Sự kiện 30/4/1975 có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử Việt Nam và lịch sử tỉnh Trà Vinh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh đã đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần cùng với quân dân miền Nam và cả nước lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên cao niên tuổi Đảng tại buổi họp mặt kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025), mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: KIM LOAN

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên cao niên tuổi Đảng tại buổi họp mặt kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025), mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: KIM LOAN

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh đã đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần cùng với quân dân miền Nam và cả nước lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam: chiến tranh đơn phương (1954 - 1960), chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972), tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới, thu được được nhiều thành tựu quan trọng.

I. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIÀNH THẮNG LỢI, GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

1. Bối cảnh lịch sử

Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội (XHCN), phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.

Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

Đầu năm 1975, Đảng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng 3 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3/1975, mở đầu bằng trận đánh đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 02 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

2. Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Ngày 04/3/1975, ta nổ súng tấn công một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch Tây Nguyên.

Rạng sáng 10/3/1975 quân ta tiến đánh Buôn Ma Thuột, mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giành thắng lợi trên chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 21/3/1975, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng bắt đầu, thành phố Huế được giải phóng ngày 26/3/1975. Sau khi giải phóng Huế, quân ta tiếp tục tiến công địch và đến ngày 29/3/1975, ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Đến ngày 03/4/1975, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, với 5 cánh quân đồng loạt tiến công vào cơ quan đầu não, xào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Vào lúc 11 giờ 30 phút, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy.

Trong thời khắc lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả tài lực, vật lực cả nước đã dồn toàn lực cho cách mạng miền Nam, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Nam bộ, trong đó có Nhân dân tỉnh Trà Vinh cùng nhau đoàn kết dưới ngọn cờ Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, dũng cảm, không ngại hy sinh, nhất trí vùng lên “lấy sức ta mà giải phóng cho ta” đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại, riêng tỉnh Trà Vinh giải phóng cùng lúc với Sài Gòn.

3. Trà Vinh chủ động Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn tỉnh Trà Vinh

Quân và dân tỉnh Trà Vinh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh đã đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, kiên cường với địch, vừa đánh địch vừa xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng theo phương châm “hai chân ba mũi”, “một tấc không đi, một lY không rời”, “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”, mỗi xã, ấp thành một chiến trường, mỗi người dân yêu nước là một chiến sĩ tạo thành cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận đã tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công địch giành thắng lợi trong các giai đoạn đấu tranh chống xâm lược. Trong đó, chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Trà Vinh.

- Đầu năm 1975, cục diện toàn chiến trường diễn ra nhanh chóng có lợi cho ta. Quán triệt sự chỉ đạo sâu sắc của cấp trên, nắm lấy thời cơ, tháng 3/1975 Tỉnh ủy Trà Vinh đã chủ động đề ra phương án bố trí lực lượng trong tỉnh và đề nghị cấp trên cho Trà Vinh tiến công đánh chiếm, giải phóng thị xã Trà Vinh. Đề xuất táo bạo này được Khu ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chấp thuận. Tỉnh ủy chỉ đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh giữ vững thế tiến công, vừa khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tổ chức lực lượng và hoàn chỉnh phương án Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh.

- Đến giữa tháng 4/1975 phương án Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa đánh chiếm giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh được chuẩn bị kỹ. Phương án Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa khẳng định quyết tâm chung cho toàn tỉnh là tập trung dồn nỗ lực cao nhất để dứt điểm giải phóng thị xã Trà Vinh trong ngày 30/4/1975. Đồng thời, ở các địa phương trên toàn tỉnh thực hiện phương châm huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã; nơi có tiểu đoàn bảo an địch cắm chốt thì phải phát động quần chúng và sư sãi bao vây bức hàng, không để cho lực lượng này chi viện tỉnh lỵ; các đơn vị được bố trí dọc theo lộ 7 (nay là Quốc lộ 53) phải cắt đứt giao thông trên tuyến lộ, chặn đường chi viện của địch.

- Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”, đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh đã vươn cao ngọn cờ tiến công quyết thắng, quyết tâm giải phóng Trà Vinh. Đúng theo kế hoạch, đêm 28/4/1975 ở các huyện, lực lượng địa phương đồng loạt tấn công vào các chi khu và phân chi khu, đồng thời cắt tuyến giao thông liên lạc của địch, kìm chân, căng kéo địch và giữ thế bất ngờ khi ta tấn công vào trung tâm tỉnh lỵ. Tại địa bàn 02 huyện Cầu Ngang và Càng Long quân ta đã chọc thủng phòng tuyến địch, tiến đánh chiếm các vùng ven áp sát quận lỵ; lực lượng huyện Duyên Hải đánh thọc sâu vào chi khu…Ngày 29/4, ta tấn công vào đầu não của ngụy quân, ngụy quyền tại huyện lỵ và chiếm lĩnh một số vị trí quan trọng.

Đúng 0 giờ ngày 30/4/1975, ta phát hỏa tấn công mục tiêu then chốt trận địa pháo của địch ở sân bay, mở đầu tấn công đánh chiếm tỉnh lỵ Trà Vinh, tiếp sau các mũi tấn công từ nhiều hướng đánh sâu vào nội ô tỉnh lỵ, hướng chủ yếu lực lượng vũ trang của ta tiến gần Dinh Tỉnh trưởng của địch (200m). Trong đêm 30/4/1975 ta đã chiếm lĩnh một số vị trí nội ô tỉnh lỵ, diệt và bức rút 25 đồn, bót và lô cốt địch. Đến 5 giờ sáng ngày 30/4 ta làm chủ đại bộ phận vùng ven tỉnh lỵ.

Sáng ngày 30/4/1975, với sự phối hợp đồng loạt tiến công của lực lượng vũ trang cùng lực lượng chính trị và binh vận huy động lực lượng quần chúng xuống đường làm tan rã quân địch, buộc Tỉnh trưởng viết lời đầu hàng. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước Tòa hành chính và Dinh Tỉnh trưởng. Trong ngày 30/4/1975 ta chiếm lĩnh tất cả các chi khu và các phân chi khu trên toàn tỉnh. Tỉnh lỵ Trà Vinh được giải phóng cùng lúc với giải phóng Sài Gòn, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.

4. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

4.1- Ý nghĩa lịch sử

- Đối với Việt Nam: Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

- Đối với thế giới: Thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

4.2- Nguyên nhân thắng lợi

Nguyên nhân thứ nhất: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai: Nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người.

Nguyên nhân thứ ba: Cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nguyên nhân thứ tư: Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Nguyên nhân thứ năm: Đoàn kết, liên minh chiến đấu với Nhân dân Lào và Nhân dân Campuchia; đoàn kết quốc tế.

4.3- Bài học kinh nghiệm

Bài học thứ nhất: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Bài học thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Bài học thứ ba: Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Bài học thứ tư: Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.

Bài học thứ năm: Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng

5. Ý nghĩa, bài học kinh nghiệm lịch sử từ thực tiễn cách mạng ở Trà Vinh

5.1. Ý nghĩa

Thắng lợi của Nhân dân Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975, giải phóng Trà Vinh, giải phóng đất nước là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh anh dũng, bất khuất, không ngại hy sinh, gian khổ, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, thể hiện tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng độc lập, tự do, hòa bình dân tộc của Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Trà Vinh một lần nữa khẳng định trí tuệ, năng lực cách mạng và sức mạnh to lớn của khối đoàn kết các dân tộc ở Trà Vinh; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định hàng đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

5.2. Bài học kinh nghiệm

Bài học thứ nhất: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh truyền thống đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa được củng cố và phát huy trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Tỉnh ủy Trà Vinh giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ, từ đó làm cơ sở để xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Tinh thần đoàn kết ấy đã góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, để lãnh đạo Nhân dân đoàn kết, đấu tranh giành thắng lợi, được Đảng và Nhà nước khen tặng Huân chương Thành đồng hạng Nhất và lá cà vẻ vang với tám chữ vàng "Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công".

Ngày 20/12/2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức buổi họp mặt nhân kỷ niệm 55 năm ngày tỉnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” (20/12/1968 - 20/12/2023). Ảnh: BÁ THI

Ngày 20/12/2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức buổi họp mặt nhân kỷ niệm 55 năm ngày tỉnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” (20/12/1968 - 20/12/2023). Ảnh: BÁ THI

Bài học thứ hai: Tinh thần và ý chí tự lực, tự cường luôn được phát huy mạnh mẽ cùng với tính năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, chủ động tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi. Tỉnh ủy Trà Vinh đã lãnh đạo đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống tự lực tự cường, xây dựng và phát triển lực lượng tại chỗ để đảm bảo đánh thắng quân địch. Trong tấn công đánh địch, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn năng động, sáng tạo trong việc vận dụng có hiệu quả biện pháp đấu tranh bằng bạo lực cách mạng kết hợp chặt chẽ với chính trị của quần chúng, triển khai thực hiện nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, đánh địch ở khắp mọi nơi và giành thắng lợi vẻ vang.

Bài học thứ ba: Làm tốt công tác vận động quần chúng. Biết tin vào dân, bám sát dân để xây dựng thế trận “lòng dân” vững chắc, thường xuyên củng cố khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương-giáo, để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh giành thắng lợi của cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa mùa xuân năm 1975.

Bài học thứ tư: Kiên cường bám trụ và giữ vững tư tưởng tiến công là bí quyết đặc biệt quan trọng để đứng vững và chiến thắng. Bám trụ để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng tại chỗ, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng; tiến công để mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp sự chiếm đóng của quân xâm lược, tạo điều kiện cho tổng tiến công giành thắng lợi hoàn toàn.

II. TRÀ VINH TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

1. Giai đoạn từ sau giải phóng miền Nam 30/4/1975 đến trước khi tái lập tỉnh tháng 5/1992

Sau khi đất nước thống nhất, do yêu cầu phát triển chung, năm 1976 Trung ương quyết định sáp nhập 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long đổi tên thành tỉnh Cửu Long. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Cửu Long vừa nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ chính quyền, đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, cùng cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, đồng thời chi viện nguồn nhân lực, vật lực làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Tập trung tổ chức lại và mở rộng sản xuất, chăn nuôi, xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, cải thiện đời sống Nhân dân.

Qua 15 năm xây dựng và phát triển, tình hình kinh tế có những bước phát triển tích cực, sản lượng lương thực từ 646.000 tấn năm 1976 lên 1.200.000 tấn năm 1990, tăng lên gấp hai lần; công nghiệp chế biến thủy sản, xay xát lương thực, đóng tàu có sự phát triển đáng kể, cơ cấu kinh tế, việc phân công lao động, khai thác đất đai, ngành nghề, sản phẩm làm ra từng bước phù hợp với nền kinh tế hàng hóa…Quá trình phát triển kinh tế trong thời kỳ này làm cho xã hội có nhiều chuyển biến: các hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, văn hóa - văn nghệ được đầu tư chiều sâu; công tác giáo dục - đào tạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân, công tác đền ơn đáp nghĩa có sự chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2. Giai đoạn từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay

Ngay sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, có 4.000ha diện tích đất bỏ hoang, 6.000ha đất sản xuất có khả năng mất trắng do điều kiện sản xuất không đảm bảo,… ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lương thực. Thu ngân sách đạt thấp, không đáp ứng nhu cầu chi. Văn hóa - xã hội tuy được quan tâm hơn trước nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, tình trạng mê tín dị đoan, cờ bạc còn phức tạp. Hạ tầng giao thông còn rất yếu kém, gần như nằm trong thế độc đạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

BVĐK tỉnh Trà Vinh cơ sở mới được thiết kế hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1, là điều kiện thuận lợi để phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh trong và ngoài tỉnh.

BVĐK tỉnh Trà Vinh cơ sở mới được thiết kế hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1, là điều kiện thuận lợi để phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh trong và ngoài tỉnh.

Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh, tập trung lãnh, chỉ đạo Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng và đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh:

2.1 Công tác xây dựng Đảng và h thng chính tr luôn được cng c phát huy hiu lực, hiu qu hot động

Lúc mới chia tách, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lâm thời gồm 22 đồng chí và Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 04 đồng chí. Tháng 8/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V được tổ chức, bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí và Ban Thường vụ 11 đồng chí. Toàn tỉnh có 345 tổ chức cơ sở đảng, có nhiều ấp, khóm không có chi bộ đảng; có 44,5% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch; số lượng đảng viên có 9.841 đảng viên, chiếm 1,08% dân số (trong đó đảng viên nữ 1.184; đảng viên là người Khmer 667; đảng viên là người Hoa 04).

Trong điều kiện mới chia tách, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nhân sự còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với truyền thống đoàn kết, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ, đó là vừa khắc phục những khó khăn về kinh tế - xã hội, vừa tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đạt được những kết quả quan trọng:

Về công tác chính trị, tư tưởng luôn được tăng cường, kịp thời triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân (hàng năm có trên 98% đảng viên, 80% đoàn viên, hội viên tham gia học tập). Tập trung đẩy mạnh triển khai các chỉ thị của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có trên 97% đảng viên và 80% hội viên được học tập. Qua triển khai, quán triệt đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng Đảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có sự chuyển biến về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc ở địa phương, đơn vị được tập trung giải quyết. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác; kịp thời biểu dương, lan tỏa những tấm gương tiêu biểu, đến nay có hàng trăm mô hình được biểu dương, khen thưởng

Quan tâm công tác tổ chức đảng và đảng viên, trải qua 6 nhiệm kỳ từ sau tái lập tỉnh, mỗi nhiệm kỳ là một bước phát triển lớn mạnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã bầu Ban Chấp hành gồm 49 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 15 đồng chí, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc, cán bộ trẻ tăng đáng kể, tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 14,28%, cán bộ trẻ 4,08%, cán bộ dân tộc 14,28%. Trong giai đoạn từ năm 1992 đến cuối năm 2024, tỉnh đã phát triển mới 38.570 đảng viên và 157 tổ chức cơ sở đảng, nâng toàn Đảng bộ tỉnh có 48.411 đảng viên, chiếm 4,71% dân số với 513 tổ chức cơ sở đảng; tỷ lệ đảng viên được phân công nhiệm vụ 97,38%.

Những ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer (tỷ lệ từ 5% trở lên) đều có đảng viên Khmer, 100% ấp, khóm đều có đảng viên nữ (số đảng viên nữ tăng trên 12 lần so với năm 1992); 100% ấp, khóm có đảng viên tại chỗ. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị luôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí sử dụng cán bộ luôn được quan tâm thực hiện: Năm 1992 chỉ có 1.823 cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là 20.414 người. Trong đó: Tiến sĩ 166 người, Thạc sĩ 2.026 người, Đại học 14.747 người, Cao đẳng 2.385 người, Trung cấp 1.017 người…..

2.2 Kinh tế tăng trưởng chuyển biến tích cực, quy mô nền kinh tế được mở rộng

Giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng ổn định: giai đoạn 1992 - 1995 tăng 8,45%; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 8,87%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11,64%; giai đoạn 2005 - 2010 tăng 11,64%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 11,53%; giai đoạn 2015 - 2020 tăng 11,95%, cuối năm 2024 GRDP đạt 10,04% (Xếp thứ 8 cả nước và đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long).

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh và các ngành tham quan mô hình điểm tại HTX nông nghiệp Phát Tài thực hiện Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ảnh: HỮU HUỆ

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 60,29% năm 1991 giảm còn 27,31% năm 2024; công nghiệp - xây dựng từ 7,24% năm 1991 tăng lên 72,69%%; bán lẻ hàng hóa tăng 13,86%, dịch vụ khác tăng 7,69% GRDP bình quân đầu người năm 1992 khoảng 0,73 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2024 đạt 94,368 triệu đồng/người, gấp 129,3 lần so năm 1992. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 96.622 tỷ đồng.

- Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc

Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng mạnh, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống Nhân dân không ngừng nâng cao. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản. Năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông - thủy sản ngày càng được nâng cao, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2024 đạt 32.580 tỷ đồng, tăng 44 lần so với năm 1992. Thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm của Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Trà Vinh. Chăn nuôi có sự chuyển đổi mạnh từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, tổng đàn heo tăng so với cùng kỳ; nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục được phát huy thế mạnh, thể hiện vai trò quan trọng và tác động tích cực đến tăng trưởng của khu vực nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi từ các hình thức nuôi khác sang nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh và đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao cho lãnh đạo huyện Tiểu Cần.

Năm 2010, tỉnh Trà Vinh tập trung huy động các nguồn lực xã hội và vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua gần 15 năm xây dựng, đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt nông thôn mới; 60% xã đạt nông thôn mới nâng cao; 10,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Tiểu Cần, Cầu Kè); 22,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh đã được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sản phẩm nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lương, đến cuối năm 2024, tỉnh có 350 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; duy trì, bảo tồn 13 làng nghề, với 4.400 hộ tham gia.

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng

Sản xuất công nghiệp phát triển vượt bậc. Năm 1992, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghệ lạc hậu, thị trường nhỏ hẹp…, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 1992 chỉ đạt 270 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2024 tổng giá trị sản xuất đạt trên 42.158 35.335 tỷ đồng (gấp 155 lần so với năm 1992). Đến năm 2024, toàn tỉnh có 5.813 doanh nghiệp, tổng vốn 76.249 tỷ đồng, 106.743 lao động (hiện có 3.067 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn 59.058 tỷ đồng, 68.310 lao động) trong đó có 40 doanh nghiệp FDI, 127 hợp tác xã nông nghiệp, 27 hợp tác xã phi nông nghiệp, 16 Quỹ tín dụng; tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.020 triệu USD.

- Thương mại - dịch vụ - du lịch có bước phát triển đáng kể

Thương mại - dịch vụ có những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời điểm tái lập tỉnh, hoạt động thương mại - dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, giao thương chủ yếu theo tập quán sinh hoạt và các chợ truyền thống; công tác quản lý kinh doanh còn lỏng lẻo; tình trạng nâng giá, ép giá phổ biến… Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch đã chặt chẽ, khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Hạ tầng thương mại - dịch vụ đã phát triển vượt bậc, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư khang trang, hiện đại, 115 chợ, 02 trung tâm thương mại, 07 siêu thị, 24 cửa hàng tiện lợi; 10 thương nhân phân phối xăng dầu, 01 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 04 kho xăng dầu đang hoạt động với tổng sức chứa 9.100m3; 325 cửa hàng xăng dầu với sức chứa 9.740m3. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt 62.798 tỷ đồng, gấp 88 lần so với năm 1992.

Bên cạnh đó, các dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... có bước phát triển theo hướng hiện đại. Có đầy đủ chi nhánh của các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, DONGABank, Kiên Long, MB Bank, HD Bank…, nhiều công ty bảo hiểm với nhiều hình thức bảo hiểm đa dạng, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp và khách hàng như: Bảo Việt Trà Vinh; Bảo Minh Trà Vinh; Bảo hiểm PJICO; Bảo hiểm Bưu điện; Bảo hiểm Quân đội, Dai-ichi Life, Prudential… với nhiều dịch vụ đa dạng, hiện đại.

Du lịch có bước phát triển đáng kể: Toàn tỉnh hiện có 06 điểm du lịch tiêu biểu cấp tỉnh gồm: Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ao Bà Om; Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu tưởng niệm Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch); Nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh; Khu Di tích lịch sử Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu; 07 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long gồm: Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Ao Bà Om; Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh; Khu tưởng niệm Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch); Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô; Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha. 03 điểm du lịch (Cồn Chim, Cồn Hô, Ao Bà Om) được bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tổng lượt khách là 3.881.033 lượt; Tổng doanh thu du lịch là: 2.552,078 tỷ đồng; công suất phòng bình quân đạt 75%.

Không gian xanh tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Không gian xanh tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

- Tín dụng phát triển, thu ngân sách tăng nhanh qua các năm

Hàng năm thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra, thu nội địa tăng bình quân 20%/năm, tỷ trọng thu nội địa so với GRDP tăng từ 2,1% lên 6,61%. Năm 1992, tổng thu nội địa đạt 32,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2024 tổng thu nội địa đạt 6.480 tỷ đồng, gấp gần 200 lần so với năm 1992. Các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tăng bình quân 12%/năm mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng thu ngân sách đạt 19.115 tỷ đồng; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, tổng chi ngân sách 16.032 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 5.085 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng phát triển mạnh, hầu hết các ngân hàng thương mại lớn đều đặt trụ sở tại tỉnh Trà Vinh. Đến năm 2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 52.250 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 50.255 tỷ đồng.

- Huy động, lồng ghép đa dạng các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Những năm đầu tái lập tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn rất yếu, thủy lợi, giao thông chưa đồng bộ, các trục lộ chính từ tỉnh đi các huyện thường bị gián đoạn, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Qua 33 năm xây dựng và phát triển, hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh và ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.

Hạ tầng lưới điện phát triển nhanh, góp phần bảo đảm cân đối điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống lưới điện phủ rộng khắp cả tỉnh với cấp điện áp từ 0,4kV - 500kV; 100% xã, phường, thị trấn được cấp điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng nhanh từ 7,14% vào năm 1992 lên 99,71% năm 2024.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước hợp vệ sinh ở thành phố, thị xã, trung tâm các huyện, xã và vùng nông thôn, đến nay tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh 99,4%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, trong đó sử dụng nước sạch 82,2%.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng được đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế nền kinh tế đạt nhiều hiệu quả tích cực: chuyển đổi và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; cơ cấu sản xuất tiếp tục chuyển đổi phù hợp với thế mạnh của tỉnh. Củng cố, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã được củng cố và phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

- Công tác đối ngoại, thông tin, tuyên truyền đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành trong và ngoài nước, tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về tiềm năng, thế mạnh, về con người, văn hóa các dân tộc ở Trà Vinh để Nhân dân trong và ngoài nước biết đến Trà Vinh. Qua đó huy động được nhiều dự án đầu tư ODA, FDI... từ các nước như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc..., các tổ chức IMF, các NGO và các nhà đầu tư từ các tỉnh, thành đến đăng ký kinh doanh và đầu tư trên địa bàn.

2.3 Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm, không ngừng phát triển:

Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, toàn tỉnh có 435 trường học và cơ sở giáo dục với 8.688 phòng học và chức năng, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 94,82%, bán kiên cố chiếm 5,18%; trong đó có 210 (tỉ lệ 52,37%) trường đạt chuẩn quốc gia. Trường Đại học Trà Vinh nằm trong Top 200 trường Đại học xanh, Top 100 trường Đại học có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội, chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đa ngành, đa cấp độ và đa loại hình với 52 ngành bậc Đại học; 22 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 10 mã ngành chuyên khoa cấp I, II; 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, theo định hướng các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế. Bốn năm liền Trường Đại học Trà Vinh lọt Top 200 Đại học xanh, phát triển bền vững và có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và cả nước.

2.4. Công tác chăm lo người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, đúng quy định

Trong chuyến thăm và làm việc tại Trà Vinh (ngày 05/7/2024) Chủ tịch nước Tô Lâm (bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường đến thăm nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Trường. Ảnh: BÁ THI

Trong chuyến thăm và làm việc tại Trà Vinh (ngày 05/7/2024) Chủ tịch nước Tô Lâm (bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường đến thăm nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Trường. Ảnh: BÁ THI

Trong năm 2024, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ xây dựng trên 3.840 căn nhà cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, đồng thời tiếp tục chủ trương hỗ trợ xây dựng 2.043 căn nhà cho hộ có nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ đủ 3 cứng. Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đời sống người dân có nhiều chuyển biến, đến nay toàn tỉnh còn 2.493 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,87% so với tổng số dân cư (giảm 923 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,32% so với năm 2023; vượt 0,02% chỉ tiêu nghị quyết); trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động: 1.955 hộ, chiếm tỷ lệ 78,42% so với tổng số hộ nghèo; hộ nghèo dân tộc khmer: 1.317 hộ, chiếm tỷ lệ 1,46% so với tổng số hộ Khmer (giảm 523 hộ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc khmer giảm 0,58%; vượt 0,08% chỉ tiêu nghị quyết). Hộ cận nghèo còn 5.305 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,84% so với tổng số hộ dân cư (giảm 1.461 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,51% so với năm 2023); trong đó, hộ cận nghèo không có khả năng lao động: 1.659 hộ, chiếm tỷ lệ 31,27% so với tổng số hộ cận nghèo. Giới thiệu việc làm cho 27.265 lao động, đưa 1.530 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 28,89%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67% (trong đó có bằng chứng chỉ 36,1%); năng suất lao động ước đạt 180,6 triệu đồng/lao động.

2.5. Thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo:

Nhà văn hóa cộng đồng tại Khu danh thắng ao Bà Om (Khóm 4, Phường 8, thành phố Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI

Nhà văn hóa cộng đồng tại Khu danh thắng ao Bà Om (Khóm 4, Phường 8, thành phố Trà Vinh). Ảnh: BÁ THI

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình, mục tiêu quốc gia: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vốn ưu đãi để phát triển sản xuất...Từ đó, kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào Khmer phát triển, đời sống được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sinh hoạt đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và đúng quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết Lương - Giáo được củng cố và phát huy tốt.

2.6 Quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo:

Trên 98% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng; trên 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Đấu tranh làm thất bại các hoạt động của các tổ chức phản động thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Lực lượng Biên phòng phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển. Giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc nảy sinh về trật tự xã hội, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, phát huy tốt tác dụng hòa giải ở cơ sở và hình thức đối thoại trực tiếp với người dân, nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài được xử lý, hạn chế đơn thư tồn đọng và phát sinh mới.

Báo Trà Vinh Online

(Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/su-kien-30-4-1975-co-y-nghia-quan-trong-doi-voi-lich-su-viet-nam-va-lich-su-tinh-tra-vinh-45426.html