Sửa đổi Luật Dược: Giải quyết ngay một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân

Chiều 18-6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Giải quyết ngay một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6-4-2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thi hành luật, đến nay, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Ảnh: TRỌNG HẢI

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đó là, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới; một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành.

Đặc biệt, một số quy định liên quan đến thông tin, quảng cáo thuốc tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; một số quy định về đăng ký, sản xuất, xuất, nhập khẩu và cung ứng thuốc không phù hợp hoặc chưa được quy định để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, an ninh, quốc phòng.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết; nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhân dân...

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân; những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược nhưng chưa tận dụng được hết lợi thế

Đề cập đến chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược quy định trong dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Do đó, cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này, tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, do thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”; các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ; cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các doanh nghiệp dược trong nước.

Theo đó, cần khai thác thế mạnh hiện có và tiềm năng của ngành dược bằng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được như sản xuất thuốc mới, các sản phẩm điều trị tiên tiến, thuốc sinh học có giá trị cao...

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-doi-luat-duoc-giai-quyet-ngay-mot-so-vuong-mac-anh-huong-den-viec-tiep-can-thuoc-cua-nhan-dan-781633