Sửa luật để nâng cao vị thế của Công đoàn
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến, đóng góp, nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc; tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vì Tổ quốc thịnh cường.
Quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức
Trình Quốc hội dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.
Đó là xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới, yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu từ hội nhập quốc tế.
Để hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới, dự thảo Luật đã bổ sung thêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn, đó là “hợp tác, phối hợp và độc lập với người sử dụng lao động”.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình Công đoàn 4 cấp” và “Mô hình tổ chức Công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn”.
Cùng đó, trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở (CĐCS) phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”.
Dự thảo Luật cũng tách riêng 1 điều quy định về “Giám sát của Công đoàn”; bổ sung quy định mới về “Phản biện xã hội của Công đoàn”; bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ...
Tạo cơ sở cho đổi mới
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị quy định rõ Công đoàn được đại diện cho tập thể và cá nhân người lao động khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm theo yêu cầu của người lao động, tức là chỉ cần có đơn yêu cầu mà không cần hợp đồng, giấy ủy quyền…Đồng thời, Công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cán bộ CĐCS khi cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải trái pháp luật.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn hiện hành. Đặc biệt là yêu cầu được Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đề ra về xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo quy định tại Luật Công đoàn năm 2012, các cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các CĐCS có thời gian tối đa cho hoạt động Công đoàn là 24 giờ/tháng. Đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng việc dành thời gian ở mức độ này rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi họ cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp - đặc biệt tại các doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu Bùi Huyền Mai tán thành phương án bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động tại cơ sở căn cứ vào số lượng đoàn viên công đoàn của từng đơn vị.
Góp ý về công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, để Công đoàn hoạt động tốt thì cần thu hút được đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm ở cấp cơ sở tham gia vào hoạt động Công đoàn chuyên trách. Đại biểu đề nghị có chính sách đặc biệt hấp dẫn, thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tốt chuyên trách làm công tác này.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đề nghị tăng quyền chủ động giám sát của Công đoàn Việt Nam theo hướng Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát. Theo ông Sơn, trong nhiệm kỳ XII (2018 - 2023), Công đoàn đã thực hiện giám sát hơn 166 nghìn cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng. Vì vậy, quy định này đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang) góp ý, so với Luật hiện hành thì quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn đã được tách bạch thành 1 điều riêng. Công đoàn không chỉ “tham gia, phối hợp” mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát; nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của Công đoàn trong hoạt động này. Quy định trên vừa phù hợp và thống nhất với các quy định của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng, các quy định tại dự thảo Luật mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn được thực hiện trong thực tế, vì bên cạnh việc quy định Công đoàn có các quyền kiến nghị sau giám sát, thì còn thiếu các quy định về đối tượng giám sát, quyền và trách nhiệm của các đối tượng được Công đoàn giám sát, nhất là trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 điều quy định về: Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Công đoàn giám sát. Trong đó cần quy định rõ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Công đoàn giám sát có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Công đoàn; thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Công đoàn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, cần dành một mục riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của CĐCS. Bởi, CĐCS có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống Công đoàn; là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn. CĐCS có mạnh, thì tổ chức Công đoàn mới mạnh.
Thực tế cho thấy hoạt động của CĐCS thời gian qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả. Vị thế, tiếng nói của Công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của CĐCS vẫn là khâu yếu. Những tồn tại, hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chúng ta chưa có một quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng cho CĐCS. Vì vậy, việc quy định chung chung quyền, trách nhiệm cho tất cả các cấp Công đoàn và các loại hình CĐCS như trong dự thảo Luật là chưa hợp lý và chưa khoa học.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/sua-luat-de-nang-cao-vi-the-cua-cong-doan-174017.html