Sóc Trăng thực hiện hiệu quả chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Liên kết giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là nông dân nhằm hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa. Liên kết cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng 'được mùa mất giá'. Ngoài ra, liên kết cũng giúp doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND, ngày 10/7/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sự đồng thuận của người sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra. Mặc khác, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người sản xuất, thay đổi theo yêu cầu để thực hiện các hợp đồng liên kết với các công ty, doanh nghiệp, đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tính từ năm 2020 - 2022, việc tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh, Sóc Trăng đã thu hút trên 100 công ty, doanh nghiệp và thương lái trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua, với diện tích bình quân hơn 50.650ha/năm. Cụ thể, năm 2020 có 107 công ty, doanh nghiệp và thương lái liên kết tiêu thụ lúa, với tổng diện tích 36.747ha. Năm 2021 có 131 công ty, doanh nghiệp và thương lái liên kết tiêu thụ lúa, diện tích 61.922ha. Năm 2022 có 104 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái liên kết tiêu thụ lúa, diện tích 53.283ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Long Phú có Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ đã thực hiện chuỗi liên kết lúa cùng Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, thực hiện liên kết từ vụ lúa Đông - Xuân năm 2019 - 2020 đến nay, với diện tích khoảng 100ha/năm. Công ty ADC cũng liên kết tiêu thụ lúa với Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Công từ năm 2020 đến nay, diện tích 110ha/năm. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) cũng đã thực hiện chuỗi liên kết lúa với Tổ hợp tác trồng lúa khóm Tân Thành, phường 2, thị xã Ngã Năm, từ năm 2019 đến nay đã thực hiện 5 vụ liên kết, diện tích 20ha.

Công ty, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây, với các hợp tác xã trồng cây ăn trái tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Công ty, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây, với các hợp tác xã trồng cây ăn trái tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Đối với cây ăn trái, tỉnh Sóc Trăng đã được nhiều công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm trái cây như: vú sữa, bưởi, nhãn, xoài, với sản lượng liên kết tiêu thụ hơn 4.735 tấn, để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và tiêu thụ ở các siêu thị trong nước. Trong đó, xuất khẩu hơn 637 tấn, tiêu thụ trong nước hơn 4.098 tấn. Giá bán trong liên kết ổn định, cao hơn thị trường từ 2.000 - 18.000 đồng/kg (tùy loại trái cây được liên kết), góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân. Riêng đối với việc liên kết tiêu thụ thủy sản đã có 7 tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các nhà cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra, diện tích 302ha và 13 tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với nhà máy chế biến trong tỉnh thu tôm nguyên liệu, diện tích 517ha.

Từ những kết quả đã đạt được qua thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn liên kết nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng liên kết. Lựa chọn, giới thiệu tổ hợp tác, hợp tác xã có vùng nguyên liệu sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn của công ty, doanh nghiệp, để tiến tới hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định, bền vững. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác liên kết giữa công ty, doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-phat-trien-hop-tac-lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-66883.html