Sử Việt - Góc nhìn từ bên ngoài
Trước sự đón nhận từ bạn đọc, ngoài các ấn phẩm lịch sử trong nước, nhiều đơn vị đã tìm kiếm và xuất bản những ấn phẩm từ các học giả nước ngoài, qua đó không chỉ cung cấp nhiều tư liệu mà còn giúp bạn đọc có cái nhìn rộng mở, nhiều chiều về sử Việt.
Nguồn tư liệu đa chiều
Với việc xuất bản Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954, Công ty Sách Omega Plus cũng vừa khép lại hai giai đoạn của tủ sách Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ. Khởi động từ năm 2019, đến nay, tủ sách này đã giới thiệu đến bạn đọc 26 đầu sách. Nếu như ở giai đoạn đầu (có tên gọi là Góc nhìn sử Việt) là những tác phẩm ghi chép và tài liệu du ký tản mạn của người nước ngoài tại Việt Nam, thì qua giai đoạn 2 tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới nhiều hơn do các học giả đương đại viết.
Từ tủ sách Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ, nhiều đầu sách được xuất bản, được giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông đón nhận như: Nghi thức tang lễ của người An Nam: Nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo, Nam kỳ và cư dân Nam kỳ, Chúng tôi ăn rừng, Việt Nam: Đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc (1858-1914)…
Mong muốn giới thiệu đến độc giả góc nhìn mới về Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, MaiHa Books ra mắt bộ sách Ký ức Đông Dương gồm 6 cuốn: Lịch sử Nam Kỳ thuộc Pháp (Từ sơ khởi đến năm 1883), Ở Bắc kỳ (1883-1885), Các ty độc quyền thuốc phiện và muối ở Đông Dương, Đồn điền của người Pháp ở Bắc kỳ từ 1884-1918, Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam, Ở Đông Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, cho rằng: “Qua những cuốn sử mà tôi tiếp cận, hay những cuốn sách về các dân tộc, chẳng hạn như sách của người Pháp viết về Tây Nguyên, vượt lên trên quan điểm thực dân thì đây là những công trình của các nhà khoa học thực sự. Họ có phương pháp, góc nhìn rất khoa học. Cách họ thực hiện khảo cổ, hay về nhân học được điền dã rất cẩn thận”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đánh giá. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, thế mạnh của họ là có nguồn tư liệu ở nước ngoài, của Pháp hay những nước liên quan. Trong khi đó, do bị ảnh hưởng bởi thời kỳ chiến tranh, trình độ ngoại ngữ hay nhiều rào cản khác, khiến chúng ta chậm được tiếp cận những nguồn tư liệu này. Do đó, những ấn phẩm trên giúp người đọc và giới chuyên môn có thêm nguồn tư liệu phục vụ cho hiểu biết, công việc của mình.
Kinh nghiệm nghiên cứu và viết sử
Trước đó, Công ty Sách Đông A ra mắt tủ sách Đông Dương, đồng thời, giới thiệu cuốn sách đầu tiên là Một chiến dịch ở Bắc kỳ. Đây là cuốn sách dạng ký sự - du ký, tái hiện con người, cảnh vật cùng những nét phong tục, tập quán, lối sống, nghề nghiệp và nếp sinh hoạt của xã hội Bắc kỳ và Trung kỳ cuối thế kỷ XIX, qua những ghi chép lý thú và hàng trăm minh họa độc đáo của tác giả Charles-Édouard Hocquard.
"Thông thường, những cuốn sách này khi đưa ra công chúng, chắc chắn đã có hội đồng thẩm định của đơn vị xuất bản, cao hơn là cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy vậy, theo tôi, tốt nhất vẫn nên có lời giới thiệu hoặc lời bạt của những nhà chuyên môn", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu
Tiếp đến, đơn vị này ra mắt ấn phẩm Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ. Đây được xem là bảo tàng hình ảnh thu nhỏ về Việt Nam hơn 100 năm trước thông qua 261 bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils. Cùng với Omega Plus, MaiHa Books và Đông A, một số đơn vị khác như Nhã Nam, Tao Đàn, NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TPHCM, Thái Hà Books… cũng lần lượt mang đến nhiều ấn phẩm về sử Việt của các tác giả và học giả nước ngoài. Theo một số người trong giới, xu hướng này sẽ còn được các đơn vị xuất bản tiếp tục duy trì, bởi nhu cầu tìm hiểu và được biết lịch sử dân tộc gần đây có sự quan tâm nhiều hơn.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm chính là chất lượng, độ tin cậy từ nội dung đến những thông tin liên quan đến lịch sử. Đại diện của Omega Plus cho biết, đơn vị này đã thành lập hội đồng cố vấn cho tủ sách Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ. Các thành viên hội đồng là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ, gắn bó với tiếng Pháp, văn hóa Pháp và dành sự quan tâm đặc biệt đến lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//su-viet-goc-nhin-tu-ben-ngoai-854827.html