Soi hồ sơ Công ty Bình Minh nợ nghĩa vụ tài chính hơn 50 tỷ đồng
Ngoài việc 'đắp chiếu' dự án khai thác mỏ cát san lấp suốt 13 năm gây lãng phí tài nguyên đất và nợ nghĩa vụ tài chính hơn 50 tỷ đồng, hồ sơ của Công ty Bình Minh còn dính nhiều 'vết chàm'.
Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Công ty Binh Minh) có địa chỉ tại 299 Thanh Vị, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) do ông Phùng Văn Hệ làm đại diện pháp luật.
Ông Hệ cũng là đại diện các doanh nghiệp: Xí nghiệp Cảng Đường Lâm; Chi nhanh Công ty Bình Minh – Nhà máy thủy điện Yên Sơn; Chi nhánh Công ty Bình Minh – Du lịch sinh thái Thiên Sơn – Suối Ngà; Chi nhánh xí nghiệp khai thác đá và chế biến vật liệu xây dựng.
Năm 2019, Công ty Bình Minh có vốn điều lệ 1.650 tỷ đồng.
Là Công ty cổ phần ngoài Nhà nước, hoạt động đa ngành nghề và có quy mô khá lớn nhưng Công ty Bình Minh không ít lần dính lùm xùm, tai tiếng và bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Ngoài việc “đắp chiếu” dự án khai thác mỏ cát san lấp tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng (Hà Nội) suốt 13 năm qua gây lãng phí tài nguyên đất và nợ nghĩa vụ tài chính hơn 50 tỷ đồng “không chịu trả”, hồ sơ của Công ty Bình Minh còn dính nhiều “vết chàm”.
Đại dự án sông Tích 10 năm dở dang
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 4927/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA… với thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn và 3 đoạn thi công, trong đó Công ty Binh Minh được chỉ định thầu thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, cho đến nay đơn vị này đã được chủ đầu tư giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng.
Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư. Theo đó, Sở NNPTNT Hà Nội sẽ làm chủ đầu tư đoạn 1, giai đoạn I và cả giai đoạn 2; còn lại đoạn 2 giai đoạn I gồm toàn bộ các công việc, hạng mục công trình của dự án thuộc đoạn tuyến sông Tích qua địa bàn thị xã Sơn Tây, đoạn từ cầu Trắng xã Đường Lâm đến cầu Ó dài 13,50km được giao cho UBND Thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với quy trình quản lý như một dự án độc lập. Đoạn này được bố trí hơn 1.670 tỷ đồng.
Do không đạt tiến độ đề ra ban đầu, ngày 4/3/3016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1054/QĐ-UBND để gia hạn thi công dự án. Theo đó, giai đoạn I của dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa rõ ngày hoàn thành, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước đã đổ vào dự án này đang bị lãng phí, gây bức xúc cho nhân dân.
Khai thác mỏ sét trái luật
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018, Công ty Binh Minh khai thác mỏ sét khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
Cụ thể tại Thông báo kết luận thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình (giai đoạn 2011-2018), với việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 7 trong số 93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 2 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác).
Đáng chú ý có 2 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt, gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty Binh Minh và Dự án khai thác mỏ đá của Công ty TNHH một thành viên Thiên Hà - Hòa Bình.
Bị tố thu gom đất đồi, vận chuyển trái phép
Cuối năm 2020, nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc lợi dụng thực hiện dự án tái định cư và đường 32 Yên Kỳ - Suối Hai, nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì, Hà Nội) Công ty Binh Minh đã ngang nhiên thu gom đất đồi của các hộ dân, tự ý hạ cốt nền, khai thác, vận chuyển đất trái phép một cách ồ ạt. Thời điểm này, UBND thành phố Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai.
Công ty Binh Minh là nhà thầu trúng gói thầu số 01 Thi công xây dựng phần hạ tầng thuộc Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư X5 (xã Phú Sơn) phục vụ Dự án Đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ (giai đoạn I).
Theo đó, giá trúng thầu là 74,388 tỷ đồng, chênh lệch giảm 1,939 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 2,5%. Nhà thầu sẽ thực hiện hợp đồng trong 350 ngày, loại hợp đồng trọn gói.
Gói thầu số 01 sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội ứng trước qua Quỹ đầu tư phát triển, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; đóng thầu ngày 14/01/2019. Gói thầu do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm bên mời thầu.
Lấn đất rừng sản xuất
Ngày 30/1/2018, Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang có báo cáo sai sót của Công ty Bình Minh trong quá trình thi công. Theo đó, trong quá trình thi công mặt bằng công trình thủy điện Yên Sơn, Công ty Bình Minh đã san gạt và xây tường rào vượt ranh giới thu hồi vào diện đất rừng sản xuất của hộ ông Lương Mạnh Dần và hộ ông Nguyễn Trung Kiên với diện tích hơn 2.846m2. Đồng thời, khi san gạt đã làm đất đá lăn, văng sang đất rừng sản xuất của hộ ông Dần và Kiên với diện tích hơn 2.173m2.
Thanh tra Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Bình Minh về hành vi lấn đất rừng sản xuất và hành vi đưa các vật khác (để đất đá trong quá trình thi công công trình thủy điện Yên Sơn lăn, văng ra ngoài phạm vi công trình).
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Mời quý độc giả xem thêm video: Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân