Sở Công Thương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023
Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa vừa công bố kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023.
Cấu trúc bộ chỉ số năm 2023 gồm 8 nội dung: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức.
Đối với cấp tỉnh, có 20 sở, ban, ngành thuộc đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2023. Trong đó có 7 đơn vị gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc và Thanh tra tỉnh không thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức thông qua điều tra xã hội học do không đủ số lượng mẫu hoặc trong năm không có hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Theo kết quả xếp hạng, năm 2023, giá trị trung bình chỉ số CCHC của các sở, ngành đạt 89,49%. Có 12/20 đơn vị đạt chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình và đạt kết quả chỉ số trên 90%. Sở Công thương vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng CCHC năm 2023 với kết quả đạt 92,83%; xếp cuối bảng xếp hạng là Ban Dân tộc, đạt 81,33%, thấp hơn 8,16% so với giá trị trung bình và 11,5% so với đơn vị đứng đầu.
Đối với cấp huyện, 27 UBND huyện, thị xã, thành phố là đối tượng xác định Chỉ số CCHC. Năm 2023, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của các đơn vị cấp huyện đạt được là 89,31%, cao nhất trong giai đoạn từ 2018 - 2023. Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp huyện Đông Sơn dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với 92,15%.
Qua kết quả đánh giá, chấm điểm cho thấy, một số đơn vị duy trì thứ hạng cao liên tiếp trong nhiều năm là Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa. Đặc biệt năm 2023, huyện Yên Định đã có sự bứt phá về vị trí, vươn lên top 4 các đơn vị dẫn đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đơn vị liên tiếp có kết quả chỉ số CCHC không cao, nhiều năm nằm ở top cuối bảng xếp hạng là huyện Mường Lát.
So sánh giá trị trung bình các chỉ số thành phần năm 2022 và 2023 cho thấy, năm 2023 có 4/8 chỉ số thành phần tăng điểm, 4/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” (14,86%), đây cũng là chỉ số đạt giá trị trung bình cao nhất trong năm 2023. Giảm sâu nhất là chỉ số thành phần “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức” (12,54%).
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai điều tra xã hội học bằng phương pháp mới, có sự phân tách các nhóm đối tượng. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện trực tuyến trên phần mềm, gửi phiếu trực tiếp đến hộp thư điện tử của từng cá nhân, đối tượng khảo sát, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian xử lý số liệu và nâng cao tính chính xác, khách quan, minh bạch trong triển khai.
Việc khảo sát người dân được thực hiện thông qua đơn vị độc lập (Bưu điện tỉnh). Việc nhập, làm sạch phiếu, xử lý số liệu do khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức thực hiện, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả.