Sơn La tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết thất thường

Ngành y tế tỉnh Sơn La đang nỗ lực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, chú trọng phát hiện sớm dịch bệnh khi thời tiết thất thường nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân ngay từ cơ sở.

Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đang “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, huyện Sông Mã xuất hiện gần 300 ca mắc sởi và sốt phát ban dạng sởi. Ngay khi xác định ổ dịch, các lực lượng chức năng đã tổ chức khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, cơ sở hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi xuất hiện dịch sởi, cũng như các loại dịch bệnh khác trên địa bàn.

Cán bộ, nhân viên y tế huyện Sông Mã đến từng nhà tuyên tuyền các phương án phòng, chống dịch bệnh

Cán bộ, nhân viên y tế huyện Sông Mã đến từng nhà tuyên tuyền các phương án phòng, chống dịch bệnh

Theo bác sĩ Dương Hồng Ngọc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, khi tiếp nhận ca sởi đầu tiên, chúng tôi đã có phương án điều trị, về thuốc, vật tư và các dụng cụ để cấp cứu bệnh nhân luôn được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng đầy đủ khi cần thiết.

"Thường các cháu nhập viện có biểu hiện sốt, phát ban, ho, nếu không mắc bệnh kèm theo thì 5 - 7 ngày các cháu ổn định ra viện; nếu mắc bệnh kèm theo như viêm phổi, viêm phế quản thì hơn 9 ngày các cháu ra viện", bác sĩ Dương Hồng Ngọc nói.

Đa số người mắc bệnh trong thời điểm giao mùa là trẻ em, người cao tuổi

Đa số người mắc bệnh trong thời điểm giao mùa là trẻ em, người cao tuổi

Những ngày qua mưa nắng thất thường, khiến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến khá phức tạp; nhiều địa phương ghi nhận các bệnh truyền nhiễm, như: dại, ho gà, uốn ván sơ sinh, viêm não virus, cúm, tiêu chảy, thủy đậu... gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trước thực trạng đó, các đơn vị y tế ở tỉnh đang tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và xử trí kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng; tăng cường tiêm chủng vaccine phòng bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông người; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh ngay trong cuộc sống thường ngày.

Bác sĩ Lộc Thị Thu, Trưởng trạm Y tế phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo bà con nhân dân thay đổi hành vi trong cộng đồng, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác, như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, mang khẩu trang, ăn chín, uống sôi, không sử dụng sản phẩm động vật mắc bệnh... Đồng thời, khi có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm, sởi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và tư vấn kịp thời, không tự điều trị tại nhà".

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để đảm vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để đảm vệ sinh, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La ghi nhận gần 700 ca mắc sởi, hơn 1.200 ca tiêu chảy, gần 1.500 ca mắc cúm mùa và các loại dịch bệnh khác ở tất cả các huyện, thành phố.

Bác sĩ Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết: Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân ngay từ cơ sở, ngành y tế tỉnh đã xây dựng phương án, kịch bản đáp ứng các tình huống dịch xảy ra; kiện toàn đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã; đặc biệt là triển khai tổ chức các đợt tiêm chủng vaccine ở cả 12/12 huyện, thành phố, thị xã.

Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi, rubella ở các độ tuổi từ 6-9 tháng, 1-5 tuổi, 6-10 tuổi đều đạt tỷ lệ từ 97% đến hơn 98%.

"Chúng tôi thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát xuống các địa phương để triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên. Triển khai các hoạt động truyền thông, cấp phát tờ rơi, cấp phát các tài liệu truyền thông với 3 thứ tiếng Kinh - Thái - Mông, phát cho các đơn vị y tế cơ sở, tổ bản để phát trên loa truyền thanh hàng ngày, để người dân biết được các biện pháp về phòng, chống dịch", bác sĩ Đặng Thị Ánh Duyên cho biết.

Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh ở tất cả các xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thành phố, thị xã

Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh ở tất cả các xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thành phố, thị xã

Cùng với nỗ lực của ngành y tế, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, mỗi người dân cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh; vệ sinh môi trường sống, ăn chín, uống sôi đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/son-la-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-khi-thoi-tiet-that-thuong-post1194181.vov