Sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL. Thế nhưng để xây dựng môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá vẫn còn là thách thức lớn trong xã hội hiện nay.

Trung tâm Y tế khu vực Lâm Hà gắn biển cấm hút thuốc lá tại các khoa, phòng
Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng (cũ) đã thực hiện điều tra theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và đánh giá kết quả triển khai Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá là 21% giảm so với năm 2023 (23,4%); trong đó nam giới chiếm 39,5% và nữ giới chiếm 2,6%. Tỷ lệ hút thuốc lá hàng ngày tập trung ở nhóm 45 - 64 tuổi (trong đó người dân nông thôn 21,4%, thành thị 13,6%). Nhóm có trình độ học vấn thấp hút thuốc lá chiếm 20,4% và nhóm có trình độ cao là 12%.
Phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại các địa điểm công cộng là vấn đề đáng lo ngại, với tỷ lệ phơi nhiễm dao động từ 14,1% tại các trường đại học, cao đẳng; tại nhà hàng là 60,4%. Nam giới có tỷ lệ phơi nhiễm cao hơn nữ giới ở hầu hết các địa điểm, đặc biệt tại các quán cà phê, khách sạn…
Nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người không hút thuốc từ 15 tuổi trở lên khá cao, với 77,9% biết thuốc lá gây ra các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim và ung thư phổi…
Các cơ sở làm việc, trường học, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng và nhà hàng đã có những chuyển biến tích cực trong việc giảm hút thuốc lá. Tỷ lệ cơ sở không có gạt tàn thuốc lá đạt 90,48% tăng đáng kể so với năm 2020 (11,76%). Đồng thời, qua khảo sát ghi nhận có 80,95% cơ sở không còn mẩu thuốc lá khu vực trong nhà, cải thiện rõ rệt so với mức 35,29% của năm 2020.
Kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá tại những địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật PCTHTL tại Lâm Đồng đã đạt hiệu quả, góp phần tạo môi trường trong lành hơn. Tại các khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, việc duy trì gạt tàn thuốc lá trong khu vực trong nhà vẫn còn ở mức 50%, cho thấy cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, có 92,86% khách sạn đã treo biển cấm hút thuốc và không còn mùi thuốc lá hay hành vi hút thuốc trong nhà 100%, chứng tỏ sự thành công rõ rệt trong việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các không gian kín.
Kết quả kiểm tra đối với các cơ sở y tế và giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông có 80% không còn gạt tàn thuốc lá và không có mùi thuốc hay hành vi hút thuốc, phản ánh rõ hiệu quả cao của các biện pháp PCTHTL.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Bôn - Giám đốc Trung tâm Y tế khu vực Đơn Dương cho biết: “Thực hiện Luật PCTHTL đối với đơn vị ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục, hàng ngày nhắc nhở bệnh nhân và người nhà không hút thuốc lá trong bệnh viện. Trong quá trình giám sát các khoa, phòng sẽ kết hợp tuyên truyền cho bệnh nhân không được hút thuốc lá trong phòng bệnh cũng như khuôn viên của cơ sở y tế. Chúng tôi đưa vào quy chế xét thi đua hàng tháng, trường hợp phát hiện có nhân viên y tế hút thuốc lá trong bệnh viện thì trong tháng đó sẽ bị hạ mức thi đua. Đây cũng là giải pháp để giúp thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế. Chúng tôi có gắn các biển, bảng cấm hút thuốc lá tại các khoa, phòng trong bệnh viện. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả thì công tác tuyên truyền trực tiếp là quan trọng nhất. Chúng tôi luôn có đội, nhóm giám sát các khoa, phòng để nhắc nhở thường xuyên đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi phát hiện có hút thuốc. Những năm gần đây, nhờ các biện pháp trực tiếp, thiết thực, chúng tôi đã giảm tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hút thuốc lá trong cơ sở y tế và không có trường hợp y, bác sĩ hút thuốc trong bệnh viện, mặc dù ra khỏi bệnh viện họ vẫn còn hút thuốc lá rất nhiều”.