Sóc Trăng nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch
Nhờ chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, kinh tế Sóc Trăng dần hồi phục và phát triển, tạo tiền đề vững chắc để kinh tế tỉnh tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, Sóc Trăng và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam bị tác động nặng nề, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Nhưng với sự quyết tâm, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã chung sức, đồng lòng vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo phương thức 4 vùng (nguy cơ thấp - vùng xanh; nguy cơ trung bình - vùng vàng; nguy cơ cao - vùng cam; nguy cơ rất cao - vùng đỏ), tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhờ đó, tỉnh đã thực hiện hoàn thành “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2021 là 1,18%, đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và tiếp tục đà tăng trưởng trong đầu năm 2022. Theo Cục Thống kê Sóc Trăng, trong quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,84% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,56% (chế biến thực phẩm tăng 15,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 22,58%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 79,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 42,98%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 28,87%). Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 4.460,25 tỉ đồng, so với quý cùng kỳ năm trước tăng 11,21%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 15.000 tỉ đồng, đạt 25% chỉ tiêu nghị quyết, tăng gần 1,8% so cùng kỳ. Trong quý I, tình hình xuất khẩu của tỉnh tiếp tục ghi dấu ấn tích cực. Gía trị xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 330 triệu USD, bằng 27,5% kế hoạch, tăng 45,4% so cùng kỳ. Điều này cho thấy doanh nghiệp chủ động, sáng tạo biến nguy (do đại dịch) thành cơ hội (tìm kiếm được nhiều thị trường mới, tiềm năng).
Thấu hiểu được khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức họp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó, có 7 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp được ghi nhận, giải quyết. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiếp và làm việc với 15 lượt nhà đầu tư; có 2 dự án được cấp chủ trương đầu tư (tăng 1 dự án so cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 2.430,65 tỉ đồng (cao hơn cùng kỳ 1.069,32 tỉ đồng). Trong quý, có 130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 750 tỉ đồng; có 40 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, qua công tác khảo sát, đa số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý II năm 2022 có xu hướng phục hồi tốt.
Để đưa kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, ngay từ đầu tháng 3-2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Kế hoạch số 30/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương tận dụng cơ hội các chính sách được đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các hướng dẫn, quy định của Trung ương để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hướng đến giữ vững ổn định và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND tỉnh, dự báo trong quý II năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục ổn định và phát triển, bởi nhiều doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu mới; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất ngày càng nhiều hơn… Song song đó, nhiều dự án về hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp… đã, đang và sẽ được triển khai tại Sóc Trăng, mở ra cơ hội rất lớn cho kinh tế tỉnh bứt phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh, điển hình là thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, chính quyền tỉnh Sóc Trăng cam kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp là sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại địa phương. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã không ngần ngại chọn Sóc Trăng là điểm đến để phát triển. Cụ thể, trong quý I năm 2022, vốn đầu tư từ nguồn vốn ngoài nhà nước ước thực hiện là 3.267,42 tỉ đồng, so với quý cùng kỳ năm trước tăng 33,60%, do một số dự án điện gió có vốn đầu tư lớn tiếp tục thi công thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022 vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cam kết rót vốn đầu tư vào Sóc Trăng với tổng số vốn đầu tư trên 200.000 tỉ đồng trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng…
Cơ chế, chính sách đã có, chính quyền đã cam kết đồng hành, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động tốt nhất có thể. Về phía doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế nào trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, cước phí vận chuyển tăng mạnh do giá xăng dầu liên tục biến động… thì chính doanh nghiệp cần có những giải pháp tối ưu làm sao để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất, góp phần cùng tỉnh phục hồi, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.