Sự khác nhau trong tục cúng ông Công ông Táo ở châu Á
Cùng chung mong muốn vị thần cai quản bếp núc sẽ tâu toàn lời hay ý đẹp lên Ngọc Hoàng, gia chủ sẽ tùy vào truyền thống của nước mình để bày biện mâm cỗ đồ ngọt hay đồ mặn.
Tín ngưỡng dân gian ở nhiều nước châu Á đề cao vai trò vị thần trông coi bếp lửa và tài lộc gia đình. Vì vậy, ngày lễ cúng ông Công ông Táo là dịp quan trọng hàng đầu trong cả năm.
Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có theo tục thờ cúng ông Công, ông Táo. Vào ngày này, người dân sẽ chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, với những đồ lễ truyền thống để tiễn ông Táo về trời.
Trung Quốc
Giống với Việt Nam, người Trung Quốc quan niệm phúc lộc của gia chủ trong năm mới sẽ phụ thuộc nhiều vào những lời ông Táo tâu với Ngọc Hoàng. Lễ cúng 23 tháng Chạp của hai nước láng giềng vừa có nét tương đồng, vừa có nhiều điểm khác biệt trong thời gian lễ, các loại đồ cúng không thể thiếu.
Theo China Daily, Vị thần bếp núc của người Trung Quốc bao gồm ông Táo và bà Táo. Do đó, bộ đồ Táo quân bao gồm một ông, một bà, thay vì hai ông, một bà như của người Việt. Người thực hiện các nghi lễ khấn vái, thắp hương thường là người đàn ông trong gia đình, vì người dân coi trọng ông Táo hơn.
Khác với phong tục phóng sinh cá chép ở Việt Nam, người dân Trung Quốc có truyền thống cúng ngựa giấy, xuất phát từ quan niệm ông Táo cưỡi ngựa về trời. Các gia đình còn chuẩn bị thêm đồ cúng là nước uống và cỏ khô, tượng trưng thức ăn cho ngựa.
Người Trung Quốc chọn cúng đồ ngọt thay vì đồ mặn như Việt Nam bởi mong muốn ông Táo có tâm trạng vui vẻ, chỉ bẩm tấu điều hay, không nói những điều xấu về gia chủ trước mặt Ngọc Hoàng.
Mâm cỗ ngày 23 tháng Chạp chủ yếu gồm các món đồ ngọt như bánh tổ (làm từ gạo nếp thắng đường và mật ong), kẹo mạch nha và bánh tiết lợn truyền thống, với mong muốn Táo quân sẽ chỉ nói những điều tốt đẹp, khen ngợi.
Một số nơi chọn sắp xếp xôi, đường, bánh rán và canh đậu lên mâm cỗ. Tại các gia đình gốc Hoa ở trong miền Nam Việt Nam, mâm cơm cúng thần bếp cũng bao gồm nhiều món ngọt như kẹo thèo lèo, mứt, bánh tổ.
Nhà nào cầu kỳ hơn có thể mua thêm cây mía, chọn cây có nhiều đốt. Các mắt mía tượng trưng cho những bậc thang ông Táo leo về chầu trời. Ngoài ra, họ thường bôi rượu ngọt lên cánh cửa bếp hoặc phết mật ong lên các bức tranh hoặc tượng Táo Vương.
Sau khi cúng giỗ, nhà nào dùng tượng Táo quân bằng giấy sẽ đem đốt tượng cũ và thay bằng tượng mới, nhà nào dùng tượng sứ thì cẩn thận lau sạch tượng.
Nhật Bản
Theo tín ngưỡng dân gian ở xứ hoa anh đào, vị thần Daikokuten nằm trong số Thất Đại Thần đem lại may mắn cho người dân.
Vị thần này ngoài cai quản bóng đêm, còn bảo trợ cho chuyện nhà cửa, bếp núc, sự thịnh vượng và 5 loại ngũ cốc quan trọng (gạo, đậu, lúa mạch, hạt kê, yến mạch), theo Kokukaguin JP.
Tuy nhiên, người Nhật không có truyền thống làm lễ cúng vị thần này.
Thay vào đó, vào đêm giao thừa, tượng thần Daikokuten trở thành món đồ được bày bán rộng rãi và tượng trưng cho may mắn, tiền tài cho một năm tới.
Hình ảnh khắc họa đặc trưng của thần Daikokuten là gương mặt lớn, miệng cười, tay cầm chiếc vồ bằng vàng biểu trưng cho may mắn.
Thần thường ngồi trên chĩnh gạo, với nhiều con chuột ở xung quanh, hàm ý gia chủ giàu có, của ăn của để.
Hoặc trong các tu viện hay nhà riêng, người chủ vẫn thường treo hay đặt, để các món đồ có hình ảnh vị thần này.
Hàn Quốc
Lễ tiễn vị thần bếp núc tại xứ kim chi thường được tổ chức muộn hơn các nước châu Á khác, diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp.
Mâm cỗ cúng cũng thiên về đồ ngọt, bao gồm các món hoa quả và một số loại bánh gạo rán.
Ngoài ra, trên bàn thờ, gia chủ sẽ đặt một bát nước nhỏ, thay đều đặn vào ngày mùng Một hoặc 15 Âm lịch hàng tháng, nhằm đảm bảo sự sạch sẽ và thể hiện lòng thành kính.
Truyền thống này xuất phát từ quan niệm của người dân Hàn Quốc, rằng thần Jowangshin hiện thân thành bát nước đầy trên bàn thờ.
Có chức năng tương tự với Táo quân tại Việt Nam, thần Jowangshin trong truyền thuyết là người nữ. Bà tượng trưng cho ngọn lửa và gia đình, có nhiệm vụ ghi chép và báo cáo lại về thiên đình mọi chuyện tốt xấu xảy ra dưới mỗi mái nhà ở hạ giới trong một năm.
Sự xuất hiện của bà nhằm giúp các gia đình Hàn Quốc gột rửa mọi điều xui xẻo, đón những điều bình an, tốt đẹp trong năm mới.
Singapore
Người Hoa là nhóm dân tộc lớn nhất ở Singapore, chiếm gần ba phần tư dân số cả nước. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi văn hóa Trung Hoa, từ ngôn ngữ, món ăn, cho đến giải trí và các lễ hội luôn chiếm vị trí nổi bật ở Singapore.
Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp cũng không phải ngoại lệ.
Theo nghi lễ truyền thống, các gia đình tại đảo quốc sư tử cũng bày biện một mâm cỗ ngọt, với ước nguyện vị thần trông coi bếp lửa sẽ bẩm báo những điều tốt đẹp nhất lên Ngọc Hoàng, giấu nhẹm những khía cạnh xấu của gia chủ.
Xong xuôi phần chuẩn bị đồ cúng, họ sẽ quét thêm một lớp mật ong, đường hoặc rượu ngọt lên phần miệng của Táo quân giấy trước khi thắp hương, chắp lậy, theo The Star.
Cuối cùng, họ đốt tượng ông Táo để tiễn vị thần này về trời.