Sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia

Thực tiễn 8 năm triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam cho thấy có một số điểm còn bất cập liên quan đến liên thông, phân luồng trong giáo dục, đối sánh với khung trình độ của các nước, đặc biệt các tiêu chuẩn do UNESCO ban hành...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MOET.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MOET.

Sáng 11/6, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Tọa đàm xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2016, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg, 1982/QĐ-TTg.

Sau đó, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 và có một số điểm, một số nội dung chưa hoàn toàn nhất quán giữa 2 Quyết định với điều khoản của Luật.

Bên cạnh đó, thực tiễn 8 năm triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam cho thấy có một số điểm còn bất cập liên quan đến liên thông, phân luồng trong giáo dục, đối sánh với khung trình độ của các nước, đặc biệt các tiêu chuẩn do UNESCO ban hành; những vướng mắc đặt ra trong công nhận trình độ, công nhận văn bằng, công nhận trình độ để học sinh đi học nước ngoài...

Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 53/QĐ-TTg), Bộ Giáo dục Đào tạo được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Quyết định số 1981/QĐ-TTg) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (thay thế Quyết định 1982/QĐ-TTg).

Báo cáo tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp tục của các cấp học và trình độ đào tạo thuộc giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, một số thành tố trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay thiếu tính hội nhập, thiếu tính thống nhất, thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ được tốt cho việc phân luồng giáo dục sau THCS.

Bên cạnh đó, thiết kế Khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phù hợp với các khung và tiêu chuẩn trình độ quốc tế nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động; cần đảm bảo áp dụng nhất quán trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo khác nhau và đảm bảo sự tham gia các bên liên quan trong thúc đẩy các cơ chế bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam khi xây dựng các chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu kết nối với đáp ứng kỹ năng làm việc từ thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng cần rà soát, chuẩn hóa, và quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giúp công nhận các trình độ đào tạo với các nước trong ASEAN.

Với khung trình độ quốc gia Việt Nam, Ban soạn thảo đề xuất phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với tham chiếu khung trình độ quốc gia (NQFs) của các nước ASEAN thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ.

Đỗ Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sua-doi-khung-co-cau-he-thong-giao-duc-quoc-dan-va-khung-trinh-do-quoc-gia.htm