Sống với hổ Bengal trong rừng ngập mặn Sundarbans

Mỗi năm trong khu vực rừng ngập mặn Sundarbans rộng trên 10.000km2, loài hổ Bengal nổi danh to lớn, hung hãn nhất lại tấn công tới 60 người, gây ra nhiều cái chết thương tâm. Dù vậy, 4,5 triệu cư dân nơi đây vẫn phải vào rừng...

Mọi thứ cần cho cuộc sống của họ đều ẩn trong vùng đất rậm rạp. Điều nghịch lý là hổ Bengal có thể hại người, nhưng các cư dân lại không được phép làm giết chúng, và ngoài hổ Bengal, Sundarbans còn là nhà của không ít những loài nguy hiểm như cá sấu, rắn độc.

Bằng cách nào người dân quanh vùng đối mặt và tiếp tục sinh tồn?

10.000km2 diện tích của Sundarbans luôn nhộn nhịp sự sống.

10.000km2 diện tích của Sundarbans luôn nhộn nhịp sự sống.

Rừng ngập mặn trù phú nhất thế giới

Với diện tích khoảng 10.000km2, Sundarbans từ lâu đã nổi danh là rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Nó nằm ngay trước cửa vịnh Bengal cũng tiếng tăm là vịnh rộng nhất hành tinh, có tổng diện tích lên đến 2.172.000km2 và độ sâu trung bình từ 2.586m-2.600m.

Dọc theo 2.090km đường biển của vịnh Bengal là vô số cửa sông lớn nhỏ từ Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Myanma, Thái Lan đổ vào, hình thành những vùng đồng bằng bát ngát. Sundarbans là khu vực đất trũng được hình thành bởi hợp lưu của 3 con sông vĩ đại: sông Hằng, sông Brahmaputra và sông Meghna. Trong 10.000km2 của nó, có khoảng 6.000km2 thuộc về Bangladesh, 4.000km2 còn lại nằm trong lãnh thổ Ấn Độ.

Độ cao trung bình của Sundarbans chỉ tầm 0,9-2,11m so với mặt nước biển. Mỗi khi thủy triều dâng, gần như toàn bộ vùng đất ngập trong nước mặn. Càng sát vịnh Bengal, nước càng mặn, thuận lợi phát triển những vùng rừng ngập mặn, rừng duyên hải tươi tốt. Tuy nhiên ở xa Bengal, nước biển xâm nhập bị hòa loãng bởi nước ngọt đất liền và nước mưa, tạo nên những khu vực nước lợ, đầm lầy theo mùa, cồn cát… Ở vành đai ngoài cùng, Sundarbans còn đủ nhạt để làm nhà cho các loài thực vật lá rộng nhiệt đới.

Cũng nhờ tiếp giáp với vịnh Bengal, Sundarbans đón nhận một lượng hơi nước cực lớn, khiến độ ẩm lên cao tới 80%. Mùa mưa, nhất là vào khoảng tháng 5 đến tháng 10, bão liên tục trút nước xuống cánh rừng. Từ trên các vùng thượng nguồn, lũ ào ạt đổ xuôi, tràn thác phù sa màu mỡ qua thềm rừng, để lại một lớp đất đầy dinh dưỡng, nuôi sống 334 loài thực vật.

Hệ thống cây cối xanh tốt này lại phủ bóng, trở thành nhà của chí ít là 270 loài chim, 42 loài động vật có vú, 35 loài bò sát và 8 loài lưỡng cư khác.

Hổ Bengal, hung thần của rừng Sundarbans, thống trị cả trên cạn lẫn dưới nước.

Hổ Bengal, hung thần của rừng Sundarbans, thống trị cả trên cạn lẫn dưới nước.

'Nhà' của hổ Bengal hung bạo

Như ở mọi hệ sinh thái rừng rậm của hành tinh, loài mèo thống trị trên đỉnh chuỗi thức ăn. Tại Sundarbans, đó là loài mèo lớn nhất: hổ Bengal. Với cân nặng từ 180kg-300kg và những vằn lông màu đen trên nền màu cam hoặc nâu sáng, chúng có mặt trong khắp khu rừng ngập mặn, từ các cồn cát trên cao hiếm bị ngập nước cho đến những vùng trũng sát bờ vịnh Bengal.

Điểm độc đáo của loài hổ Bengal là chúng được trang bị cả kỹ năng bơi lội, tóm mồi dưới nước. Trong khi hầu hết họ nhà mèo ghét bị ướt, Sundarbans lại sản sinh ra chí ít là 3 loài mèo nhỏ khoái săn cá. Đó là mèo ri (Felis chaus), mèo cá (Prionailurus viverrinus) và mèo báo (P. bengalensis).

Song đáng sợ hơn cả vẫn là hổ Bengal. Với sức mạnh vượt trội, bộ vuốt sắc, hàm răng khỏe, chúng là hung thần gieo rắc chết chóc đối với mọi động vật trong Sundarbans. Đặc biệt, loài hổ này cực kỳ phàm ăn. Lúc đói, chúng có thể ngấu nghiến luôn cả ếch nhái, gà vịt, thậm chí bạt mạng săn cá sấu, báo hoa mai, gấu… Trên hết, chúng không từ cả con người.

Hổ Bengal luôn rình rập ngay bên cạnh, sẵn sàng lao tới tấn công.

Hổ Bengal luôn rình rập ngay bên cạnh, sẵn sàng lao tới tấn công.

Suốt từ thuở hồng hoang, các cư dân sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn Sundarbans đã thấm nỗi kinh hoàng trước hổ Bengal. Chỉ cần một bước vào lãnh địa của chúng, số phận “con mồi”, “kẻ thù” tức khắc hạ xuống đầu. Ẩn nấp sau những thân cây lớn, trong những bụi cỏ rậm, lặng thầm bơi ngang các kênh rạch chằng chịt, hổ Bengal phục kích mọi thứ trên đường đi. Dẫu yêu thích món thịt hươu đốm (Axis axis), mang Ấn Độ (Muntiacus muntjak), lợn rừng (Sus scrofa) và khỉ Maca mulatta, chúng không ngại xé xác cả con người. Ước tính mỗi năm ở châu Á đều có khoảng 30-100 người bị hổ Bengal thảm sát. Riêng trong khu vực rừng ngập mặn Sundarbans, số người bị hổ Bengal tấn công trung bình hàng năm lên đến 60 nạn nhân. Không ít người trong 60 nạn nhân này đã thiệt mạng.

Không chỉ nuôi dưỡng hệ động thực vật phong phú, Sundarbans còn cung cấp nguồn sống cho hơn 4,5 triệu cư dân xung quanh. Dưới làn nước của mạng lưới sông, đầm lầy, kênh rạch chằng chịt là 150 loài cá. Trên khắp Sundarbans luôn có người lang thang nhặt củi, tìm mật ong hoặc đánh bắt thủy sản. Kiếm sống trong rừng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Rắn độc, cá sấu, báo, hổ suốt ngày rình rập.

Trong khi hổ Bengal thường xuyên tấn côn con người, cư dân nơi đây lại không được phép giết hại chúng. Trong thực tế, dù mạnh mẽ và phàm ăn, hổ Bengal vẫn là nạn nhân của nạn săn bắt trộm và sự phục thù. Hiện tại, toàn Bengal chỉ còn khoảng 180 cá thể hổ Bengal. Tất cả chúng đều được bảo vệ tuyệt đối.

Người ở Sundarbans tin nữ thần Bonbibi sẽ bảo vệ mình khỏi hổ dữ.

Người ở Sundarbans tin nữ thần Bonbibi sẽ bảo vệ mình khỏi hổ dữ.

Nhờ cậy nữ thần Bonbibi

So với sự nguy hiểm của Sundarbans hiện tại thì Sundarbans quá khứ, khi hổ Bengal sinh sôi nảy nở với số lượng lớn đáng ngại hơn nhiều. Chân yếu tay mềm nên từ xa xưa, người dân quanh Sundarbans đã nương tựa vào một vị nữ thần phục hổ là Bonbibi.

Tương truyền, Bonbibi là con gái của đạo sư Berahim với Golalbibi (vợ hai). Vì không muốn vợ cả buồn lòng, vị đạo sư này đã đem con gái mới đẻ vào rừng vứt bỏ. May cho cô bé Bonbibi, một con nai đã phát hiện và rủ lòng thương, tự nguyện trở thành người chăm sóc. Mãi tới năm Bonbibi 7 tuổi, Berahim mới ngộ ra tội lỗi của mình. Ông vào rừng, tìm lại con gái đem về nuôi dạy.

Có một điều đáng mừng ở Sundarbans là sự hòa hợp giữa Ấn giáo và Hồi giáo. Khó khăn khi phải đối mặt với hổ Bengal giúp họ kết nối với nhau khăng khít hơn. “Chúng tôi vào rừng cùng với những người Hồi giáo khác”, Sambhu Nath Mistri, một ngư dân Ấn giáo cho hay. “Lúc nào, cả bọn cũng đi cùng nhau. Chỉ cần chúng tôi không tách lẻ, hổ sẽ không làm gì được”.

Bonbibi là nữ thần chung. Cả người Ấn giáo lẫn Hồi giáo ở đây đều tin bà sẽ hỗ trợ sau lưng, bảo vệ họ khỏi nanh vuốt của hổ dữ.

Họ thành tâm khấn vái trước khi vào rừng, hứa chỉ lấy đúng đủ dùng.

Họ thành tâm khấn vái trước khi vào rừng, hứa chỉ lấy đúng đủ dùng.

Quay trở lại với truyền thuyết về Bonbibi, chuyện kể rằng bà có gốc Hồi giáo, chào đời ở Ả Rập Saudi, trưởng thành rồi mới băng qua 5.000km để tới Sundarbans. Trước khi Bonbibi đặt chân xuống khu rừng ngập mặn rộng lớn này, hổ Bengal hoành hành khắp mọi ngã. Dưới sự chỉ đạo của chúa tể Dakshin Rai, chúng chặn đường con người, thỏa thích giết chóc.

Lập tức, Bonbibi thách đấu với Dakshin Rai. Sau trận quyết chiến, Dakshin Rai bị đánh bại. Bonbibi trở thành vị thần mới cai quản khu rừng. Nhờ hứa sẽ không giết người nữa nên Dakshin Rai được Bonbibi tha mạng. Ông rút sâu vào rừng rậm, nhưng thỉnh thoảng vẫn đội lốt hổ xông ra vồ người.

Đeo mặt nạ Hổ thần Dakshin Rai là cách thứ 2 để tránh hổ Bengal.

Đeo mặt nạ Hổ thần Dakshin Rai là cách thứ 2 để tránh hổ Bengal.

Những lo ngại mới

Mỗi năm vào khoảng tháng 1 – tháng 2, Lễ hội Bonbibi lại diễn ra. Các làng nối tiếp nhau tổ chức nghi lễ, tụ họp dân cư nghe kể chuyện xưa Bonbibi hàng phục Dakshin Rai. Họ dâng cho Bonbibi những món ngon như sữa, hoa quả, bánh kẹo… Không chỉ vào mùa lễ hội, người Sundarbans còn dừng lại trước đền Bonbibi, tỏ thái độ thành kính mọi lúc. Mỗi lần vào rừng hái củi hay lấy mật ong, họ đều nhớ cúi đầu trước nữ thần, hứa sẽ không lấy quá nhiều mà chỉ đúng đủ dùng.

Khác với người Ấn giáo thờ đủ các kiểu thần, người Hồi giáo nghiêm cấm đa thần. Hậu tố “bibi” trong cái tên Bonbibi là cách gọi thể hiện lòng kính ngưỡng đối với phụ nữ trong văn hóa Ấn giáo. Tại Sundarbans, đây không phải là vấn đề gì lớn, song hiện đại hóa đã khiến bên ngoài dần biết đến nơi này. Và thế giới Hồi giáo cảm thấy không hài lòng trước việc một phần tín đồ của họ lại cúi đầu trước một nữ thần Ấn giáo. Rất có thể sự không vui này còn dẫn đến mẫu thuẫn tôn giáo ở Sundarbans. Theo một vài báo cáo gần đây thì một số cư dân Hồi giáo đã tỏ thái độ quay lưng, muốn chấm dứt phong tục thờ Bonbibi.

Quanh Sundarbans là khoảng 4,5 triệu cư dân sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Quanh Sundarbans là khoảng 4,5 triệu cư dân sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thêm vào đó, sự hiện đại hóa còn thúc đẩy lòng tham của con người. Nhiều cư dân đã dần quên đi lời hứa “chỉ lấy đủ dùng” trước nữ thần Bonbibi, cố vơ vét thật nhiều. Sundarbans tuy trù phú nhưng không phải là vô hạn. Một khi con người không chiến thắng được ham muốn vật chất, nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây cũng sẽ sớm cạn kiệt.

Trong thực tế, trong những năm gần đây, nạn phá rừng cùng xói mòn đất đã phá hủy không ít lãnh thổ tự nhiên của hổ Bengal ở Sundarbans. Thiếu đói buộc chúa sơn lâm phải mò vào làng, ngày càng gây thêm nhiều bất trắc. Đội kiểm lâm buộc phải mang súng an thần ra bắn, khiến chúng ngất lịm đi rồi khiêng trở lại rừng.

Có một điều cực kỳ thú vị ở Sundarbans là ngoài Bonbibi, người ta vẫn kính ngưỡng Dakshin Rai, kẻ gieo rắc chết chóc đã bị bà đánh bại. Mỗi khi vào rừng, họ thường đeo mặt nạ Dakshin Rai phía sau gáy, tin rằng chiếc mặt nạ này sẽ khiến hổ Bengal e ngại mà tránh xa.

Hạ Vũ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/song-voi-ho-bengal-trong-rung-ngap-man-sundarbans-32262.html