Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mới hiện nay
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; (iii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự phiên họp tại Tổ 10 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Phú Yên và Đắk Nông.
Nghiên cứu bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào dự thảo Luật
Cho ý kiến về việc bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, ma túy là hiểm họa của loài người và hiện nay có tới khoảng 300 loại ma túy với rất nhiều dạng và hình thức khác nhau. Nếu chúng ta không phòng, chống để hạn chế tối đa thì ma túy không những phá hủy thần kinh và sức khỏe của người nghiện mà còn ảnh hưởng đến nòi giống sau này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Tổ 10/ Ảnh: Hồ Long, Báo ĐBND
Khẳng định Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống tác hại của ma túy, đồng thời cũng có những chính sách rất nhân văn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với 3 mục tiêu: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. “Như vậy, phải có biện pháp đối với đối tượng sử dụng chất ma túy. Nên bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào dự thảo Luật nhưng cần điều chỉnh cách viết sao cho phù hợp, gắn với những hành vi có tính chất nặng hơn; hướng đến các đối tượng có xu hướng cố tình lôi kéo, dụ dỗ người khác sử dụng. Hơn nữa, quy định trong Luật cũng sẽ có tính răn đe, phòng ngừa”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Về việc dự thảo Luật bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình với tội danh này.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 10
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi sửa Bộ luật Hình sự, Chính phủ đã rất trách nhiệm, giao Bộ Công an chủ trì vì đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu trong thực tiễn. Bộ Công an cũng đã xây dựng dự án Luật rất tích cực, khẩn trương để trình Chính phủ. Tiếp đó, Chính phủ trình Quốc hội sửa toàn diện Bộ luật Hình sự và đề nghị thông qua theo quy trình, thủ rút gọn tại một kỳ họp. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, việc sửa đổi toàn diện cần rất thận trọng, nếu sửa toàn diện phải tiến hành thông qua theo quy trình, thủ tục hai kỳ họp và phải lấy ý kiến nhân dân vì đây là bộ luật hết sức quan trọng, liên quan đến quyền công dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong điều kiện hiện nay Bộ luật Hình sự đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Do đó, với yêu cầu cấp bách, chỉ tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến: giảm án tử hình; đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay (tội phạm ma túy, sản xuất hàng giả, lĩnh vực môi trường...). “Thời gian vừa qua, toàn bộ ngành công an đã tập trung vào cuộc, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất hàng giả, vì vậy, cần cần tăng hình phạt để không chỉ xử lý mà còn có tính chất răn đe”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Quyết liệt phòng chống tội phạm nhất là các tội phạm mới phát sinh
Góp ý về tội vận chuyển ma túy là một trong những loại tội được giảm án tử hình mà dự thảo luật đề xuất, đại biểu Lê Quang Đạo, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án luật, cần có các hướng dẫn, nghị định cụ thể nhằm phân hóa rõ, làm rõ căn cứ để xác định tội phạm như số lượng kilogram vi phạm, độ tuổi của người vi phạm,… đảm bảo sự công bằng và nhất quán trong xét xử. Đại biểu cho rằng dự án luật sau khi sửa đổi, sẽ thể hiện tinh thần quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới với các thủ đoạn tinh vi trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Lê Quang Đạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu
Cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với hành vi quảng cáo gian dối
Cơ bản tán thành việc nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm về môi trường, về ma túy và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị: cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với hành vi quảng cáo gian dối, quy định tại Điều 197. Theo đại biểu, hiện nay, mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe, cần xem xét kinh nghiệm của một số nước, nơi mà mức phạt có thể tính theo tỷ lệ doanh thu từ hoạt động quảng cáo vi phạm. Việc này vừa có tác dụng ngăn chặn, vừa mang tính cảnh tỉnh, răn đe hiệu quả hơn.

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu
Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, áp dụng cho một số tội danh như: Tội mua bán người (Điều 133), Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 134), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248). Tuy nhiên, để quy định này có thể triển khai hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng về cấu thành tội phạm đối với hành vi chuẩn bị phạm tội của từng tội danh, đảm bảo tính khả thi, tránh hình sự hóa quá mức./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94211