Sôi nổi các hoạt động trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, học sinh (HS) THPT được tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất, làm chủ kiến thức và vận dụng vào thực tế. Đây là một trong những hoạt động giáo dục nổi bật của Chương trình GDPT 2018.

Học sinh Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành) được trải nghiệm làm đồ gốm

Học sinh Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành) được trải nghiệm làm đồ gốm

Dạy học gắn liền thực tế

Để giúp HS trải nghiệm, rèn luyện và hình thành, củng cố một số kỹ năng liên quan bài học, Trường THPT Phan Văn Đạt (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) tổ chức cho HS lớp 10 tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường và dạy học thực địa tại tỉnh Bình Dương. HS được tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại cơ sở sản xuất đồ gốm sứ, Nhà tù Phú Lợi, Khu du lịch Đại Nam.

Hoạt động này giúp các em từng bước hình thành năng lực thích ứng với cuộc sống; đồng thời, phát triển phẩm chất, năng lực chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo,... Đồng thời, HS còn được thắt chặt tình cảm bạn bè, biết quan tâm, chia sẻ và đoàn kết hơn.

Em Phạm Trí Dương - HS lớp 10A7, Trường THPT Phan Văn Đạt, tâm sự: “Hoạt động trải nghiệm lần này để lại cho em nhiều ấn tượng. Em hiểu hơn về quy trình làm ra sản phẩm đồ gốm, cách họ trân trọng nghề truyền thống và sự khéo léo, tinh tế của những người thợ lành nghề. Hoạt động trải nghiệm giúp em có cái nhìn rộng hơn về thế giới bên ngoài, phát triển các kỹ năng, có thêm nhiều kiến thức và thoải mái tinh thần sau thời gian học tập căng thẳng”.

Với em Trần Thị Hải Yến - HS lớp 10A7, Trường THPT Phan Văn Đạt, hoạt động mang đến sự trải nghiệm đặc biệt và mới mẻ. Nếu cơ sở sản xuất gốm sứ làm Yến không thể rời mắt trước sự điêu luyện, tỉ mỉ của các nghệ nhân cũng như cách họ giữ gìn và phát huy nghề truyền thống thì Nhà tù Phú Lợi mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. “Đến Nhà tù Phú Lợi, được nghe thuyết minh và chứng kiến các hình thức tra tấn, em cảm thấy đau xót và nể phục những người cách mạng yêu nước. Và hơn bao giờ hết, em trân quý nền hòa bình mà mình đang được sống, biết ơn những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước” - Hải Yến chia sẻ.

Phát triển năng lực học sinh

Sôi nổi Ngày hội STEM trong trường học

Sôi nổi Ngày hội STEM trong trường học

Phát huy niềm say mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật của HS, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An) từng bước đẩy mạnh tiếp cận phương pháp giáo dục STEM trong giáo viên và HS. Theo đó, trường tổ chức Ngày hội STEM cho HS lớp 10, 11 tham gia.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Lê Thanh Hải, Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, mang lại những lợi ích thiết thực trong dạy và học các phân môn, chú trọng trang bị cho HS những kỹ năng mềm: Cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện,... Vì vậy, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường học, tăng cường thực hiện mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, trường tổ chức Ngày hội STEM. Đây là hoạt động thiết thực cho HS, giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực.

Ngày hội STEM là sân chơi bổ ích với nhiều nội dung liên hệ mật thiết với thực tiễn, từ đó khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của HS. Tham gia trong Ngày hội STEM, nhóm bạn Huỳnh Khánh Văn, Huỳnh Lê Hào, Nguyễn Đặng Yến Ngân - HS lớp 11A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, thực hiện đề tài Thùng rác thông minh. Khánh Văn chia sẻ: “Chúng em lấy ý tưởng từ việc mọi người thường xuyên vứt rác bừa bãi hoặc để rác xung quanh thùng rác do ngại việc mở nắp thùng rác. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, chúng em gặp nhiều khó khăn từ việc tìm mua các thiết bị, chi phí,... tuy nhiên, không ai trong nhóm nản lòng. Khi thực hiện sản phẩm, chúng em tìm hiểu nhiều kiến thức mới để thực hiện ghép các thiết bị phức tạp với nhau. Sản phẩm ban đầu thường xuyên bị lỗi, đến cận ngày tham gia Ngày hội STEM, chúng em mới tìm ra được giải pháp khắc phục. Thật hạnh phúc, bất ngờ khi nhóm em đoạt giải Nhì trong Ngày hội STEM. Đó là sự nỗ lực của cả nhóm. Ngày hội STEM là hoạt động rất ý nghĩa, giúp em học tập nhiều kiến thức mới từ thầy cô, bạn bè và nhất là những góp ý sửa đổi để tạo ra những sản phẩm tốt hơn”.

Tham gia Ngày hội STEM, em Huỳnh Tấn Kiên - HS lớp 11A6 và em Huỳnh Tấn Phước - HS lớp 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn, thực hiện đề tài Cảm biến nhận dạng vân tay. Đây cũng là đề tài đoạt giải Ba trong Ngày hội STEM vừa qua tại trường. Tấn Kiên cho biết: “Trong quá trình thực hiện đề tài, khó nhất là phần viết code cho sản phẩm. Theo đó, chúng em cùng tìm hiểu kiến thức liên quan qua sách, các website trong và ngoài nước để củng cố phần code. Ngoài ra, phần lắp mạch, tạo hình khung cho sản phẩm và việc phân chia thời gian sao cho vừa đáp ứng việc học, vừa kịp tiến độ sản phẩm cũng là vấn đề nan giải với chúng em. Dù gặp nhiều trở ngại, có lúc muốn từ bỏ nhưng được thầy, cô, Đoàn trường hỗ trợ, động viên, chúng em vượt qua và hoàn thành đề tài sau hơn 1 tháng. Với em, đây là cơ hội để các bạn có đam mê, sở trường về khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học thể hiện tài năng, giúp sớm được tiếp cận công nghệ khoa học và có một hành trang cơ bản trước khi bước vào cánh cửa đại học”.

Nhờ những hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, HS được khám phá, phát triển bản thân và hứng thú học tập hơn./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/soi-noi-cac-hoat-dong-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-a154544.html