Sửa Hiến pháp để cải cách bộ máy

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5/5 tại Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Tại tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2/9/1945) đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp. Mỗi bản Hiến pháp đánh dấu chặng đường xây dựng và trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cho từng giai đoạn phát triển đất nước, làm nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Hiện tại, Hiến pháp năm 2013 đang quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại các điều 9, 10, 84, 96, 101 và 116) và quy định cụ thể về việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở ba cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương đã tạo cơ sở hiến định quan trọng trong việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt, là hạt nhân đoàn kết, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đã được đổi mới từng bước, cơ bản đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương, hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề đặt ra.

Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện hoạt động giám sát ở cấp huyện, cấp xã; tiếp thu, giải quyết các ý kiến phản biện của chính quyền địa phương.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Mô hình chính quyền địa phương ba cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc dẫn đến chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền; hình thành các cấp trung gian, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; chính quyền cấp xã chưa đủ năng lực, thẩm quyền để giải quyết các công việc trực tiếp liên quan đến người dân, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ, chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số làm phân tán nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng số lượng các cơ quan quản lý, cơ quan Đảng, đoàn thể, biên chế cán bộ, công chức tại các cấp chính quyền địa phương, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cụ thể là:

- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, các văn bản của Trung ương như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đã đặt ra những yêu cầu về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, đã đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu quan trọng để tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng gần dân, sát dân

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm đạt được bốn mục đích.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời mở ra cục diện mới phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, bảo đảm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30/6/2025, tạo cơ sở hiến định cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV để kịp thời triển khai các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào một số điều quy định về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo chương trình dự kiến vào sáng 5/5, sau khi nghe tờ trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về hai nội dung, gồm:

+ Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

+ Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tiếp theo, vào chiều 5/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về hai nội dung này. Sau đó, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Sau đó, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chia sẻ với báo chí vào chiều 4/5, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp 9 vào sáng 5/5, sau khi Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 được thành lập, đơn vị này sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân trong khoảng một tháng (dự kiến từ 5/5 – 6/6 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trên VNeID). Sau đó, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất là trước ngày 26/6 để làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương hai cấp.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sua-hien-phap-de-cai-cach-bo-may-327241.htm