Số hóa văn hóa nghệ thuật – Bài học từ thế giới
Là xu hướng chung trên toàn cầu và ít nhiều đã có những thành tựu ở nhiều quốc gia trên thế giới, số hóa không chỉ là câu chuyện của riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Hơn một năm trước, khi dịch bệnh Covid 19 trở thành nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới, những điều bình thường đều trở nên xa xỉ. Hạn chế tụ tập đông người. Hàng loạt các rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng đóng cửa. Các triển lãm nghệ thuật bị hoãn vô thời hạn. Nhưng cũng chính trong thời điểm đó, thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật cũng có những bước chuyển bất ngờ với sự hỗ trợ của công nghệ. Một nhóm các diễn viên người Hungary đã thiết lập “Nhà hát cách ly đầu tiên”, phát trực tiếp các vở kịch tới người xem qua mạng xã hội Facebook. 17 nhạc công thuộc Dàn nhạc giao hưởng Phiharmonic Rotterdam ở Hà Lan đã biểu diễn trực tuyến tại nhà riêng, tạo ra một bản giao hưởng hết sức thú vị, thu hút hơn nửa triệu người theo dõi.
Triển lãm tranh "Lặng yên rực rỡ"
Dĩ nhiên không phải tới giai đoạn dịch bệnh Covid 19 bùng phát, việc số hóa văn hóa nghệ thuật mới được tiến hành. Tuy nhiên, nói như họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, bối cảnh dịch bệnh đã trở thành một cú hích, khiến việc số hóa diễn ra nhanh hơn: "Có thể thấy là quá trình này đã manh nha từ sau những năm 2000 nhưng phải nói rằng càng ngày nhu cầu tư liệu hóa bằng hình thức số hóa các tác phẩm nghệ thuật cũng như các dự án nghệ thuật trở thành xu hướng nở rộ. Chính thời kì Covid lại càng đẩy nhanh tốc độ của việc số hóa đấy. Quan sát ở mặt tổng quan thì có thể thấy rằng rất nhiều bảo tàng trên thế giới, thậm chí các nhà hát, liên tục mở miễn phí các trang điện tử, trang cá nhân, những kênh Youtube riêng để mọi người có thể xem được những vở kịch, những buổi biểu diễn. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng như vậy.”
Trong thời đại 4.0, khi trí tuệ nhân tạo đã lấn sân sang lĩnh vực sáng tạo văn chương, thì số hóa đã trở thành nhu cầu tất yếu trong nhiều lĩnh vực. Văn hóa nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong khi mô hình “Nhà hát cách ly” hay “Dàn giao hưởng tại nhà” có phần mới mẻ, thì trong lĩnh vực bảo tàng, quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ hơn. Hình thức số hóa cũng rất đa dạng, trước hết là từ việc bổ sung thông tin, giúp người xem dễ dàng tra cứu và thưởng thức tác phẩm.
TS. Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thực tế mà nói mình may mắn được tham gia tham quan rất nhiều bảo tàng về nghệ thuật lớn ở trên thế giới. Ở New York, ở Washington DC, hay là Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam hay là Bảo tàng Louver ở Pháp, một số bảo tàng ở Nhật Bản, Đài Loan. Họ cũng có ứng dụng kĩ thuật số trong việc đưa thêm thông tin về tác phẩm. Ví dụ như trong Bảo tàng Van Gogh, họ biến không gian triển lãm thành không gian mà Van Gogh đã từng đến để vẽ tranh. Người ta cũng tái kiến tạo màu sắc của nhiều bức tranh như là “Hoa hướng dương”.
Để người xem có cảm nhận về màu vàng như là thời kì Van Gogh mới vẽ thì bảo tàng đã dùng kĩ thuật số để cho người xem xem lại một số hình ảnh về bức “Hoa hướng dương” của Van Gogh ngày xưa. Hoặc một bảo tàng mình xem ở Nhật thì họ giới thiệu rất nhiều bộ sưu tập. Người xem có thể nhấn vào một hình ảnh bất kì. Sau đó, những thông tin về tác phẩm sẽ hiện ra rất nhanh chóng dễ dàng”.
Ở một quốc gia gần gũi hơn với chúng ta là Hàn Quốc, quá trình số hóa văn hóa nghệ thuật cũng diễn ra nhanh chóng. Theo TS. Nghiêm Thị Thu Hương, nguyên Trưởng khoa tiếng Hàn, Đại học Hà Nội, việc số hóa đã khiến trải nghiệm tham quan bảo tàng ở xứ sở kim chi trở nên ấn tượng, thậm chí rất dễ… gây nghiện: “Tôi nghĩ về mặt âm thanh ấy, họ xử lí rất triệt để cơ hội gọi là cá nhân hóa trong việc trải nghiệm.
Ví dụ như bạn đến bảo tàng, bạn có thể sẽ được cấp ngay một tai nghe và một điều khiển. Đối với mỗi tác phẩm trưng bày trong đấy, họ sẽ đánh số. Bạn chỉ cần đi vào không gian của tác phẩm, tai nghe sẽ tự động bắt sóng và phát hướng dẫn liên quan bằng kênh ngôn ngữ mà bạn chọn. Về mặt hình ảnh, nếu như với một tác phẩm bình thường trong bảo tàng, bạn có thể chỉ nhìn thấy ở một góc độ hoặc tối đa là ở ba cạnh thì ở Hàn Quốc, cùng một sản phẩm đấy, họ lại có một clip, giúp bạn có thể nhìn thấy sản phẩm trưng bày ở tất cả các khía cạnh và dưới nhiều mức độ ánh sáng khác nhau.”
Một phòng trưng bày số hóa ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc - Ảnh: icom-aspac.mini.icom.museum.
Không chỉ dừng lại ở việc số hóa thông tin về tác phẩm, vào năm ngoái, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã tạo ra các phòng trưng bày bằng công nghệ 3D. Du khách có thể ngắm nhìn lễ rước kiệu của vua Jeongjo tại pháo đài Hwaseang, hoặc tham quan mô hình ngôi chùa mười tầng Gyeongcheon. Các bức bích họa thời Goguryeo cũng được chuyển sang định dạng 3D, khiến các nhân vật trong tranh có thể chuyển động được. Thậm chí, bằng một cú chạm, du khách có thể tham gia một số trò chơi tương tác. Giám tuyển Chang Eun-jeong cho rằng việc tích hợp công nghệ giúp mở rộng trải nghiệm của người xem: “Những ngôi mộ thời Goguryeo đều là di sản văn hóa của Hàn Quốc, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể tới đó tham quan. Chính vì vậy, chúng tôi đã phục dựng những di sản này bằng công nghệ 3D, biến chúng thành một trải nghiệm kĩ thuật số hết sức sống động.”
Việc ứng dụng công nghệ 3D ở các bảo tàng quả thực đã làm phong phú trải nghiệm của du khách. Theo cách thức truyền thống, khách tham quan chủ yếu phải dựa vào trí tưởng tượng của bản thân vì không được chạm vào hoặc dùng thử các hiện vật trưng bày. Trong khi đó, với trải nghiệm 3D, các hiện vật, sự kiện lịch sử có thể “sống dậy” trong môi trường số hóa. Nhà báo Eva-Maria Verfürth trong bài Coding da Vinci – Số hóa văn hóa đã nhắc tới Hackathon – Coding da Vinci – hoạt động phát triển phần mềm trong lĩnh vực văn hóa ở Đức.
Trong vòng sáu tuần lễ, các cơ quan, tổ chức văn hóa và chuyên gia kĩ thuật từ những lĩnh vực văn hóa khác nhau đã tập trung lại, nhằm tìm kiếm ý tưởng mới để văn hóa có thể lan tỏa trong thời đại số. Dự án đã có những kết quả đáng nể như ứng dụng phục dựng Bức tường Berlin khiến bất kì ai đi dạo trong thành phố này cũng có thể nhìn thấy trên màn hình vị trí trước kia của bức tường. Hoặc trải nghiệm trang phục của các thế kỉ trước thông qua công nghệ thực tế ảo (VR)… Chính những làn sóng đổi thay mạnh mẽ từ thế giới đã khiến những nhà quản lí văn hóa ở nước ta không thể ngồi yên.
Mô hình số hóa của chùa Gyeongcheon, Hàn Quốc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng số hóa văn hóa nghệ thuật vừa là thách thức vừa là cơ hội trong bối cảnh hiện tại: “Chúng ta đang sống trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì lí do đó, thế nên những câu chuyện về số hóa, những câu chuyện về Big Data (dữ liệu lớn) rất quan trọng trong xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nếu số hóa được những dữ liệu liên quan đến văn hóa nghệ thuật thì chúng ta có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, biến chúng thành tài sản của dân tộc: có thể chuyển tải thành những tài sản về kinh tế, có thể biến thành những tư liệu cho giáo dục, giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn, kĩ hơn về văn hóa nghệ thuật của dân tộc, đồng thời truyền đi những thông điệp tích cực theo một cách mới, dễ tiếp cận quần chúng nhân dân hơn.”
Số hóa để mở, số hóa để đa dạng trải nghiệm cho khán thính giả… Chắc chắn, những ích lợi của số hóa là không thể nghi ngờ trong bất kì một lĩnh vực nào. Cánh cửa mở ra thế giới khi bàn về vấn đề này có thể sẽ khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ, nhưng cũng sẽ để lại nhiều băn khoăn cho những người trong cuộc khi nền tảng công nghệ ở nước ta còn chưa đạt như mức kì vọng./.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/so-hoa-van-hoa-nghe-thuat-bai-hoc-tu-the-gioi-a3079.html