Soạn, chấm bài, hoạt động khác nên được quy đổi ra giờ dạy cho GV, vì sao?
Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên như giảng dạy, giáo dục, kiêm nhiệm, soạn, chấm bài, các phong trào, hội thi,…nên được quy đổi sang giờ dạy.
Ngày 20/11, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Thái Văn thành (Đoàn Nghệ An) cho biết:
"Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần."
Vấn đề này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, có cả đồng tình lẫn phản đối, có ý kiến lo sợ sẽ làm tăng ngân sách khi quy đổi giáo viên sẽ thừa giờ, phải trả tăng giờ, tăng buổi,…
Tuy nhiên, người viết cho rằng đề xuất này là một đề xuất thiết thực, hợp lý, để tiến tới công bằng viên chức giáo dục với các viên chức khác về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, việc này cũng không làm tăng chi do thừa giờ sau khi quy đổi.
Quy định hiện nay, nhiều hoạt động được quy đổi ra định mức tiết dạy giáo viên
Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy với giáo viên theo Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT và hợp nhất tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT như sau:
Giáo viên dạy môn chuyên tại các trường chuyên, lớp chuyên, 1 tiết dạy môn chuyên được tính bằng 3 tiết định mức.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:
Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra, thời gian làm việc quy đổi được tính theo Thông tư 31/2014/TT-BGDĐT quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục;
Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;
Báo cáo ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án/kế hoạch dạy học hoặc đề cương báo cáo) thì mỗi tiết báo cáo thực tế được tính bằng 1,5 tiết dạy định mức;
Hiệu trưởng nhà trường căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục.
Nhiều nhiệm vụ của giáo viên đã được quy đổi thành tiết định mức, khi giáo viên thực hiện vượt quá số tiết định mức thì sẽ được tính tăng giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BNV-BTC-BGDĐT.
Không chỉ soạn, chấm bài, các hoạt động khác của giáo viên cũng nên được quy đổi ra tiết dạy
Người viết cho rằng đề xuất của Đại biểu Quốc hội việc soạn, chấm bài của giáo viên nên được quy đổi sang tiết dạy, giờ dạy trong năm là đề xuất hợp lý, phù hợp, để đảm bảo giáo viên cũng như viên chức khác thực hiện thời gian làm việc, nghỉ ngơi phù hợp quy định hiện hành.
Giáo viên đang giảng dạy theo định mức thời gian làm việc hàng tuần, cụ thể giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút).
Trong sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ về dự Luật.
Bộ trưởng cho rằng: “Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bao gồm hoạt động chuẩn bị và tổ chức giảng dạy, giáo dục, đánh giá đối với người học; hoạt động học tập, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác. Hoạt động nghề nghiệp được thể hiện thành chế độ làm việc của nhà giáo và được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm quy định tuần làm việc 40 giờ theo Bộ luật Lao động.”
Quy đổi hoạt động, soạn, chấm bài và các hoạt động khác quy ra giờ dạy của giáo viên là điều phù hợp không nhằm để giáo viên được tính thừa giờ mà phải đảm bảo thời gian làm việc của giáo viên như viên chức khác đảm bảo trung bình 40 giờ/tuần theo quy định hiện hành.
Các hoạt động khác như thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh thi khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng thường xuyên,…nên được quy đổi một cách phù hợp, tiến tới giáo viên có thời gian làm việc hợp lý để đảm bảo giáo viên công bằng với các viên chức, công chức khác ngoài việc giảng dạy và thực hiện các công việc chuyên môn, phong trào khác đảm bảo 40 giờ/tuần.
Những giáo viên nếu sau khi được phân công giảng dạy và quy đổi các hoạt động khác chưa đảm bảo 40 giờ/tuần phải được phân công thực hiện các công việc khác, tránh tình trạng giáo viên có nhiều “đặc quyền” sáng dạy chính khóa hưởng lương từ ngân sách, chiều dạy thêm thu tiền, khiến các viên chức khác có sự so bì, bức xúc.
Giáo viên ngoài việc giảng dạy theo phân công còn phải thực hiện nhiều công việc khác, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, khó có lý do nào chính đáng để giáo viên dạy thêm thu tiền trong thời gian làm việc giờ hành chính.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã dự kiến có nhiều chính sách ưu đãi về lương, chính sách cho nhà giáo trong thời gian tới, các hoạt động nghề nghiệp của giáo viên như giảng dạy, giáo dục, kiêm nhiệm, soạn, chấm bài, các phong trào, hội thi,…nên được quy đổi sang giờ dạy một cách công khai, minh bạch.