Sửa đổi 25 điều liên quan tới chính quyền địa phương 2 cấp trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, đã sửa đổi 25 điều có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại phiên làm việc sáng 12/5, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình dự thảo Luật - Ảnh: Media.quochoi.vn
Chỉ sửa đổi những nội dung liên quan sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, mục đích sửa đổi Luật nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật. Hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
Quan điểm sửa đổi Luật là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã có chỉ đạo rõ của cấp có thẩm quyền; những vấn đề cấp thiết xuất hiện trong thực tế để cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương Đảng và kịp thời khắc phục một số bất cập đã được tổng kết trong triển khai Luật Bầu cử thời gian qua.
Thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật trước ngày 30/6/2025 theo đúng Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bầu cử

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 12/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Các nội dung được sửa đổi trong dự thảo Luật gồm: sửa đổi 25 điều có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cụ thể: dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HĐND cấp huyện (HĐND, đại biểu HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử cấp huyện…).
Cùng với đó, dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu (khoản 4 điều 11); việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã (khoản 2 điều 22); bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các điều 39, 44, 49); bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức HĐND phường (Điều 96).
Dự thảo Luật cũng sửa đổi 20 điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử, trong đó: đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử quy định rút ngắn từ 70 ngày theo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật hiện hành xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn bảo đảm tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành.

Quang cảnh phiên họp sáng 12/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại. Với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 điều liên quan đến các vướng mắc trong công tác bầu cử cần sửa ngay và bổ sung 1 khoản vào điều hướng dẫn thi hành...

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình - Ảnh: Media.quochoi.vn
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, Ủy ban tán thành với việc xây dựng và ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Về sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giảm thời gian ở một số bước để bảo đảm tính khả thi, như: thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai còn 2 ngày; thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến lần thứ ba còn 17 ngày; thời gian tiếp nhận khiếu nại còn 3 ngày; thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại còn 7 ngày...
Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong Luật về mốc thời gian của quy trình bầu cử và giao Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn chi tiết.