Sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế
Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) được nghiên cứu và thiết kế với nhiều chính sách quan trọng, tập trung vào định hướng về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý thuế; chuyển đổi số toàn diện và tự động hóa; đổi mới phương pháp quản lý và tăng cường chức năng kiểm tra thuế.

Toàn cảnh Hội nghị
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tham vấn chính sách Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Luật Quản lý thuế là một trong cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về sửa đổi tổng thể Luật Quản lý thuế, Nghị quyết số 198/NQ-CP ngày 27/6/2025 của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang triển khai lấy ý kiến hồ sơ chính sách của dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) theo quy định.
Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) sẽ đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, đặc biệt là các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi tư duy trong quản lý thuế.
Sửa đổi Luật Quản lý thuế một cách toàn diện để đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy mới
Báo cáo về Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế một cách toàn diện để đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy mới.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.
Việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.
Luật sẽ kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiêp cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế.
Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế): Thiết kế nhiều chính sách quan trọng
Để đảm bảo Luật mới được ban hành có ý nghĩa thực chất, đi vào thực tiễn, dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) được nghiên cứu và thiết kế với nhiều chính sách quan trọng, tập trung vào định hướng về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý thuế; chuyển đổi số toàn diện và tự động hóa; đổi mới phương pháp quản lý và tăng cường chức năng kiểm tra thuế.
Với ý nghĩa rất quan trọng của việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế), Hội nghị đã dành thời gian tập trung thảo luận, chia sẻ, tham vấn những ý kiến thẳng thắn, phản biện sâu sắc, mang tính xây dựng với các nhóm nội dung chính sách đề xuất.
Trong đó, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời, tâp trung thảo luận về hồ sơ Dự án Luật, tiến độ, quy trình xây dựng, định hướng quy định khung nguyên tắc, rà soát các chính sách đề xuất để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi tư duy trong quản lý.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, để kịp thời triển khai tiến độ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan để rà soát các chính sách, quy định trong các điều của Luật; cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng các dự thảo Nghị định để hướng dẫn chi tiết Luật./.