Sớm giải quyết tình trạng chảy máu chất xám

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2020 đến tháng 4/2023, thành phố có gần 9.500 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và cả áp lực công việc.

Một biên chế của thành phố phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước. Đây là áp lực không nhỏ cho cán bộ, viên chức của thành phố.

Một biên chế của thành phố phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước. Đây là áp lực không nhỏ cho cán bộ, viên chức của thành phố.

Áp lực công việc

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết, số cán bộ, công chức, viên chức của thành phố giai đoạn nêu trên nghỉ việc tập trung nhiều vào khoảng thời gian dịch Covid-19 (hai năm 2021 và 2022 có 5.416 trường hợp xin nghỉ). Riêng ở lĩnh vực y tế có 3.708 người nghỉ (tỷ lệ 43,04%). Bà Tới cho rằng, thời điểm đó, đội ngũ y, bác sĩ thật sự gặp rất nhiều áp lực trong công việc.

Anh Trần Ngọc Giang là bác sĩ ngoại khoa và vợ là điều dưỡng cùng làm tại một bệnh viện công trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Giai đoạn thành phố trong tâm dịch Covid-19, có lẽ cũng chính là lúc cả hai vợ chồng cảm nhận rõ nhất những áp lực, khó khăn.

Bệnh nhân hằng ngày quá đông, lại phải thường xuyên tham gia trực đêm, con thì nhỏ khiến hai vợ chồng anh Giang xoay xở khá vất vả. Công việc tại bệnh viện quá tải cũng khiến anh không có thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe giảm sút...

Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, sau khi suy nghĩ nghiêm túc, tính toán kỹ càng và nhận được sự ủng hộ của gia đình, anh Giang đã quyết định để vợ tiếp tục ở lại bệnh viện làm việc, còn mình chọn đầu quân cho bệnh viện tư.

Anh Giang là một trong số gần 9.500 cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đã xin nghỉ việc ở khu vực công trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 4/2023.

Từ thực tế có thể thấy, áp lực công việc có lẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số lượng lớn nhân sự từ khu vực công đã chọn thôi việc.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 441.000 dân, đồng nghĩa với việc trong điều kiện bình thường, một biên chế của thành phố phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 441.000 dân, đồng nghĩa với việc trong điều kiện bình thường, một biên chế của thành phố phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước.

Cũng từ việc quá tải công việc khiến nhiều người không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân và gia đình, bạn bè dẫn tới mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hầu như phải làm việc liên tục hơn 8 giờ/ngày, thậm chí phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ và cả ngày nghỉ phép.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung khiến áp lực gây ra từ tâm lý e ngại mắc sai lầm và bị xử lý trách nhiệm lại càng lớn hơn.

Chế độ đãi ngộ, tiền lương thấp

Bên cạnh nguyên nhân từ áp lực công việc thì chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người quyết định rời khu vực công.

Trên thực tế, mặc dù những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm tới chính sách tiền lương, đồng thời thành phố cũng có những chính sách đặc thù, song dường như các chính sách này vẫn chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.

Thực trạng này lại đặt trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

Như trường hợp của anh Trần Ngọc Giang với mức lương Nhà nước trước đây, hai vợ chồng anh đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. “Hiện tại, vợ chồng tôi nhận thấy quyết định để tôi chuyển ra ngoài làm có lẽ khá đúng đắn. Là người đàn ông, tôi cần phải làm trụ cột cho cả gia đình, khi tôi còn có mẹ già và con nhỏ, lúc ấy gia đình tôi vẫn còn ở nhà thuê”, anh Giang chia sẻ.

Giờ đây, anh Giang vui mừng cho biết thu nhập của anh đang gấp 3 lần so với trước đây. Vợ chồng anh cũng đã mua được căn nhà nhỏ cho riêng mình. Dù hằng tháng vẫn đang phải trả góp, tuy nhiên, với mức thu nhập bây giờ, vợ chồng anh hoàn toàn có khả năng chi trả, đồng thời vẫn bảo đảm mức sinh hoạt hằng ngày tốt.

Ngoài những trường hợp như anh Giang thì cũng còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc không phải do thu nhập thấp mà do thu nhập chưa đủ bù đắp được chi phí cơ hội khi họ chuyển sang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công.

Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, còn có nguyên nhân từ việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý hiện nay ở một số cơ quan, đơn vị khu vực công còn có tư tưởng đòi hỏi “kinh nghiệm”, chưa tạo động lực mạnh để người trẻ rèn luyện, phấn đấu.

Đồng thời, trong công tác cán bộ chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, đạo đức để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thêm vào đó, môi trường công vụ hiện nay, nhất là việc phát huy dân chủ cơ sở còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng nêu trên, thời gian gần đây, sau khi thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc biệt như chính sách thu nhập tăng thêm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, chú ý hơn tới các chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc thì tỷ lệ xin thôi việc của cán bộ, nhân viên đã giảm và dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, từ thực tế, đây vẫn là bài toán về nguồn nhân lực đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp kịp thời hiệu quả hơn nữa, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Lệ đã kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc trong khu vực công.

Điều này cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thành phố chủ động trong việc mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc lâu dài tại thành phố.

Đồng thời, bà Lệ kiến nghị, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đặc thù để thành phố thu hút, giữ chân nhân tài, nhất là các chính sách tài chính, hỗ trợ nhà ở và cải thiện môi trường làm việc.

VƯƠNG LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/som-giai-quyet-tinh-trang-chay-mau-chat-xam-post870604.html