ăn có tính liên kết, tạo ra một tổng thể hợp lý, thẩm mỹ. Ngoài ra, việc giữ xuyên suốt tinh thần, phong cách cá nhân trong từng bức tranh cũng khiến Sơn trăn trở.
Sơn cho biết phải suy nghĩ rất nhiều để có thể liên kết những hình ảnh đặc trưng của một món ăn khớp với các bộ phận cơ thể con người. Ví dụ đĩa cơm tấm, anh thấy nó giống với chiếc mấn đội đầu nên đã thay thế chiếc mấn thành đĩa cơm để đội cho nhân vật trong bức tranh. Tóc của nhân vật là sự liên kết từ những hạt gạo. Bó hoa cầm tay là từ hình ảnh những sợi bì.
Theo chia sẻ của Sơn, khi làm việc với một số đơn vị ở nước ngoài, bản thân nhận ra yếu tố truyền thống của mỗi đất nước được bạn bè quốc tế áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật rất nhiều. Vì vậy, anh mong muốn sử dụng yếu tố văn hóa của Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới lạ, với mục đích tạo được dấu ấn sâu sắc đến cho bạn bè quốc tế.
“Đất nước của chúng ta có một bề dày, chiều sâu về mặt văn hóa. Là một người trẻ, mình luôn muốn khám phá, khai thác những yếu tố đó. Và nếu có cơ hội, mình cũng muốn kể những câu chuyện văn hóa của Việt Nam cho bạn bè quốc tế, từ đó họ sẽ chủ động tìm hiểu và áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật”, Sơn chia sẻ.
Được biết, hiện Sơn cùng những đồng nghiệp của mình đang thử nghiệm những dự án như là phim, game và đồ chơi để xem phản ứng của mọi người thế nào. Tất cả đều lấy ý tưởng từ những nhân vật được làm từ những món ăn truyền thống của Việt Nam.