Sớm hoàn thiện tính pháp lý tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm
TS. Lê Thị Giang - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: 'Cần xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon, coi đây là loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây là tiền đề để có thể sử dụng hai loại tài sản này làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính'.
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước…
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon.
Nhấn mạnh vấn đề tài sản bảo đảm ngân hàng cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, có những loại tài sản trước đây chưa được hình dung như tài sản số. Đây rõ ràng là một giá trị, được định lượng vì vậy có thể đưa ra làm tài sản bảo đảm, thế chấp cho khoản vay.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi xanh, vấn đề đặt ra hiện nay đó là liệu các loại tài sản mới như tài sản số, tín chỉ carbon có thể và sẽ được chấp nhận như thế nào với vai trò là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam?

Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” sáng 28/4. Ảnh: PV.
TS Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, tín chỉ carbon là công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhưng việc xác lập giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon vẫn chưa có quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
“Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc tương đương. Tín chỉ này thường được tạo ra từ các dự án giảm phát thải như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc cải tiến công nghệ. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang dần trở thành công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.
Mặc dù đã bước đầu được thừa nhận về mặt thương mại, nhưng cả tài sản số và tín chỉ carbon hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể là tài sản bảo đảm trong giao dịch tín dụng ngân hàng”, bà Giang nhấn mạnh.
Cũng theo bà Giang, thừa nhận tài sản số và tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm không chỉ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng, mà còn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đa dạng hóa tài sản bảo đảm, đồng thời góp phần phát triển thị trường tài chính xanh và kinh tế số. Tín chỉ carbon nếu được pháp luật ghi nhận còn là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp xanh huy động vốn, ngân hàng có cơ sở hỗ trợ các dự án môi trường.

TS Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: PV.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, tiệm cận với quốc tế sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu thế, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam cho biết: Việt Nam có thể tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, tương đương khả năng thu về 300 - 500 triệu USD/năm từ xuất khẩu tín chỉ carbon (ước tính theo giá thị trường hiện tại khoảng (30-50 USD/tín chỉ). Dự báo đến năm 2030, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần mua khoảng 50 - 60 triệu tín chỉ carbon/năm để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023, chỉ khoảng 15% doanh nghiệp lớn và 3% doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiểu biết đầy đủ về cách vận hành và tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Tại Thái Lan, tín chỉ carbon có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các khoản vay, đặc biệt là các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, theo vị đại diện này, không thể sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo nếu chưa có thị trường carbon vận hành ổn định, có chuẩn mực rõ ràng và giá trị tín chỉ được thị trường chấp nhận. Bởi nếu chỉ coi tín chỉ carbon như một công cụ tài chính đơn lẻ, khả năng thành công sẽ thấp; cần gắn nó vào chiến lược phát triển kinh tế xanh tổng thể.
Còn tại thị trường châu Âu, một số quốc gia thành viên EU (như Pháp) đã phân loại EUA (Chứng chỉ phát thải của Liên minh châu Âu) là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng, cho phép sử dụng nó làm tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính đã chấp nhận EUA làm tài sản đảm bảo cho vay vốn hoặc giao dịch hợp đồng mua lại (repo), đặc biệt khi giá trị EUA tăng mạnh từ khoảng 5-7 Euro vào năm 2017 lên hơn 90 Euro vào năm 2022.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã triển khai các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng, bao gồm việc hạn chế tài sản có lượng phát thải cao được sử dụng làm tài sản bảo đảm.
Vậy nên, theo đại diện KPMG Việt Nam, cơ quan quản lý khi hoàn thiện khung pháp lý cần nghiên cứu ban hành các quy định cụ liên quan đến tín chỉ carbon, việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo; nghiên cứu bổ sung các văn bản pháp lý liên quan hỗ trợ như Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư, hướng dẫn...
Thực hiện thí điểm tại một số ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng hoặc tổ chức tài chính nhằm đánh giá tính khả thi trước khi mở rộng toàn ngành. Còn với các ngân hàng thương mại, cần nâng cao năng lực định giá và thẩm định; Xây dựng chính sách tín dụng riêng cho tài sản xanh, phát triển sản phẩm tín dụng xanh trong đó tín chỉ carbon là tài sản đảm bảo, thiết kế hợp đồng tín dụng có điều khoản rõ ràng về tài sản đảm bảo là tín chỉ carbon: quyền sở hữu, định giá lại, thanh lý...