Chuyên gia tiết lộ 6 thói quen có thể khiến não già đi
Tóc bạc, nếp nhăn hằn sâu theo năm tháng là những dấu hiệu phổ biến của lão hóa. Nhưng ít ai để ý rằng, một số thói quen tưởng chừng như vô hại cũng đang khiến não già đi mỗi ngày.
"Lão hóa não là quá trình suy giảm tự nhiên về cấu trúc và chức năng theo thời gian," tiến sĩ Caitlin Shure, chuyên gia thần kinh học tại NextSense lý giải. "Nó bao gồm sự suy yếu của các kết nối thần kinh, giảm hiệu quả truyền tín hiệu và mất dần khả năng dẻo dai, tức là năng lực thích nghi và tổ chức lại của não bộ."
Dưới đây là 6 thói quen phổ biến mà các chuyên gia cảnh báo có thể khiến não bạn già đi nhanh hơn, cùng với những lời khuyên thiết thực để giữ cho trí óc luôn minh mẫn.
1. Ngồi quá nhiều trong ngày
Không chỉ gây hại cho lưng và tim mạch, lối sống ít vận động còn làm tổn thương nghiêm trọng đến não bộ. Theo TS Shure, khi bạn ngồi lì hàng giờ liền, lưu lượng máu và oxy tới não bị giảm, khiến các vùng chức năng dần trì trệ.
Các nghiên cứu cho thấy, thời gian ngồi lâu tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Ngược lại, vận động lại kích thích sản sinh các yếu tố tăng trưởng thần kinh như BDNF, giúp nuôi dưỡng tế bào não mới và tăng cường kết nối thần kinh.
Lời khuyên: Dù bận rộn đến đâu, hãy cố gắng dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất vừa phải (như đi bộ, làm vườn, yoga), hoặc 75 phút vận động mạnh. Thay vì ngồi cả buổi, hãy đứng dậy vận động nhẹ sau mỗi 30-60 phút làm việc.

Ngồi quá nhiều cũng có thể khiến não già đi. Ảnh: Pexels
2. Để căng thẳng kéo dài
Áp lực công việc, tài chính hay chuyện gia đình nếu không được giải tỏa sẽ khiến não bạn “chết mòn” theo năm tháng.
Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể liên tục sản sinh cortisol, loại hormone nếu duy trì ở mức cao sẽ phá hủy các vùng kiểm soát trí nhớ trong não như hồi hải mã. Ngay cả khi chưa mắc bệnh lý, bạn vẫn có thể cảm thấy lơ đễnh, kém tập trung, hay quên lời nói hoặc thông tin vừa đọc.
Lời khuyên: Bạn hãy dành thời gian thiền, tập yoga, đi bộ ngoài trời hoặc tâm sự với chuyên gia tâm lý để giải tỏa áp lực.

3. Ngủ không đủ hoặc không sâu giấc
Ngủ là thời điểm não phục hồi và tái tạo. Trong khi bạn nghỉ ngơi, các đường dẫn thần kinh được củng cố và độc tố tích tụ trong ngày được loại bỏ, bao gồm cả những chất liên quan đến bệnh Alzheimer và Parkinson.
Theo bác sĩ Ankur Bindal, chuyên gia tâm thần kiêm giám đốc điều hành KAB Medical Group Inc, thiếu ngủ mãn tính không chỉ làm giảm khả năng học tập và ghi nhớ mà còn làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Lời khuyên: Hãy ưu tiên giấc ngủ chất lượng từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Tránh dùng điện thoại trước khi ngủ, hạn chế ăn tối muộn và rượu bia. Thay vào đó, tạo thói quen đọc sách, thư giãn nhẹ hoặc thiền trước khi lên giường.

4. Thiếu giao tiếp xã hội
Con người là sinh vật mang tính xã hội, và não bộ cũng cần sự kết nối để duy trì sự linh hoạt.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm giác cô đơn kéo dài có thể làm thay đổi cấu trúc thần kinh và làm suy giảm nhận thức. Người thường xuyên cảm thấy cô lập có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn rõ rệt so với người duy trì mối quan hệ xã hội tích cực.
Lời khuyên: Đừng để các mối quan hệ nguội lạnh. Duy trì liên lạc với bạn bè, gia đình hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ giúp não được "tập thể dục" qua từng cuộc trò chuyện. Nếu có thể, hãy ưu tiên gặp mặt trực tiếp thay vì chỉ tương tác online.

5. Làm nhiều việc cùng lúc
Bạn có nghĩ rằng làm nhiều việc cùng lúc sẽ giúp tiết kiệm thời gian? Sự thật là não bộ lại phải gồng mình để chuyển đổi liên tục giữa các luồng thông tin, gây ra mệt mỏi tinh thần và giảm hiệu suất.
Bác sĩ Bindal cho rằng, tình trạng dư lượng chú ý khi đa nhiệm không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ, mà còn cản trở khả năng ra quyết định, thậm chí gây căng thẳng và lo âu kéo dài.
Lời khuyên: Hãy tập trung vào từng việc một. Khi rảnh, bạn có thể rèn luyện não bằng các trò chơi trí tuệ như Sudoku, giải ô chữ hoặc đơn giản là đọc sách và viết nhật ký để cải thiện khả năng chú ý và thư giãn tinh thần.
6. Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Chế độ ăn giàu đường, muối, chất béo chuyển hóa và thực phẩm siêu chế biến không chỉ hại tim mà còn không tốt cho não.
Một nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi 10% lượng calo nạp từ thực phẩm chế biến sẵn, nguy cơ suy giảm nhận thức và đột quỵ lại tăng lên. Ngược lại, chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi, nguyên chất có thể bảo vệ não và giảm viêm.
Lời khuyên: Hạn chế đồ ăn nhanh, bánh kẹo đóng gói sẵn và nước ngọt. Ưu tiên rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và các loại hạt để cung cấp năng lượng “sạch” cho não bộ hoạt động hiệu quả.
Nhìn chung, lão hóa là điều không thể tránh, nhưng bạn có thể làm chậm nó bằng những lựa chọn khôn ngoan mỗi ngày. Duy trì vận động, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái và kết nối xã hội chính là “chìa khóa” để giữ cho não luôn khỏe mạnh và minh mẫn khi tuổi đời ngày một tăng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-tiet-lo-6-thoi-quen-co-the-khien-nao-gia-di-post845868.html