Sử dụng hiệu quả nhà, đất công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Việc xử lý, sắp xếp bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần đảm bảo tính hiệu quả, kế thừa, không làm gián đoạn việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức và các cơ quan tổ chức, đơn vị.

Bám sát thực tiễn trong xây dựng chính sách xử lý tài sản sau sắp xếp bộ máy

Trao đổi với báo chí về hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024; Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý đối với trụ sở, tài sản công khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, giải thể…

Trong đó đã quy định cụ thể các tình huống phát sinh về xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Trong tháng 2/2025 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ngày 15/4/2025, Bộ Tài chính tiếp tục có Văn bản số 4891/BTC-QLCS hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chỉ đạo việc rà soát, giao nhiệm vụ quản lý đối với quỹ nhà đất chuyên dùng, quỹ nhà đất dôi dư của các địa phương để cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà của các địa phương quản lý, bảo vệ, bảo quản và khai thác; văn bản gửi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương đối với các chính sách liên quan đến tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công như xe ô tô, trụ sở làm việc, máy móc thiết bị…

“Với định hướng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành rà soát 48 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công sản để trình, sửa đổi bổ sung đảm bảo phù hợp với mô hình, tổ chức bộ máy mới”, ông Thịnh nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng cho biết, việc sắp xếp, bố trí, xử lý đối với các trụ sở, tài sản công của các cơ quan đơn vị khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp cần được xác định rõ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải riêng của một ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời việc sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc tài sản của Bộ, ngành địa phương nào thì trước hết Bộ, ngành địa phương đó phải chịu trách nhiệm theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

“Tuy nhiên để hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương, vừa rồi lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo sẽ thành lập 1 Tổ điều phối để thực hiện việc sắp xếp, bố trí, đối với trụ sở, công trình của các cơ quan tổ chức, đơn vị có mối quan hệ giữa trung ương và địa phương” – Cục trưởng Cục Quản lý công sản thông tin.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng cho biết thêm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính hiện nay đều thực hiện theo hướng: việc bố trí, sắp xếp tài sản công cần theo hướng điều hòa cho các cơ quan đơn vị để khai thác hiệu quả, triệt để. Đối với trụ sở không có nhu cầu sử dụng ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ giáo dục, y tế, công cộng.

Đối với việc xử lý, sắp xếp bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cần đảm bảo tính hiệu quả, kế thừa, không làm gián đoạn việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức và các cơ quan tổ chức, đơn vị. Do đó có thể bố trí nhiều cơ quan đơn vị sử dụng chung trụ sở tránh lãng phí, khai thác tối đa công năng sử dụng trụ sở, tài sản.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ việc các Bộ ngành, địa phương giao trách nhiệm, bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản, duy trì tài sản công để không xuống cấp, mất mát, hư hỏng. Bên cạnh đó, kiện toàn, nâng cao năng lực của các tổ chức có chức năng kinh doanh nhà tại các địa phương.

Truy rõ trách nhiệm khi để lãng phí trụ sở dôi dư

Liên quan đến việc xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư, ông Tân Thịnh thông tin, theo thống kê đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Các cơ sở dôi dư chủ yếu tập trung ở các điểm trường, trạm y tế ở miền núi, vùng sâu xa, khó khăn.

Theo ông Thịnh, để xử lý 1 cơ sở nhà đất liên quan đến nhiều vấn đề, như vấn đề về quy hoạch. Trong khi đó, để điều chỉnh quy hoạch cần tuân theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn liên quan đến ý thức trách nhiệm của cơ quan đơn vị, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng đối với các cơ sở nhà đất. Hay một số cơ sở nhà đất dôi dư không ở vị trí thuận lợi nên khi thực hiện giao đất, đấu giá cho thuê không có người mua, khó xử lý…

“Kết hợp nhiều nguyên nhân, nên không thể một sớm một chiều xử lý được ngay trụ sở dôi dư như đối với tài sản công là ô tô, máy móc thiết bị” – ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.

Về trách nhiệm khi để lãng phí trụ sở dôi dư, ông Thịnh cho biết, hiện nay đã có các quy định về phòng chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài chính công, tài sản công, trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan khi xảy ra lãng phí. Ngoài ra còn có các quy định khác của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Về phía Bộ Tài chính, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, ngày 23/4/2025, Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản đề nghị các đồng chí Bí thư Đảng ủy các bộ, cơ quan trung ương; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp các trụ sở làm việc, các tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp cũng như xử lý tài sản các dự án có liên quan tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong sử dụng tài sản công.

Thu Trang (Cổng thông tin Bộ Tài chính)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/su-dung-hieu-qua-nha-dat-cong-khi-sap-xep-tinh-gon-bo-may.html