Startup Việt đủ sức chống chọi 'mùa đông gọi vốn'?

Dòng vốn mạo hiểm đổ vào các startup công nghệ Việt Nam đạt đỉnh kỷ lục trong năm 2021 với hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ. Nhưng rồi lại giảm mạnh và nhỏ giọt trong năm ngoái và quí đầu năm nay. 'Mùa đông gọi vốn' đến với các startup Việt Nam nói chung sớm hơn và khắc nghiệt hơn dự đoán.

Văn phòng một startup ở Hà Nội. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được xem là một đỉnh trong “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Ảnh: Reuters

Văn phòng một startup ở Hà Nội. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được xem là một đỉnh trong “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Ảnh: Reuters

Định giá của các công ty công nghệ Việt Nam sẽ giảm khoảng 50% trong năm nay so với mức đỉnh của năm 2021. Sự hoài niệm hay níu kéo về quá khứ tốt đẹp của nhà sáng lập khiến startup gặp khó khi dòng vốn không còn dồi dào như trước.

Mùa đông đến quá sớm

Cuối tháng 3 vừa rồi, quỹ mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023. Với 134 thương vụ, vốn đổ vào startup Việt Nam đạt 634 triệu đô la trong năm ngoái, giảm 56% so với năm 2021. Báo cáo nói Việt Nam đứng thứ ba về số lượng thương vụ và thứ tư về số vốn ở Đông Nam Á.

CEO Lê Hoàng Uyên Vy của Do Ventures nói rằng: “Đầu tư giảm do không có thương vụ lớn như năm 2021”. Tức là không có các thương vụ trên 100 triệu đô la để tạo nên kỷ lục của năm 2021. Chẳng hạn như tập đoàn giáo dục Equest gọi được 100 triệu đô la Mỹ. Ví điện tử MoMo gọi được 200 triệu đô la. VNLife – hãng mẹ sở hữu ví VNPay – thành công với 250 triệu đô la ở series B. Tiki đoạt chức quán quân với 258 triệu đô la ở series E.

Trong số 208 quỹ mạo hiểm đang hiện diện tại thị trường Việt Nam, có gần 40 quỹ đăng ký tại Việt Nam. Có thể kể là Mekong Capital, VinaCapital, VSV Capital-Nextrans, 500 Startup Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Genesia Ventures…

Năm 2022, các quỹ tại Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu về dòng vốn với tổng số tiền là 287 triệu đô la, tiếp theo là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Bắc Mỹ và Hàn Quốc. “Trong bối cảnh khó khăn, các nhà đầu tư trong nước là những người tiếp sức cho các startup”, CEO Do Ventures nói.

Thế nhưng, “mùa đông khắc nghiệt” trong gọi vốn có lẽ đến sớm rất nhiều so với những gì Do Ventures và NIC dự báo.

Việt Nam được xem là chân vạc hay đỉnh thứ ba trong “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á, với hai đỉnh còn lại là Singapore và Indonesia.

DealStreetAsia nói các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam chỉ đạt 95 triệu đô la trong quí 1-2023, giảm 56% so với năm trước đó, do lãi suất cao hơn và bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng. Hai đỉnh còn lại còn tệ hơn khi vốn mạo hiểm ở Singapore giảm 65% và Indonesia 70% từ đầu năm đến nay – theo hãng dữ liệu Preqin có trụ sở tại London.

Tuy nhiên, từ việc bóc tách giữa vốn mạo hiểm và vốn tư nhân, Tech in Asia cho thấy “mùa đông gọi vốn” đã đến: chỉ 40,6 triệu đô la vốn mạo hiểm đổ vào startup công nghệ Việt Nam trong quí 1.

Nhà sáng lập đang “ngáo giá”?

Trong giới khởi nghiệp, có sự phân định rõ ràng giữa nhà đầu tư thiên thần (angel investor), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) và quỹ cổ phần tư nhân (private equity).

Các “thiên thần” là người cung cấp nguồn vốn đầu tiên hoặc trong các giai đoạn bắt đầu hoạt động bởi họ tin tưởng vào ý tưởng, giải pháp và sản phẩm của một công ty khởi nghiệp. Và các “thiên thần” này thậm chí không cần đòi hỏi nhà sáng lập trả lại tiền khi thất bại. Quỹ mạo hiểm chịu bỏ vốn bởi họ tin vào tiềm năng tăng trưởng mạnh của startup và họ sẽ có cổ phần trong startup. Quỹ tư nhân thì đặt mục tiêu lợi nhuận là trên hết.

Chẳng hạn, MoMo ban đầu nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ bạn bè, gia đình (có thể xem là nhà đầu tư thiên thần) và vốn đầu tư mạo hiểm, trước khi Warburg Pincus gia nhập với tư cách nhà đầu tư tư nhân. Mặt khác, Tiki ban đầu được hậu thuẫn bởi CyberAgent Ventures (hiện là CyberAgent Capital) và sau đó là các quỹ đầu tư tư nhân như Northstar Group.

Thành lập từ năm 2001 tại TPHCM, Mekong Capital là một trong những quỹ tư nhân lâu đời nhất Việt Nam với các thương vụ đầu tư “xôm tụ” như Thế giới Di động, Pizza4P, Pharmacity, F88, Nhat Tin Logistics và Maison Marou… Trong 41 thương vụ đầu tư của Mekong Capital có đến 28 thương vụ được xem là “thành công hoàn hảo”. Chẳng hạn như vụ chốt lời ở Thế giới Di động năm 2018 đã đem về cho quỹ này khoản lợi nhuận tăng 57 lần so với năm 2014.

Chính vì thế, suốt nhiều năm qua, Tổng giám đốc Chad Ovel của quỹ này đều nói rất rõ rằng Mekong Capital tập trung vào mảng tiêu dùng, dịch vụ. Khi nói đến các startup công nghệ, ông đều: “Không, cám ơn”. Nhưng mới đây Chad Ovel có thay đổi chút ít khi nói rằng: “Mekong Capital tập trung vào đầu tư cho các doanh nghiệp đã đi đến giai đoạn trưởng thành hơn, kể cả công ty công nghệ trưởng thành đang chuyển từ vốn mạo hiểm sang vốn tư nhân”.

Dòng vốn cho các startup Việt Nam không còn dồi dào kể từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: Reuters

Dòng vốn cho các startup Việt Nam không còn dồi dào kể từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: Reuters

Riêng với các startup công nghệ Việt Nam, ông cho rằng, các nhà sáng lập vẫn còn “ảo tưởng” về mức định giá dựa vào các vòng gọi vốn 18-24 tháng trước – tức năm 2021. Kết quả là họ không thể huy động vốn dễ dàng như trước.

Ông dự báo định giá startup công nghệ Việt Nam có thể giảm 50% so với năm đỉnh cao 2021. “Vốn từ các quỹ mạo hiểm ít hơn. Những nhà sáng lập cần thực tế hơn khi kỳ vọng về giá trị công ty công nghệ của họ. Có lẽ bây giờ không ai chấp nhận mức định giá thấp như vậy, nhưng có thể sáu tháng nữa hoặc một năm tới, họ sẽ phải chấp nhận”, ông Ovel nhấn mạnh với báo chí và những người trong giới công nghệ.

“Mekong Capital vẫn giữ nguyên quan điểm không đổ tiền vào các startup rủi ro với những mô hình kinh doanh chưa được chứng minh hiệu quả, kể cả khi các quỹ đầu tư mạo hiểm khác coi Việt Nam như một thị trường tăng trưởng tiếp theo của khu vực, sau Singapore và Indonesia”, ông Ovel khẳng định.

Vẫn là “liệu cơm gắp mắm”

Khi dòng vốn đã khó, tận dụng từng đồng tiền riêng hay vay mượn bạn bè, người thân để lập nghiệp. Nơi làm việc có thể là phòng ngủ hay nhà riêng. Đó có lẽ là tình cảnh chung hay bài học của startup muốn sống còn.

Denise Sandquist là nhà đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò Fika ra mắt năm 2020 dành riêng cho giới trẻ Việt Nam. Những ngày đầu “thai nghén” cho Fika, Denise làm việc ngay tại phòng ngủ, với chiếc laptop của mình. Rồi đến khi có những đồng vốn dồi dào hơn và ứng dụng có lượng người dùng nhiều hơn, Fika mới có văn phòng riêng là một biệt thự ở Thảo Điền, TPHCM đủ chỗ cho khoảng 50 nhân viên làm việc. Nay, Fika đã tái định vị với tên mới là Skapa và tạo hệ sinh thái với Fika, Leka và dịch vụ AI.

Đang là giảng viên đại học, Nguyễn Thị Quỳnh Viên bước vào nông nghiệp hữu cơ một cách rất tình cờ vào năm 2010 với 300 triệu đồng mượn của chồng. Vườn rau đầu tiên hình thành trên mảnh đất 5.000 mét vuông gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tiền thuê đất cô trả bằng rau thu hoạch từ mảnh đất đó.

Đến năm 2017, Quỳnh Viên mới bắt đầu nghĩ đến việc số hóa để quản lý các vườn rau của mình. Ít tiền và không có tiền thuê kỹ sư lập trình, mãi đến năm 2022 khi được một tổ chức tài trợ hơn 1 tỉ đồng, Công ty Hương Đất của cô mới hoàn thành số hóa quy trình vận hành và quản lý sáu vườn rau tại TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Kon Tum và Phú Yên.

Nhưng đó chưa là mô hình hoàn thiện mà Quỳnh Viên và các cộng sự mong muốn. Nữ giảng viên kiêm doanh nhân này muốn phát triển thương hiệu Happy Vegi của Hương Đất thành hệ sinh thái hoàn chỉnh: trang trại, quản lý công nghệ số, chế biến và xuất khẩu.

Với kinh nghiệm thực chiến là quá trình chuẩn bị và thực hiện số hóa đến năm năm, Hương Đất có thể tư vấn cho khách quy trình chuyển đổi số và công nghệ blockchain liên quan. Công ty hiện xuất sang châu Âu mỗi tháng 1-2 container gừng, nghệ và tỏi – không xuất tươi mà đã lên men vi sinh “giống như quá trình làm tỏi đen”.

Chuỗi siêu thị hàng đầu Spar ở châu Âu rất hài lòng. Và người bạn của một giám đốc Spar là một nhà đầu tư. Ông ta nhận xét sản phẩm của Hương Đất có ba thế mạnh: sản phẩm hữu cơ, bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc, sản phẩm chất lượng và theo đúng xu hướng thế giới là các sản phẩm lên men vi sinh.

“Ông đã đề cập chuyện đầu tư từ năm ngoái. Nhưng lúc đó, chúng tôi chưa cảm thấy chưa thích hợp vì còn phải kiện toàn mọi thứ sau khi đã hoàn thành công đoạn số hóa. Năm nay, ông ấy nhắc lại ý định, nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng”, Quỳnh Viên trò chuyện với Kinh tế Sài Gòn qua điện thoại từ nhà vườn ở Đắk Nông.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-viet-du-suc-chong-choi-mua-dong-goi-von/