'Sứ mệnh cao cả' - Sách hay về người chiến sĩ Công an

Tôi đã đọc một mạch 'Sứ mệnh cao cả' (tên ban đầu là 'Hồi ức mười năm') của tác giả Viễn Chi (1919-1999). Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989. Khi làm Trưởng đoàn tại Campuchia, ông đã báo cáo với tổ chức và được đồng ý lấy tên là Chính Nghĩa.

Cái tên đúng như phẩm chất cách mạng, trí tuệ, đạo đức, đạo nghĩa, chính nghĩa của người chiến sĩ CAND suốt một đời tận tụy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đoàn kết giúp đỡ, vun đắp mối tình hữu nghị quốc tế cao cả mà cụ thể ở đây là đất nước Campuchia anh em ngay sau họa diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt – Iengxari, đúng theo tinh thần của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và Hiệp ước hòa bình hữu nghị ngày 16/2/1979.

Các đại biểu tại lễ trao tặng sách “Sứ mệnh cao cả”.

Các đại biểu tại lễ trao tặng sách “Sứ mệnh cao cả”.

Trong bối cảnh lịch sử thời điểm đó, việc Việt Nam giúp đỡ chính quyền cách mạng và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và trở lại cuộc sống bình thường là hết sức khó khăn, phức tạp. Bây giờ nhìn lại, khi đã có sự đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học, nhân đạo, nhân văn, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lớn lao và tầm vóc lịch sử của nó. Đây chính là vẻ đẹp chính nghĩa của dân tộc Việt Nam anh hùng luôn có tinh thần tôn trọng hòa bình quốc tế, hòa hiếu với lân bang cũng là vẻ đẹp văn hóa lịch sử của tổ tiên nghìn năm truyền lại.

Trong “Sứ mệnh cao cả” , xuyên suốt từ dòng chữ đầu tiên tới dòng chữ cuối cùng đều là sự trung thực và xúc động đến tận cùng của người trong cuộc. Từng dòng chữ hiện lên, những câu chuyện đan cài miên man không dứt, đều thấy ở đó một tấm lòng yêu thương Tổ quốc Việt Nam, đất nước Campuchia như máu thịt của mình. Đã có những đồng đội của ông trong đoàn công tác phải hy sinh. Máu đào của người chiến sĩ Việt Nam đã đổ xuống để sắc tươi xanh của đất nước Campuchia hồi sinh tươi tốt. Sau mỗi sự hy sinh, người chiến sĩ ta, trong đó có người chiến sĩ CAND đang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia lại càng trưởng thành hơn, vững chắc hơn, trở thành tường đồng vách sắt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

“Sứ mệnh cao cả” đã toát lên một cách khá toàn diện tinh thần đấu tranh cách mạng hết sức kiên quyết và kiên định mà ở đây là dùng toàn bộ trí tuệ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, sự hy sinh đời sống cá nhân vì công cuộc cách mạng lớn, vì cuộc sống bình yên và sự phát triển bền vững của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Người chiến sĩ CAND mà ở đây là Đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam đã phát huy cao độ phẩm chất và bản lĩnh của mình thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy người chiến sĩ CAND: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Chính từ việc luôn tâm niệm thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy mà người chiến sĩ CAND giúp nước bạn Campuchia giai đoạn 1979-1989 vượt qua khó khăn thử thách, bình tĩnh, sáng suốt, linh hoạt, chủ động thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Nhiều nhiệm vụ, chuyên án do Đoàn trực tiếp chỉ đạo thực hiện và phối hợp chỉ đạo thực hiện đã trở thành những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND.

Điều đó đã được thể hiện trong “Sứ mệnh cao cả” ở các chương: Chính phủ phản động Hemkitsna do CIA dựng lên bị bắt ở Phnompenh; Phiên tòa xử án Pôn Pốt - Iengxari phạm tội diệt chủng; Ngăn chặn một tên đồ tể của bọn diệt chủng Pôn Pốt chui vào nội bộ Công an Campuchia; Lập mưu bắt Hembo, Enchim, Honghon; Đầu hàng giả để phá hoại thật; Chiếc thuyền trên hồ Bangdontung...

Trên thực tế, cuốn hồi ký đã thể hiện theo phương pháp sử biên niên, lần lượt trình bày từng sự việc, sự kiện dưới con mắt khách quan, khoa học nhưng rất sống động, bởi chính ông là người trong cuộc, trực tiếp lắng nghe báo cáo, phân tích tổng hợp, bàn bạc và đưa ra các quyết định, quyết sách trên tinh thần phục vụ lợi ích cách mạng của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

“Sứ mệnh cao cả” còn cho thấy sự sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội, Công an Việt Nam khi đất nước vừa mới hoàn toàn giải phóng, trong lúc phải đương đầu với các cuộc chiến hai đầu biên giới, trong sự cấm vận ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây, công việc trong nước vô cùng bộn bề, khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã sớm ý thức giúp bạn là tự giúp mình, cứu bạn là tự cứu mình, với tinh thần quốc tế sáng trong, cao cả, với trách nhiệm của một dân tộc từng được bạn bè tiến bộ trên khắp toàn cầu đùm đậu, giúp đỡ, đồng hành trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; người Việt Nam ta rất hiểu đạo lý làm người, nhất là trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước Campuchia sau họa diệt chủng Pôn Pốt - Iengxari.

Ngay như cái tên Chính Nghĩa - cái tên do chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ Viễn Chi đặt cho mình cũng đã nói lên rất nhiều điều. Đó phải là sự chính trực, nghiêm minh, nghĩa khí, đường đường chính chính khi người chiến sĩ CAND thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, đặc biệt trên nước bạn Campuchia. Điều đó đã được thể hiện trong các chương: Gia đình Keovana; Sức mạnh của chính nghĩa; Chuyến đi tỉnh Kampong Thom; Chiến công của Skun - chú bé mười lăm tuổi (1987)... đã cho thấy sức mạnh của chính nghĩa tất thắng không phải ở đâu cao vời vợi mà chính là trong mỗi suy nghĩ, hành động của người chiến sĩ CAND trong từng nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình.

Bìa cuốn sách “Sứ mệnh cao cả” vừa được xuất bản.

Bìa cuốn sách “Sứ mệnh cao cả” vừa được xuất bản.

Trong “Sứ mệnh cao cả” , nhiều chương đều có đan xen những bài thơ về quê hương đất nước, mỗi vùng đất Việt Nam - Campuchia, mỗi con người dù ở vị trí cao hoặc chỉ là những người bình dị nhất đều đã hiện lên trong thơ của Viễn Chi một cách bình dị, tươi tắn và vô cùng chân thật. Nhận nhiệm vụ lên đường sang Campuchia dịp giáp Tết năm 1979, khi đi qua đất Hội An, những vần thơ cứ thế vang lên:

Ta lại về đây, đất Hội An
Thị xã nhỏ bên dòng sông êm ả
Cầu Nhật Bản với những hàng cột đá
Còn ghi gì? Những năm tháng trôi qua?

Tác giả Viễn Chi khi chứng kiến nhân dân Campuchia đã dần dần trở về thành phố Phnôm Pênh, khi thấy dọc đường Norodom đã có vài cây bằng lăng nở hoa tím ngát, trên bầu trời sau tháng ngày diệt chủng kinh hoàng đã lác đác những cánh bồ câu bay lượn, ông một mình lẩm nhẩm câu thơ:

Đêm dài đã hết năm canh
Giọt sương sớm đã long lanh đất trời

Suy nghĩ về đất nước, con người Campuchia, tác giả Viễn Chi đã có bài thơ dài "Ăngco vùng dậy" với những lời thơ bay bổng:

Cây thốt nốt lại đâm bông, ngọt mật
Tán còn xanh, đang hứa hẹn mùa về
Còn khó khăn nhiều trên mỗi bước chân đi
Nhưng ánh sáng đã bừng lên cả nước
Có cờ đỏ năm tháp vàng phía trước
Soi sáng đường cho dân tộc đi lên!

Những bài thơ đan xen trong "Hồi ức mười năm" đã góp phần làm mềm mại thanh thoát hơn tập sách. Điều đó càng thể hiện bản lĩnh người chiến sĩ CAND Việt Nam luôn thấm đẫm nền văn hóa tổ tiên mình, càng biết cảm thông, chia sẻ với nền văn hóa giàu bản sắc Campuchia đang hồi sinh mạnh mẽ.

"Hồi ức mười năm" giống như một biên niên lịch sử về quãng thời gian mười năm (1979-1989) không riêng của vị Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh Bộ Nội vụ Việt Nam giúp Campuchia, mà còn là tâm tư, tình cảm, vẻ đẹp, những chiến công, hy sinh thầm lặng, máu và nước mắt người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ CAND khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau nạn diệt chủng Pôn Pốt - Iengxari. Cuốn sách đã mang tới cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều thông điệp thú vị và bổ ích, nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, nhất là đối với thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND đang ngày đêm gánh vác trọng trách bảo vệ sự bình yên cuộc sống của nhân dân, của Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.

Phùng Văn Khai

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/su-menh-cao-ca-sach-hay-ve-nguoi-chien-si-cong-an-i737680/