Sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải đạt kỷ lục vào năm 2023

Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và lượng phát thải năng lượng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023, theo báo cáo Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới cho biết vào ngày 20/6.

Báo cáo cho biết tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 620 Exajoules (EJ), khi lượng khí thải lần đầu tiên vượt quá 40 gigaton CO2.

Báo cáo ghi nhận xu hướng thay đổi trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các khu vực khác nhau. Ví dụ, ở châu Âu, lần đầu tiên tỷ lệ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống dưới 70% kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

"Ở các nền kinh tế tiên tiến, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch có dấu hiệu đạt đỉnh điểm, trái ngược với các nền kinh tế ở nam bán cầu, nơi mà sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng hóa thạch", giám đốc điều hành Viện Năng lượng Nick Wayth cho biết.

Báo cáo cho biết nhiên liệu hóa thạch chiếm gần như toàn bộ mức tăng trưởng nhu cầu ở Ấn Độ vào năm 2023, trong khi mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc đã tăng 6% lên mức cao mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chiếm hơn một nửa lượng bổ sung toàn cầu trong sản xuất năng lượng tái tạo vào năm ngoái.

 Các giàn khoan ở Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các giàn khoan ở Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Dưới đây là một số điểm nổi bật trong báo cáo năm 2023:

Mức tiêu thụ năng lượng

Nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu tăng 2% lên 620 EJ vào năm 2023 so với năm 2022

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 1,5% lên 505 EJ, chiếm 81,5% tổng năng lượng tổng thể, giảm 0,5% so với năm 2022.

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không tăng ở một quốc gia châu Âu nào vào năm 2023.

Sản lượng điện tăng 2,5% vào năm 2023, tăng nhẹ so với mức tăng trưởng 2,3% của năm trước.

Sản xuất nhiên liệu tái tạo (không bao gồm thủy điện) tăng 13% lên mức cao kỷ lục mới là 4.748 terawatt giờ (TWh).

Tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng tổng thể không bao gồm thủy điện là 8%, tăng từ mức 7,5% trong báo cáo năm 2022.

Dầu

Tiêu thụ dầu lần đầu tiên vượt quá 100 triệu thùng/ngày vào năm 2023, sau mức tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng nguồn cung dầu được đáp ứng bởi các nhà sản xuất ngoài OPEC+, với sản lượng của Mỹ tăng 9% trong năm.

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới vào năm ngoái với 18,5 triệu thùng/ngày, mặc dù khối lượng lọc dầu vẫn tụt hậu ở mức sử dụng 82% so với 87% của Mỹ.

Tiêu thụ xăng toàn cầu đạt 25 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, cao hơn mức trước đại dịch năm 2019.

Sản lượng nhiên liệu sinh học tăng 8% lên 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023, nhờ mức tăng ở Mỹ và Brazil.

Mỹ, Brazil và châu Âu chiếm 80% lượng tiêu thụ nhiên liệu sinh học toàn cầu.

Khí tự nhiên

Sản xuất và tiêu thụ khí đốt toàn cầu vẫn tương đối ổn định vào năm 2023. Nguồn cung LNG tăng gần 2% lên 549 tỷ mét khối (bcm).

Mỹ đã vượt qua Qatar để trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới sau khi sản lượng tăng 10%. Nhìn chung, nhu cầu khí đốt ở châu Âu đã giảm 7% vào năm 2023.

Thị phần cung cấp khí đốt ở châu Âu của Nga chỉ còn 15% vào năm 2023, từ mức 45% vào năm 2021.

Than

Tiêu thụ than đạt mức cao mới 164 EJ vào năm 2023, tăng 1,6% so với năm trước, do Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy.

Tiêu thụ than của Ấn Độ vượt quá mức tiêu thụ của châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.

Tiêu thụ than của Mỹ giảm 17% vào năm 2023 và đã giảm một nửa trong thập kỷ qua.

Năng lượng tái tạo

Mức năng lượng tái tạo cao kỷ lục được thúc đẩy bởi công suất gió và năng lượng mặt trời cao hơn, với mức bổ sung ở hai hạng mục này nhiều hơn 67% vào năm 2023 so với năm 2022.

Khoảng 74% tăng trưởng ròng trong tổng sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo.

Trung Quốc chiếm 55% tổng số năng lượng tái tạo bổ sung vào năm 2023 và chịu trách nhiệm tạo ra 63% công suất gió và năng lượng mặt trời mới trên toàn cầu.

Phát thải

Lượng phát thải tăng 2% trong năm và vượt quá 40 gigaton. Lượng khí thải tăng bất chấp tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch giảm nhẹ.

Báo cáo lưu ý rằng kể từ năm 2000, lượng khí thải từ năng lượng đã tăng 50%.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-dung-nhien-lieu-hoa-thach-va-luong-khi-thai-dat-ky-luc-vao-nam-2023-post300075.html