Sóng gió thuế quan giúp ló rạng thêm cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc
Trước những biến động lớn từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ và xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đang tỏ ra thận trọng trong việc mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, trong thách thức cũng ló rạng cơ hội.
“Nhiều doanh nghiệp lớn đã sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư nhưng khi có thông tin về thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, họ đã thận trọng bảo lưu quyết định”, đó là thông tin được ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự Hiệp Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nêu tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc chủ đề “Ứng phó với cuộc chiến thuế quan: Các chiến lược và kế hoạch thúc đẩy thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam” sáng nay 9/5 tại Hà Nội.
Cơ hội hợp tác mới tiềm năng
Ông Hong Sun cho biết, ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam cũng đang rất thận trọng, cân nhắc có mở rộng thêm hoạt động đầu tư tại Việt Nam hay không.
Theo đại diện KOCHAM, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Phần đa số này nhắm đến thị trường xuất khẩu. Nếu thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp lên Việt Nam hơn 40% thì sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoạt động của doanh nghiệp.
“Bây giờ các doanh nghiệp cũng đang phải chịu các loại thuế rồi, nếu chịu thêm thuế đối ứng, thuế bổ sung nữa chắc chắn sẽ gây gánh nặng, khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phải thay đổi thị trường cung ứng của mình”, ông nêu rõ.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu chào mừng tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc
Tại diễn đàn, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu,... đã chỉ ra những thách thức hiện nay cho Việt Nam, Hàn Quốc cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Jung Mam-ki, Chủ tịch Diễn đàn liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (KIAF) nhận định, môi trường kinh tế toàn cầu đang biến động nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trật tự thương mại thế giới thay đổi sâu sắc bởi sự chồng chéo của nhiều yếu tố, từ làn sóng chủ nghĩa bảo hộ với chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, cho đến quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng và cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm giành ưu thế trong lĩnh vực công nghệ.

Ông Jung Mam-ki, Chủ tịch Diễn đàn liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (KIAF).
Những biến chuyển này đang diễn ra trên toàn bộ ngành công nghiệp. Tuy nhiên, điều này vừa là thách thức lớn, vừa mở ra những cơ hội hợp tác mới chưa từng có đối với cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Đồng quan điểm, ông Ko Tae-yeon, Chủ tịch KOCHAM cho biết, những biến động hiện nay đang thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc công nghiệp toàn cầu, buộc các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, phải tái cấu trúc và chuyển đổi căn bản trong tư duy vận hành.
“Chúng ta cần có những phản ứng linh hoạt đối với chính sách thuế quan, đồng thời cùng tìm ra các giải pháp hiệu quả cho việc đối phó với xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ cả Hàn Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần chung tay đề xuất các chính sách lâu dài nhằm thúc đẩy thương mại song phương”, ông Ko Tae-yeon cho biết, đồng thời khẳng định cần kiểm soát sự thay đổi một cách triệt để và biến thách thức thành cơ hội mới.
Tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ sớm đạt được một thỏa thuận thuế quan thuận lợi, đồng thời kiến nghị nhiều chính sách cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thông qua việc sớm thảo gỡ các vướng mắc còn tồn tại.
"Một số nội dung trọng tâm được đề xuất bao gồm: hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đã đầu tư; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư; điều chỉnh tình trạng thiếu hụt lao động; đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong dài hạn; thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu vòng qua Trung Quốc; và nâng cấp hệ thống hạ tầng logistics. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tích cực tham gia vào các dự án hạ tầng quốc gia như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc, cũng như đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam", Chủ tịch KOCHAM cho biết.
Cam kết thúc đẩy hợp tác, tăng nhập khẩu hàng Việt Nam
Các ý kiến tại diễn đàn khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc đang đứng trước thời điểm quan trọng để tái định hình mối quan hệ hợp tác kinh tế, hướng đến chiều sâu, bền vững và thích ứng hiệu quả với bối cảnh thương mại quốc tế thay đổi nhanh chóng.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo làm động lực bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
"Đây là cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc cùng nâng tầm hợp tác, chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”, xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp kết nối hai quốc gia ngày càng đi vào chiều sâu và vững chắc", ông Phú cho biết.
Cục trưởng đề nghị các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia liên tục cập nhật thông tin về ngành hàng, xu hướng tiêu dùng để các doanh nghiệp hai bên định hướng, lập kế hoạch kinh doanh phù hợp, góp phần thúc đẩy hơn nữa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kênh thương mại điện tử tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Cục trưởng cũng đề nghị doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, trường đại học đã có những chia sẻ, thảo luận giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc có thêm thông tin về chính sách chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, và đóng góp cho quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.
Về phía các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Park Chun-il, Giám đốc điều hành Hiệp hội các Nhà Nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cho biết, Hiệp hội cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tích cực để gia tăng nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.
Ông Park Chun-il gửi lời mời các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Hàn Quốc tới tham gia Hội chợ Nhập khẩu Hàn Quốc, dự kiến tổ chức tại Seoul vào tháng 7 tới đây.
Đại diện Diễn đàn Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc cũng cam kết sẽ nỗ lực hết mình nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu, kết nối giữa các ngành công nghiệp hai nước, góp phần tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng chung và hài hòa trong thời gian tới.
Việt Nam hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á, và Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 92 tỷ USD của hơn 10.102 dự án đầu tư chiếm gần 18,3% tổng FDI vào Việt Nam, tạo việc làm cho hàng triệu lao động chất lượng cao tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là các tập đoàn mang tầm quốc tế như Samsung, LG, Posco, Kia Motor, Hyundai Motor... đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam nhất là lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí... nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, đặc biệt là tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 81,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2023, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (786,29 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc 25,6 tỷ USD, tăng 9,1%, và nhập khẩu từ Hàn Quốc 55,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc với giá trị 30,3 tỷ USD.