Số 4-2025: Tết này con sẽ về!

Tết đến xuân về, KTSG xin mượn lời bài hát 'Tết này con sẽ về!' để gửi đến những người con dù đang ở đâu, dù bận rộn thế nào cũng sắp xếp dành chút thời gian về nhà ăn Tết cùng cha mẹ. Họ đã ngóng trông bạn hơn 360 ngày trong năm… 'Tết này con sẽ về/Dẫu ở đâu con cũng sẽ về/Về đem hết chuyện kể ba nghe/Đêm giao thừa vô bếp với mẹ… Bởi con hiểu Tết Ba Mẹ là khi thấy con thân yêu mình quay về nhà…'.

Dạy thêm có cần đăng ký kinh doanh? (mục Ý kiến): Các quy định về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một điểm liên quan đến chuyện kinh doanh. Điều 6 yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện việc “đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 14-2-2025.

Ưu tiên thu hẹp khoảng cách giàu nghèo (An Nhiên): Tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong năm 2024 là một thành tích ấn tượng nhưng thành quả đó không bao phủ hết mọi nhóm người trong xã hội. Chính vì thế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cần là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong năm mới 2025 và trong giai đoạn tới.

Phòng vệ thương mại sẽ tăng mạnh và phức tạp hơn (Cẩm Hà): Năm 2025, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến đổi, các biện pháp phòng vệ thương mại được dự báo tiếp tục gia tăng, mức độ phức tạp và quy mô của các vụ việc cũng tăng lên. Là điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khó tránh khỏi “bão” phòng vệ thương mại, nhất là từ thị trường Mỹ.

Thị trường chứng khoán - dòng tiền đã đi đâu? (Trịnh Duy Viết): Năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,09%, mức tăng cao trong nhiều năm qua, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng này, thị trường chứng khoán, được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, lại ghi nhận sự trầm lắng, cho thấy dấu hiệu lệch pha đáng chú ý với nền kinh tế thực.

Những điểm nhấn chính sách trong ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ (Ngân Diệp): Ngay sau khi chính thức quay trở lại Nhà Trắng ngày 20-1-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó, có nhiều sắc lệnh được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ.

Ngẫm lại nguy và cơ trong kỷ nguyên mới (Lê Hoài Ân): Dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu và thu hút đầu tư, Việt Nam vẫn cần nhìn thẳng vào những hạn chế cốt lõi nếu muốn đạt được tăng trưởng đột phá trong giai đoạn tiếp theo. Với cải cách thể chế phù hợp và tận dụng công nghệ, đất nước có thể đạt tăng trưởng bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh già hóa dân số và áp lực kinh tế ngày càng lớn.

Việt Nam cần FDI thực chất (Khúc Văn Quý - Bùi Trinh): Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 3.692.100 tỉ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Quan trọng là tăng trưởng cao nhưng phải bền vững và bền bỉ (Hoàng Hạnh): Dù các yếu tố khách quan và chủ quan đều rất ủng hộ, sẽ không có cây đũa thần nào giúp nền kinh tế Việt Nam tự nó tăng trưởng một cách dễ dàng ở mức 8% trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, cần các nỗ lực vượt bậc của toàn bộ nền kinh tế”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

VN-Index sẽ giao dịch thận trọng trước kỳ nghỉ Tết dài (Thanh Thủy): Trong “nguy” luôn có “cơ”, vấn đề là nhà đầu tư cần bình tĩnh phân tích, chọn lựa cổ phiếu kỹ lưỡng đi kèm động thái quản trị rủi ro tốt cho danh mục. Khi đã làm được những điều trên rồi thì những biến động ngắn hạn trong khung đi ngang rộng như thời gian qua của thị trường sẽ không còn là điều đáng lo ngại!

Chứng khoán - kỳ vọng gì sau kỳ nghỉ Tết? (Triêu Dương): Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, các tín hiệu kỹ thuật cho thấy chỉ số VN-Index đang đứng trước một đợt phục hồi ngắn hạn. Điều này đưa đến kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết, nếu không có một sự kiện “thiên nga đen” hoặc xuất hiện thêm thông tin nào xấu, thị trường có thể bứt phá mạnh mẽ hơn và dòng tiền sẽ quay trở lại tích cực hơn.

Ngành dệt may trước “ẩn số” thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump (Bình An): Nhìn chung, cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may thường sẽ có các đợt “nổi sóng” nhờ yếu tố tin tức. Do vậy, rất có thể chính sách thuế quan của chính quyền Trump sẽ khiến nhóm cổ phiếu ngành này có biến động mạnh trong quí 1-2025.

Tiếp tục tăng ngay từ đầu năm - Lãi suất đang chịu sức ép từ đâu? (Triệu Minh): Sau các đợt tăng trong tháng cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục đi lên trong tháng 1-2025. Dù có không ít dự báo cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ ổn định hơn khi bước sang năm 2025 này, nhưng liệu đang có những yếu tố nào tác động lên xu hướng lãi suất hiện nay cũng như giai đoạn tới?

Nông nghiệp tuần hoàn - tương lai bền vững từ những tài nguyên bị lãng quên (Đinh Lê Tuyết Trinh): Dù diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 19% lãnh thổ, Hà Lan vẫn đạt giá trị xuất khẩu nông sản hơn 122 tỉ euro vào năm 2022. Thành công này không đến từ may mắn mà là sự kết hợp giữa tư duy chiến lược, công nghệ và sự đồng lòng của các bên tham gia, từ nông dân đến nhà khoa học và chính phủ.

Trang bị quỹ khẩn cấp: những trở ngại chờ bạn vượt qua (Võ Quốc Anh): Thông qua một kết quả khảo sát về viễn cảnh hưu trí của một tổ chức chuyên về dịch vụ tài chính. Thông tin làm tôi quan tâm nhiều nhất từ cuộc nghiên cứu này chính là có đến khoảng 14% người nghỉ hưu Việt Nam hối tiếc về quyết định tài chính trong quá khứ (so với trung bình 23% của châu Á) và một trong số những lý do được đưa ra là: không lập quỹ khẩn cấp (50%).

Nhãn hiệu mùi: tại sao khó thế? (Lê Thiên Hương): Tháng 7-2024, Công ty Crayola nổi tiếng toàn thế giới với sản phẩm bút chì sáp màu cuối cùng đã đăng ký thành công nhãn hiệu mùi tại Mỹ, sau… sáu năm dài cố gắng thuyết phục Cục Nhãn hiệu và bằng sáng chế Mỹ.

Nguồn gốc trí thông minh của loài người vẫn là một ẩn số (Thiên Kim): Một số biện pháp đo lường hiện đại cho thấy rằng trí thông minh (chỉ số IQ) của con người không ngừng tăng lên nhưng vẫn còn đó những tranh cãi về nguồn gốc của nó.

Bảo tàng Trung Quốc - “thỏi nam châm” hút khách du lịch nội địa (Trần Nhật Trọng): Các viện bảo tàng lâu nay vẫn được xem là nơi lưu giữ ký ức lịch sử và bảo tồn di sản của nhân loại. Trung Quốc đang chứng tỏ khả năng mang về nguồn lợi kinh tế đáng kể từ bảo tàng khi biến chúng thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch nội địa.

eSIM - miền đất hứa của startup công nghệ du lịch (Ricky Hồ): eSIM - SIM nhúng hay SIM điện tử - đã trở nên quen thuộc hơn với người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài, vì tính tiện lợi, an toàn và giá rẻ. Sự hồi phục và tăng trưởng của ngành du lịch khiến eSIM là một mỏ vàng mới, ít nhất trong một vài thập niên tới.

Ngành công nghiệp phim hoạt hình anime nở rộ (Nguyễn Kỳ Duyên): Từ sau Covid-19, không phải là Hollywood, mà chính anime mới là cái tên sáng giá được nhắc đến nhiều nhất trong giới đầu tư.

Doanh nghiệp cần làm gì khi phán quyết trọng tài bị hủy? (Nguyễn Nhật Dương): Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp được đánh giá cao nhờ tính nhanh chóng, bảo mật và chung thẩm nên ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Tết này con sẽ về(Phạm Minh Triết): Trong thế giới hiện đại, khi nhịp sống hối hả cuốn con người vào vòng xoáy công việc và trách nhiệm, người cao tuổi đôi khi trở thành những bóng dáng thầm lặng, ngồi lại phía sau với nỗi nhớ nhung về những ngày gia đình sum vầy…

Chuyến tàu cuối năm (Lê Cường): Ngày Tết thật quá vui vẻ, nên đến lúc phải trở lại thành phố làm việc ai nấy thấy muốn nấn ná nghỉ thêm. Nhưng ngày đi đã đến. Lại thêm một chuyến tàu. Nhưng chuyến này chở lại thành phố những con người đầy năng lượng yêu thương, cùng với những cây nhà lá vườn đầy hương vị tuổi thơ và niềm tin yêu gửi gắm.

Đạo diễn Xuân Phượng: “Cuộc đời thứ hai vẫn hấp dẫn lắm!” (Đoàn Tuấn Anh): Hãy nghĩ rằng nếu ta giúp ích cho đời thì đó là điều tuyệt vời và cũng vô tình là tấm gương cho các bạn trẻ nhìn vào, từ đó trở thành nghị lực để bước tiếp cuộc đời…

Đánh giá kỷ nhân sinh: phước lành khi được sống trên Trái đất (Nữ Lâm): Kỷ nhân sinh (Anthropocene) là thuật ngữ dùng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trên Trái Đất, tương tự kỷ phấn trắng, kỷ băng hà… Trong kỷ nhân sinh những hoạt động của nhân loại thực phong phú và phức tạp biết bao. Đồng thời, chúng ta không được phép quên đây là thời kỳ kế thừa từ các thời kỳ khác, trên một Trái Đất hàng tỉ năm tuổi.

Xuân sẽ lại về...! (Mộc Yên): Có lẽ, chỉ khi nào Tết đến, ước vọng quay về nhà mới cháy bỏng gấp trăm ngàn lần trong lòng những người tha phương.

Kinh tế Trung Quốc bứt tốc nhưng vẫn chịu nhiều áp lực (Lạc Diệp): Đà phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm 2024 đã giúp kinh tế Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đang chờ đợi nền kinh tế hàng đầu châu Á này.

Có bằng MBA chưa chắc có việc làm (Nguyễn Vũ): Tờ Economist nêu ra để lý giải vì sao có bằng MBA chưa chắc đã có việc làm nằm ở sự lạc hậu so với thời cuộc của nhiều trường kinh doanh. Chẳng hạn, xu hướng “tái công nghiệp hóa” ở nước Mỹ chưa thấm vào các trường này.

Thị trường nhà đất Trung Quốc có tín hiệu khởi sắc (Song Thanh): Sau nhiều tháng suy giảm, giá nhà tại Trung Quốc đã dần ổn định trở lại, mở ra những hy vọng về một sự phục hồi tích cực hơn trong năm 2025.

Mời bạn đọc đón xem!

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-4-2025-tet-nay-con-se-ve/