Sinh viên lo lắng trước thông tin 'thức khuya, tắm khuya sẽ gây đột quỵ'

Ngày 20/4, tại TP. HCM, báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo 'Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động'. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến sinh viên bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, đặc biệt trước thông tin việc thức khuya, tắm khuya sẽ gây đột quỵ.

Giải đáp thắc mắc này, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. HCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, việc sinh viên phải học khuya là hết sức bình thường. “Hiện nay, các yếu tố nguy cơ đột quỵ không có yếu tố nào là do thức khuya, tắm khuya. Tuy nhiên, việc tắm khuya, thức khuya có thể làm cho các bệnh lý nền gia tăng”, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng nói.

BS Thắng chia sẻ thêm, nếu bạn trẻ không bị tăng huyết áp thì vẫn có thể thức khuya khi cần. “Nhưng những bạn bị cao huyết áp, đặc biệt lại không uống thuốc và thức khuya thì sẽ đẩy mức huyết áp lên cao. Bình thường nếu như bạn trẻ là một người hoàn toàn lành mạnh, không cao huyết áp, không tiểu đường thì việc thức khuya, tắm khuya không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe", BS Thắng cho biết thêm.

PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, đột quỵ là căn bệnh tử vong và tàn phế hàng đầu hiện nay. Điều đáng nói, bệnh đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Trong khi đó, nhận thức của người dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của đột quỵ cũng như mạng lưới phòng chống đột quỵ hiện nay còn nhiều hạn chế.

Việc xây dựng mạng lưới phòng chống đột quỵ, từ dự phòng đến cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng… không chỉ là giải pháp mang tính cấp bách mà còn là giải pháp lâu dài cho mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ đột quỵ.

Rất đông sinh viên, giảng viên tham dự Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Rất đông sinh viên, giảng viên tham dự Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo BS Nguyễn Huy Thắng, hậu quả lớn nhất của đột quỵ không phải là gây ra tử vong mà sự gây tàn phế.

"Phải làm sao để mọi người dân đều hiểu biết về đột quỵ, những nguyên nhân nào gây đột quỵ; người dân đừng để những thông tin không chính thống làm rối, hoảng loạn, bỏ ra quá nhiều tiền mà không giúp được gì cả", BS Thắng nhấn mạnh. Đồng thời, BS Thắng cho biết, có 95% bệnh nhân đột quỵ có các triệu chứng yếu liệt một bên, nói đớ, méo miệng. Lúc này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện thích hợp nhất để được điều trị hiệu quả.

TS. BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

TS. BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Ban Tổ chức tặng hoa các đơn vị đồng hành. (Ảnh: Duy Anh)

Ban Tổ chức tặng hoa các đơn vị đồng hành. (Ảnh: Duy Anh)

Tại Hội thảo, TS. BS Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc giúp người dân nắm được những kiến thức cơ bản nhất, chung nhất về đột quỵ, yếu tố nguy cơ như gia đình, thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… là hết sức quan trọng.

“Những kiến thức này sẽ giúp cho người dân, biết rõ, biết tường tận các thông tin về đột quỵ. Từ đó giúp người dân hiểu, phòng ngừa, điều trị. Chứ không phải là sợ đột quỵ một cách không có căn cứ, dù không hiểu gì về nó nhưng cứ sợ”, TS. BS Nguyễn Tri Thức nói.

Theo thống kê của Mỹ, cứ 10 người bị đột quỵ thì có đến 7 người không thể quay trở lại làm việc như trước. Nếu một thanh niên đang ở trong độ tuổi làm việc và bị đột quỵ thì chắc chắn người này rất khó hòa nhập với cộng đồng trở lại, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhóm PV

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-lo-lang-truoc-thong-tin-thuc-khuya-tam-khuya-se-gay-dot-quy-post1735404.tpo