Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024, sáng 1/6, tại Bến Bạch Đằng (quận 1), Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức khai mạc Giải Vô địch bơi vượt sông mở rộng TP Hồ Chí Minh và Giải Vô địch ván chèo đứng TP Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ nhất năm 2024.

Có 51 đội tham dự với gần 600 vận động viên tham dự, cự ly thi đấu 1000m, 500m khu vực từ Cầu Ba Son đến Cầu cảng số 4 (Cột cờ Thủ ngữ). Đây là sự kiện thể thao hướng đến cộng đồng, phục vụ nhu cầu ngày càng đông đảo của công chúng yêu thích các môn thể thao này và được xem là những môn thể thao giải trí, rèn luyện sức khỏe được yêu thích trong cuộc sống ngày nay.

Giải Vô địch bơi vượt sông mở rộng TP Hồ Chí Minh.

Giải Vô địch bơi vượt sông mở rộng TP Hồ Chí Minh.

Giải thi đấu lần này góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện môn bơi lội và môn ván chèo đứng (SUP), tạo điều kiện cho những người yêu thích các bộ môn này trong cả nước có cơ hội thi đấu, giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ thuật chuyên môn trong tập luyện thi đấu thể thao dưới nước.

Biểu diễn lướt ván dưới nước tại buổi khai mạc.

Biểu diễn lướt ván dưới nước tại buổi khai mạc.

Bên cạnh đó, công chúng còn được thưởng thức các hoạt động biểu diễn thể thao dưới nước đặc sắc như: Trình diễn thuyền buồm Sailing, trình diễn bay bằng ván phản lực nước, lướt ván, Flyboard và trình diễn dù lượn… với những kỹ thuật đặc sắc, độc đáo từ những vận động viên chuyên nghiệp được trình diễn ngay trên sông Sài Gòn từ Cầu Ba Son đến Bến Nhà Rồng.

Các hoạt động biểu diễn thể thao dưới nước.

Các hoạt động biểu diễn thể thao dưới nước.

Cũng trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Không gian văn hóa, giới thiệu các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức các trò chơi dân gian tại công viên Bến Bạch Đằng từ 18h đến 21h các ngày 31/5, 1/6, 7/6, 8/6/2024, nhằm thu hút công chúng thưởng thức và trải nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Mở màn là đại cảnh hạ thủy, tái hiện những hải thuyền đầu tiên của người Việt.

Mở màn là đại cảnh hạ thủy, tái hiện những hải thuyền đầu tiên của người Việt.

Trước đó, vào lúc 20h ngày 31/5/2024, tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan đã thực hiện chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024. Chương trình nghệ thuật tái hiện một cách sống động qua những ký ức thời gian với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”, kết hợp nhạc vũ kịch đương đại với công nghệ trình diễn hiện đại được diễn ra ngay trên sông Sài Gòn.

"Chuyến tàu huyền thoại” kể về công xưởng Ba Son, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son gắn liền với nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Những khẩu hiệu đòi tăng lương 20% được tái hiện, đưa người xem đến không khí hào hùng một thời gắn với cuộc bãi công Ba Son.

"Chuyến tàu huyền thoại” kể về công xưởng Ba Son, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son gắn liền với nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Những khẩu hiệu đòi tăng lương 20% được tái hiện, đưa người xem đến không khí hào hùng một thời gắn với cuộc bãi công Ba Son.

Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville) rời cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp.

Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville) rời cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ kiến tạo nên dáng hình phố thị, hệ thống sông và kênh rạch của Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh còn là nơi lưu giữ những mạch nguồn văn hóa, tình cảm gia đình, làng xóm, quê hương; là bóng cha, dáng mẹ, tiếng em thơ, là mạch nguồn để lớp lớp người con anh dũng đi theo tiếng gọi non sông, là chứng nhân của chuyến tàu huyền thoại đã đi vào trái tim mỗi con người Việt Nam. Đó là câu chuyện lịch sử diễn ra vào ngày 5/6/1911, cách đây 113 năm, “từ thành phố này Người đã ra đi” trên con tàu Amiral Latouche-Tréville rời bến Cảng Nhà Rồng với ý chí sắt son quyết tìm ra con đường giải phóng dân tộc, khởi đầu cuộc hành trình bôn ba trong 3 thập kỷ.

Rất đông người dân thành phố và du khách đến xem chương trình khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2.

Rất đông người dân thành phố và du khách đến xem chương trình khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2.

Trong giai đoạn kháng chiến, sông Lòng Tàu ngay cửa ngõ Sài Gòn ghi nhận những chiến công vang dội của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác.

Trong giai đoạn kháng chiến, sông Lòng Tàu ngay cửa ngõ Sài Gòn ghi nhận những chiến công vang dội của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác.

“Chương trình là sự tôn vinh và tri ân sâu sắc dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân kỉ niệm 113 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, là sự tưởng nhớ và biết ơn các thế hệ cha ông từ những ngày đầu khẩn hoang, kiến thiết, đấu tranh cho nền độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc và dấn thân vì hạnh phúc của nhân dân”, ông Phan Văn Mãi phát biểu.

Chuyến tàu Sông Hương đoàn tụ sau 1975. Tàu Sông Hương đưa cán bộ miền Nam trở lại miền Nam sau thời gian tập kết ra Bắc.

Chuyến tàu Sông Hương đoàn tụ sau 1975. Tàu Sông Hương đưa cán bộ miền Nam trở lại miền Nam sau thời gian tập kết ra Bắc.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/soi-noi-cac-hoat-dong-tai-le-hoi-song-nuoc-tp-ho-chi-minh--i733003/