Sử dụng sản phẩm có đường sao cho an toàn?

Người tiêu dùng hiện đại đang có xu hướng lựa chọn sản phẩm giảm đường, ít đường hoặc sản phẩm được tạo vị ngọt từ tự nhiên

Tại hội thảo Xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường trên thế giới và tại Việt Nam, tổ chức ngày 10-12, tiến sĩ – bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường trong khẩu phần ăn hàng ngày chiếm tỉ lệ cao nhất so với nhóm năng lượng và protein, chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn.

Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương cảnh báo về nguy cơ từ việc sử dụng quá nhiều đường

Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương cảnh báo về nguy cơ từ việc sử dụng quá nhiều đường

Một cốc trà sữa chứa tới 50g đường

Theo bác sĩ Hương, đường là một phần trong khẩu phần ăn, nhưng cần được sử dụng hợp lý, theo khuyến nghị. Bởi sử dụng đường quá mức liên quan 45 bệnh lý (răng miệng; đái tháo đường; béo phì; biến chứng hôn mê tăng đường huyết; bệnh tim, các vấn đề về khớp, huyết áp cao…).

Giảm đường trong chế độ ăn là một xu hướng đang rất được quan tâm. Để thực hiện điều này, việc nhận diện những thực phẩm chứa nhiều đường là rất quan trọng. Bởi đường không chỉ nằm trong bánh kẹo, đồ uống ngọt mà còn "ẩn mình" trong nhiều món ăn hàng ngày. Đặc biệt, đường trong các loại nước chấm và sốt lại ít được lưu tâm. Trong khi đó, loại nguyên liệu này lại có đến 50-55% thành phần là đường.

"Một thức uống phổ biến là trà sữa - món đồ uống yêu thích của giới trẻ, thì trong cốc trà sữa này chứa tới 40-50g đường, vượt xa mức khuyến nghị hàng ngày chỉ trong một lần tiêu thụ"- bác sĩ Hương nói.

Báo cáo từ Bộ Y tế cho thấy lượng đường tiêu thụ trung bình của người Việt đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, đạt mức 46,5g/ngày vào năm 2018. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là dưới 25g/ngày.

Lựa chọn thực phẩm, đồ uống an toàn đóng vai trò quan trọng, trong đó lựa chọn đồ uống giảm đường và không bổ sung đường để tốt hơn cho sức khỏe. WHO khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ ở mọi lứa tuổi. Ở cả người lớn và trẻ em, WHO khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày và nên giảm thêm lượng đường tự do xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng hấp thụ.

Việc tiêu thụ đường quá mức đang đặt sức khỏe của người Việt trước nhiều nguy cơ nghiêm trọng, tập trung vào các nhóm bệnh răng miệng và rối loạn chuyển hóa"- bác sĩ Hương cảnh báo.

Cách giảm đường trong đồ ăn, thức uống

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Vân, Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH, cũng cho biết bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, nhiều muối. Vì vậy, người tiêu dùng cần giảm đường trong khẩu phần dinh dưỡng mỗi ngày.

Bà Nguyễn Quỳnh Vân, Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH nói về xu hướng tiêu dùng giảm đường

Bà Nguyễn Quỳnh Vân, Viện Phó Viện Dinh dưỡng TH nói về xu hướng tiêu dùng giảm đường

Các khảo sát cho thấy nhu cầu tìm kiếm và sử dụng các loại đồ uống ít hoặc không bổ sung đường hay sản phẩm có vị ngọt tự nhiên để tạo vị ngọt tự nhiên cho sản phẩm đang là xu hướng mới.

Hiện nay, khi mua thực phẩm bước đầu người dân đã có thói quen đọc nhãn sản phẩm. Đặc biệt, với thế hệ Gen Y, Gen Z, nhiều người trẻ, người mắc các bệnh lý mãn tính... họ thường cân nhắc tìm hiểu kỹ lưỡng nguồn gốc xuất xứ, thành phần nguyên liệu của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Các chuyên gia cho biết sử dụng các sản phẩm giảm đường, giảm muối đang được nhiều người hướng đến khi xây dựng một chế độ ăn lành mạnh hơn. Cùng đó, nhiều nhà sản xuất đã giảm đường khi chế biến thực phẩm, nhất là với sản phẩm sữa và đồ uống.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng đọc nhãn sản phẩm khi mua hàng

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng đọc nhãn sản phẩm khi mua hàng

Theo bác sĩ Hương, để thay thế sản phẩm có đường, nước lọc là tốt nhất h Với các nhà sản xuất thực phẩm nên giảm lượng đường tinh luyện, dùng các chất ngọt thay thế và có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây.

Ngoài ra, người dân nên làm quen với việc giảm lượng đường thêm vào đồ uống và thực phẩm; lựa chọn thực phẩm không đường hoặc chất tạo ngọt thay thế từ thiên nhiên ít calo như trái cây, có lợi cho sức khỏe.. Người tiêu dùng hãy tạo thói quen đọc thành phần và hàm lượng đường trên nhãn.

Tại hội thảo, bác sĩ Hương cũng cho biết Bộ Y tế vừa ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng đến năm 2030, trong đó hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường, đồ uống có đường.

Theo tính toán, 1 lon nước ngọt có gas chứa tới 36g đường. Kết quả nghiên cứu trên gần 2.000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Trong đó, 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết uống mỗi ngày, gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày.

Tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Theo đó, áp Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/su-dung-san-pham-co-duong-sao-cho-an-toan-196241211093942438.htm