Sự tưởng niệm thiêng liêng mà sâu lắng

Phù sa sông Hiếu tự ngàn xưa đã bồi tụ đôi bờ, làm nên những xóm làng sum suê cây trái, phong nẫm mùa màng. Một sáng mai nào đó, trong hanh hao nắng gió đầu thu như thế này, từ bến Đuồi, nơi ngày xưa cho đến bây giờ, những con thuyền hẹn ngày phiên chợ vẫn tìm lên, phóng tầm mắt qua bên kia bờ Bắc dòng Hiếu Giang sẽ thấy một sắc xanh tre trúc, bãi biền từ Tam Hiệp gối dần về Lâm Lang, Cam Vũ, Nhật Lệ, Thọ Xuân, Thiện Chánh; ngước lên phía Tây sẽ thấy Bắc Bình, Ba Thung, Quật Xá nhòa với màu mây núi đồi trùng điệp, rồi men theo đường số 9 là những tên làng thân thuộc dấu yêu của Cam Lộ.

 Nhà bia tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận tiến công Chi khu Cam Lộ ngày 2/2/1968 -Ảnh: Đ.T.T

Nhà bia tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận tiến công Chi khu Cam Lộ ngày 2/2/1968 -Ảnh: Đ.T.T

Không chỉ trong những năm tháng gây dựng lại cơ đồ này, huyện Cam Lộ nổi lên như một gương mặt mới, biết cách làm ăn, làm giàu, tươm tất và vén khéo, mà đất này còn là miền quê nổi tiếng quật cường một thời đánh giặc. Cũng chính vì vậy, không nơi đâu trên đất Cam Lộ lại không chất chồng những hy sinh, mất mát trong suốt cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Khi đợt 1 cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta thu được thắng lợi vẻ vang, ngày 2/4/1972 huyện Cam Lộ được giải phóng, thì vài tháng sau đó, Mỹ - ngụy lại mở cuộc phản kích, sử dụng hỏa lực trực tiếp của không quân và hải quân, hỗ trợ bộ binh nống ra vùng giải phóng, đánh phá ác liệt hậu phương của ta.

Bây giờ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ cạnh bên Quốc lộ 9, có dựng một bia mộ liệt sĩ hầm lán, nấm mồ chung cho cả 25 liệt sĩ. Tấm bia ghi lại rằng, ngày 23/11/1972, UBND cách mạng xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ tổ chức họp tại hầm lán (khu phố An Hưng, thị trấn Cam Lộ hiện nay) để bàn công tác cứu tế cho Nhân dân thì bị bom Mỹ sát hại, toàn bộ 25 cán bộ dự họp đã anh dũng hy sinh. Người có chức vụ cao nhất hy sinh ở đây là Trưởng Ty Cứu tế xã hội tỉnh Quảng Trị Dương Văn Trưng; Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Cam Mỹ Lưu Minh Hiền; Chủ tịch UBND cách mạng xã Cam Mỹ Trần Xuân Trường… cùng cán bộ của 12 thôn thuộc huyện Cam Lộ.

Đây là một tổn thất vô cùng to lớn trong những ngày đầu quê hương Cam Lộ giải phóng. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện Cam Lộ 2/4 (1972-2012), huyện đã triển khai cuộc vận động đóng góp kinh phí tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ huyện và đã thu được trên 1 tỉ đồng, đầu tư xây dựng nhà bia liệt sĩ hầm lán, tháp chuông, đúc đại hồng chung cung tiến và đặt tại nghĩa trang. Đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ bây giờ như đi giữa một khu tưởng niệm tĩnh lặng, tươm tất, thành kính và gần gũi, từ giữa hàng hàng mộ chí, tượng đài vút lên cao xanh như nối liền mạch giữa khát vọng siêu thoát với đất và trời quê hương.

Ngay bên Quốc lộ 9, vào một ngày cách nhiều năm về trước, trong lúc làm vườn, người dân đã tình cờ phát hiện và sau đó lực lượng quân đội đã tìm kiếm được 74 hài cốt liệt sĩ trong một mộ chôn tập thể. Theo tài liệu của Hội Cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cung cấp và tài liệu của ta thu thập được từ nhiều năm nay, đã đối chiếu và xác định được 97 bộ hồ sơ nhân thân trong tổng số 158 chiến sĩ bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 hy sinh trên mặt trận đường 9 vào ngày 27/1/1968 khi đang tiến đánh các cứ điểm của Mỹ - ngụy tại đây. Lễ truy điệu, an táng hài cốt các anh hùng liệt sĩ tìm thấy đã được tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

 Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.T.T

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.T.T

Ngay tại trung tâm thị trấn Cam Lộ bây giờ, người dân vẫn luôn nhắc nhớ huyền thoại về 108 liệt sĩ đặc công. Chuyện rằng, đêm 1 rạng ngày 2/2/1968, Tiểu đoàn 1 đặc công thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 3 được lệnh tấn công Chi khu Cam Lộ. Nhưng khi các mũi tiếp cận mục tiêu, chưa kịp phá hết hệ thống hàng rào bùng nhùng và mìn dày đặc thì bị lộ. Sau lệnh cảm tử của chỉ huy tiểu đoàn, các chiến sĩ đặc công đã nhanh chóng lấy thân mình vắt qua hàng rào kẽm gai bùng nhùng dày đặc mìn để làm lối vượt cho đồng đội tiến lên.

Một thế trận bất lợi, ta không còn giữ được yếu tố bất ngờ. Đối phương đã dùng hỏa lực mạnh từ nhiều phía, kể cả pháo từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và các căn cứ khác dội xuống. Pháo sáng treo đầy trời, chiến sĩ ta nằm phơi lưng dưới tầm đạn pháo, thương vong nặng nề. Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết. Sáng hôm sau, địch gom thi thể các anh lại một nơi, rải xăng bột, phóng hỏa, rồi dùng xe ủi lèn đất phẳng lỳ... Cuộc tấn công Chi khu Cam Lộ không thành. Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đã để lại trong lòng người dân Quảng Trị niềm tiếc thương vô hạn. Chi khu Cam Lộ trở thành nấm mồ chung cho 108 liệt sĩ trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại, Nhân dân đã phát hiện ra một số hài cốt liệt sĩ và xác định được vị trí khu hầm mộ. Năm 1993, UBND huyện đã cho xây dựng một nhà bia tưởng niệm liệt sĩ nằm trong khuôn viên đất thổ cư của người dân, thuộc địa phận Khóm 2, thị trấn Cam Lộ, khắc tên 108 liệt sĩ. Theo tài liệu của Sư đoàn 320, trong số 108 liệt sĩ hy sinh trận này có 30 liệt sĩ quê tỉnh Hải Dương, 26 liệt sĩ quê Hưng Yên, 18 liệt sĩ quê Thanh Hóa, 12 liệt sĩ quê Thái Bình, 10 liệt sĩ quê Hà Bắc (cũ), 5 liệt sĩ quê Nam Định, 5 liệt sĩ quê Hải Phòng, một liệt sĩ quê Hà Tây (cũ) và một liệt sĩ quê ở Hà Nội. Liệt sĩ trẻ nhất là anh Nguyễn Văn Phương quê ở thôn Nhân Lý, xã Đông Kinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh năm 1951, nhập ngũ tháng 9/1967, hy sinh khi mới 17 tuổi.

Nơi vùng đồi phía Tây Bắc Cam Lộ, sau khi nắm bắt thông tin, tìm kiếm và an táng 13 hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ đã phát nguyện xây dựng Khu lăng bia Hồ Khê tại đồi Hồ Khê nhằm tri ân các liệt sĩ. Lăng bia nằm trên khu đất rộng 1 ha. Nhà bia trung tâm đặt ở giữa ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, đơn vị, chức danh, năm sinh, ngày hy sinh của 13 liệt sĩ. Công trình tri ân tưởng niệm này được gia đình ông Kỳ đóng góp bằng khoản tiền tiết kiệm. Từ đó Khu lăng bia Hồ Khê đã trở thành điểm đến dâng hương của các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và người dân trong vùng. Từ việc làm này của gia đình ông Kỳ, huyện Cam Lộ và các cựu chiến binh Trung đoàn 27 đã hỗ trợ thêm kinh phí để tôn tạo Khu lăng bia Hồ Khê trang nghiêm, bề thế hơn.

 Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại hầm lán trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.T.T

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại hầm lán trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ -Ảnh: Đ.T.T

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào đêm 15/10/1964, Phân đội Công an nhân dân vũ trang 23 nhận nhiệm vụ đột nhập phá ấp chiến lược ở 2 thôn Thọ Xuân và Cam Vũ, sau đó di chuyển đến thôn Thiện Chánh, xã Cam Thủy và tổ chức trận địa sẵn sàng đánh trả quân địch. Trong trận chiến đấu này Phân đội Công an nhân dân vũ trang 23 và tiểu đội do Thiếu úy Lê Văn Quang chỉ huy đã tiêu diệt được 84 tên địch và nhiều xe cơ giới song 16 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đội đã anh dũng hy sinh đến người cuối cùng.

16 chiến sĩ đã được truy tặng liệt sĩ và Tiểu đội trưởng Lê Văn Quang, liệt sĩ Trần Công Tiện được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 3/8/1995. Nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, xây dựng nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức xây dựng trùng tu, nâng cấp và khánh thành Bia chứng tích liệt sĩ tại Thiện Chánh trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Đến với Cam Lộ bây giờ, đi qua bất kỳ làng quê nào, du khách cũng sẽ được nghe và thấy những câu chuyện cảm động, những truyền kỳ về đất này một thời đánh giặc, giữ nước, giữ làng. Và trong cuộc sống đang hồi sinh sôi động hôm nay, người và đất Cam Lộ vẫn luôn giữ cho mình sự thành tâm nhớ ơn và tưởng niệm đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự tưởng niệm thiêng liêng mà sâu lắng như nghĩa tình đằm sâu, đong đầy, mang cốt cách của người Cam Lộ.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=169146&title=su-tuong-niem-thieng-lieng-ma-sau-lang