Sự lựa chọn giữa mBridge và SWIFT của các nước đang phát triển

Trang Moderndiplomacy.eu trụ sở tại châu Âu vừa đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Tuhu Nugraha về 'Sự lựa chọn giữa mBridge và SWIFT của các nước đang phát triển'.

Logo Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Logo Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo bài viết, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng đã dẫn đến sự xuất hiện của các sáng kiến đổi mới như mBridge và dự án CBDC SWIFT. Cả hai sáng kiến này đều nhằm mục đích cách mạng hóa các giao dịch xuyên biên giới. Chúng đáp ứng những thách thức lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu, chẳng hạn như quy trình thanh toán quốc tế chậm, chi phí giao dịch cao và rủi ro bảo mật cao.

Bằng cách áp dụng công nghệ tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), cả hai sáng kiến đều cố gắng đẩy nhanh tốc độ thanh toán, giảm chi phí và tăng cường bảo mật, mang lại lợi ích đáng kể cho các nước đang phát triển. Theo báo cáo tháng 11/2023 từ Cơ quan theo dõi CBDC của Hội đồng Đại Tây Dương, 60% trong số 108 quốc gia đang khám phá CBDC là các quốc gia đang phát triển, có khả năng củng cố chủ quyền tiền tệ và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho những nhóm dân cư chưa được phục vụ trước đây.

Sáng kiến mBridge và CBDC SWIFT

mBridge, phối hợp chặt chẽ với nhiều ngân hàng trung ương khác nhau, cung cấp một nền tảng chuyên dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới sử dụng CBDC, hứa hẹn tăng hiệu quả và giảm chi phí. Điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các nước đang phát triển đang tìm kiếm giải pháp thanh toán quốc tế hiệu quả hơn.

Ngược lại, dự án CBDC SWIFT tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có và danh tiếng đã được chứng minh trong việc cung cấp dịch vụ tài chính điện toán an toàn. Việc tập trung vào khả năng tương tác giữa mạng CBDC và hệ thống thanh toán truyền thống mang đến sự chuyển đổi liền mạch sang kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số mới.

Với cơ sở hạ tầng đã được các tổ chức tài chính toàn cầu công nhận và tin cậy, SWIFT hứa hẹn hội nhập dễ dàng hơn vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Cả hai sáng kiến, mỗi sáng kiến đều có thế mạnh riêng, mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển tích cực tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.

Cả dự án mBridge và sáng kiến SWIFT trong phát triển CBDC đều đưa ra những cách tiếp cận sáng tạo cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới, bao gồm khía cạnh quan trọng như cách chuyển tiền của người lao động nước ngoài từ các nước đang phát triển.

Với lượng kiều hối toàn cầu chảy đến các nước đang phát triển đạt mức ấn tượng 589 tỷ USD vào năm 2022, theo Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 4/2022, tầm quan trọng của các giải pháp hiệu quả cho các dòng vốn đó là không thể phủ nhận.

mBridge hứa hẹn dễ dàng thực hiện các giao dịch xuyên biên giới với CBDC, ưu tiên đơn giản hóa các quy trình thanh toán quốc tế để có thể cung cấp các phương thức chuyển tiền nhanh hơn và tiết kiệm hơn cho người lao động nước ngoài. Điều này có liên quan vì Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines và Việt Nam là những nước nhận nhiều nhất, trong khi Mỹ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Đức và Kuwait là những nước gửi chính.

Mặt khác, SWIFT, với cơ sở hạ tầng toàn cầu được thiết lập, nhằm mục đích đạt được khả năng tương tác giữa mạng CBDC và hệ thống thanh toán truyền thống, hứa hẹn sự tích hợp liền mạch giữa lĩnh vực tài chính kỹ thuật số và thông thường.

Tuy nhiên, những thách thức như sự phức tạp và nhu cầu về cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn có thể cản trở việc thực hiện sáng kiến này ở một số nước đang phát triển. Bảo mật và tuân thủ quy định chống rửa tiền cũng vẫn là ưu tiên hàng đầu, do tầm quan trọng của việc giữ giao dịch an toàn và phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế.

Do đó, mBridge, với việc tập trung vào tính hiệu quả và khả năng tiếp cận, có thể hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài từ các nước đang phát triển đang cần giải pháp chuyển tiền hiệu quả. Nhưng sự thành công của việc áp dụng rộng rãi phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn tuân thủ và bảo mật nghiêm ngặt của cả hai dự án. SWIFT, với mạng lưới và kinh nghiệm toàn cầu, cũng có tiềm năng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái chuyển tiền, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện tích hợp giữa các cải tiến tài chính mới và hệ thống thanh toán truyền thống.

Các yếu tố địa chính trị và sự hiện diện của BRICS

Địa chính trị đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh áp dụng CBDC, đặc biệt đối với các nước đang phát triển đang nỗ lực giành được sự độc lập khỏi hệ thống tài chính thống trị của phương Tây.

Các sáng kiến như mBridge, nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ một số quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), đưa ra một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho mục tiêu nói trên. Có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và được khởi xướng bởi Ngân hàng Trung ương UAE (CBUAE) cùng Viện Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC DCI) - cả hai tổ chức đều liên kết chặt chẽ với các thành viên BRICS - mBridge tự coi mình là chất xúc tác cho nhiều hơn nữa hợp tác sâu rộng Nam-Nam toàn cầu thông qua áp dụng CBDC.

Triển vọng kinh tế thế giới của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành tháng 4/2023 ước tính rằng đóng góp kinh tế tổng hợp của các nước BRICS đạt 23% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm đó. Với việc mở rộng phạm vi nhóm vào đầu năm 2024 để bao gồm Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, UAE và Ethiopia, BRICS đã tăng ảnh hưởng trở thành một nền tảng chính để phát triển nền kinh tế thị trường.

Sự tham gia trực tiếp của các quốc gia thành viên BRICS vào các sáng kiến như mBridge không chỉ khẳng định lập trường trong việc thúc đẩy giải pháp tài chính kỹ thuật số đổi mới mà còn tăng cường khả năng tự chủ hơn của các nước đang phát triển trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Sự hỗ trợ từ các thành viên BRICS, đặc biệt là Trung Quốc và UAE, những nước tiên phong trong việc phát triển mBridge, tạo động lực để sáng kiến này được chấp nhận rộng rãi hơn ở các nước đang phát triển. Điều này không chỉ mang đến con đường hướng tới các giao dịch xuyên quốc gia hiệu quả thông qua CBDC mà còn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế và tài chính chặt chẽ hơn giữa các quốc gia phía Nam toàn cầu.

Do đó, mBridge có thể trở thành trụ cột chính trong việc khuyến khích áp dụng CBDC như một công cụ để tăng cường chủ quyền kinh tế và tiền tệ ở các nước đang phát triển, phù hợp nguyện vọng và lợi ích địa chính trị của các thành viên BRICS.

Hướng tới một quyết định…

Từ phân tích trên, mBridge thực sự nổi bật như một lựa chọn hấp dẫn đối với các nước đang phát triển, đặc biệt nhờ khả năng hỗ trợ chủ quyền kinh tế, tạo điều kiện hội nhập với cơ sở hạ tầng tài chính hiện có và thu hút sự hỗ trợ địa chính trị từ các nước BRICS. Tuy nhiên, điều này không làm giảm giá trị và tầm quan trọng dự án SWIFT, với trọng tâm là khả năng tương tác và thành tích lâu dài trong hệ thống thanh toán toàn cầu, mang lại nền tảng vững chắc cho quốc gia chuẩn bị chuyển đổi sang các công nghệ tiên tiến và phức tạp hơn.

Với sự đa dạng nhu cầu và nguyện vọng của mỗi quốc gia, quốc gia đang phát triển có thể áp dụng cả hai hệ thống để đáp ứng các mục tiêu khác nhau. Dự án SWIFT có thể tiếp tục được sử dụng cho giao dịch doanh nghiệp và giữa các tổ chức tài chính truyền thống, nhờ hệ thống được thiết lập và sự tin cậy của nhiều tổ chức toàn cầu. Độ tin cậy và bảo mật do SWIFT cung cấp khiến trở thành lựa chọn ổn định cho các giao dịch tài chính quy mô lớn đòi hỏi tính toàn vẹn cao.

Mặt khác, mBridge, sự đổi mới và tính linh hoạt, có thể đặc biệt phù hợp thúc đẩy những đổi mới tài chính mới, hỗ trợ phát triển hệ thống chuyển tiền ngang hàng (P2P) và các công ty tài chính công nghệ (fintech). Khả năng của mBridge trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch CBDC hiệu quả và tiết kiệm khiến nó trở thành một công cụ mang tính cách mạng tiềm năng mở rộng tài chính toàn diện và hỗ trợ các giao dịch xuyên biên giới nhỏ hơn, thường xuyên hơn, chẳng hạn như tiền gửi của người lao động nhập cư về quê hương.

Do đó, các nước đang phát triển có thể hưởng lợi từ cách tiếp cận tích hợp, trong đó SWIFT và mBridge hoạt động bổ sung cho nhau, mỗi loại phục vụ phân khúc thị trường khác nhau. Điều này cho phép tận dụng các điểm mạnh và lợi thế cụ thể của cả hai hệ thống: SWIFT để duy trì sự ổn định và tin cậy trong các giao dịch tài chính quy mô lớn và mBridge để tăng tốc đổi mới và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính thông qua công nghệ CBDC.

Trong bối cảnh này, quyết định áp dụng một hoặc cả hai hệ thống của các nước đang phát triển sẽ không chỉ xác định hướng đi tương lai của lĩnh vực tài chính kỹ thuật số mà còn cả cách điều hướng những thay đổi trong động lực kinh tế toàn cầu. Điều này nhằm đảm bảo rằng có thể tận dụng các cơ hội mới trong khi vẫn duy trì sự ổn định và an ninh của hệ thống tài chính vốn có.

Tiến Hiến (TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-lua-chon-giua-mbridge-va-swift-cua-cac-nuoc-dang-phat-trien/328557.html