Sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ theo kịp xu hướng chung của thế giới

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi vào năm 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ và sự bùng nổ của công nghệ số.

Những thay đổi này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các quốc gia đầu tư mạnh vào khoa học và công nghệ đã nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia thu nhập cao. Đặc biệt, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội và khoa học và công nghệ ngày càng chặt chẽ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không thể tách rời việc ứng dụng kết quả vào cuộc sống.

Cùng với đó, khái niệm "nghiên cứu, phát triển" đã dần được thay thế bằng "nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo".

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động này không chỉ diễn ra tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà còn phổ biến trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để tạo nền tảng cho các phát minh và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

Nhiều kết quả nghiên cứu của các viện, trường được doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Nhiều kết quả nghiên cứu của các viện, trường được doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Trong 10 năm qua, các văn kiện định hướng chỉ đạo của Đảng đã nhiều lần đề cập đến phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn.

Trong hầu hết các văn kiện đó, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định là một nội dung quan trọng “khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”; “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững”. Vì vậy, các nội dung này cần được thể chế hóa kịp thời vào trong Luật.

Sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng từ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Để các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển, việc đầu tư vào khoa học và công nghệ là cần thiết.

Với xu thế này, Luật Khoa học và công nghệ cần được sửa đổi để tăng cường việc huy động nguồn đầu tư, sự quan tâm và nguồn nhân lực từ khu vực doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển và để theo kịp xu thế chung của thế giới.

Luật Khoa học và công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù các quy định về đổi mới sáng tạo đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật Khoa học và công nghệ 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ, nhưng nội hàm đầy đủ của đổi mới sáng tạo cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Trên thế giới, đã hình thành một phong trào về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành và các mô hình kết nối khác.

Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.

Luật Khoa học và công nghệ lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động này trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai, bằng cách cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, để phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển cần đạt khoảng 12 người/một vạn dân.

Để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao mức đầu tư xã hội, cần phải thực hiện các cải cách toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển vào trong Luật.

Để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, các quốc gia phát triển đã tìm cách nâng cao tỷ lệ đầu tư từ xã hội. Thông thường, tỷ lệ đầu tư từ nhà nước sẽ giảm từ mức 100% xuống còn khoảng 30%, trong khi tỷ lệ đầu tư từ xã hội sẽ tăng lên khoảng 70%.

Trong Luật Khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội nhằm mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, để phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển cần đạt khoảng 12 người/một vạn dân.

Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học và công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể kỳ vọng rằng doanh nghiệp sẽ ngay lập tức đầu tư vào khoa học và công nghệ, bởi đầu tư này thường mang tính rủi ro và không ngay lập tức đem lại lợi nhuận, trong khi mục tiêu chính của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận và duy trì sự tồn tại.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ một số tập đoàn lớn, chưa có động lực hoặc sự sẵn sàng để đầu tư vào khoa học và công nghệ do lo ngại lợi ích từ đầu tư này sẽ chỉ thu được trong một khoảng thời gian dài, chứ không phải ngay lập tức.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Luật Khoa học và công nghệ lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp.

Mặt khác, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn.

"Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, Luật Khoa học và công nghệ cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển của toàn xã hội vào trong Luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Trong các vấn đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ, đã đưa ra các giải pháp như, một nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động, và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học.

Thí dụ, chúng ta cần có những chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ khoa học và công nghệ. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới coi lực lượng nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu chủ yếu. Bởi vì nghiên cứu sinh ở độ tuổi trẻ, sáng tạo nhất và say mê nhất trong công việc. Do đó, cần xây dựng các hệ thống chương trình đào tạo nghiên cứu sinh, đồng thời coi họ là những nhà nghiên cứu, là người lao động nghiên cứu chứ không chỉ là người đi học.

Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm xuất sắc về khoa học và công nghệ, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.

TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sua-doi-luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-theo-kip-xu-huong-chung-cua-the-gioi-post822169.html