Sửa Luật Doanh nghiệp: Cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng cam kết quốc tế
Thảo luận tại hội trường sáng 20/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật đã được hoàn thiện nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, đồng thời thực hiện kịp thời cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp lần này là một bước tiếp theo trong nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ảnh Lê Toàn
Không thêm điều kiện, thủ tục cho việc thành lập doanh nghiệp
Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ), các nội dung đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại luật lần này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ đó, đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số kiến tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Nhiều giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Một số đại biểu có ý kiến về đề nghị đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo luật và có chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, khi Bộ Tài chính nghiên cứu để trình Chính phủ và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã tính toán việc thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045. Theo đó, việc các hộ kinh doanh chuyển dịch thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu này, cùng với các mục tiêu về phát triển kinh tế và thu ngân sách. Chính vì vậy, trong nghị quyết đã tính toán đầy đủ những giải pháp để khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển sang doanh nghiệp. Với những giải pháp này, hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi, nhiều thuận lợi hơn.
Bày tỏ thống nhất cao với việc quy định bổ sung các quy định đối với chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc bổ sung các quy định này là rất cần thiết để thực hiện các biện pháp trong phòng, chống rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố và tăng tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần phải quy định cụ thể hơn để có thể nhận diện rõ ràng về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Cần rà soát các quy định theo hướng nhằm xác định được người có quyền sở hữu trên thực tế về vốn điều lệ và quyền chi phối, điều hành, kiểm soát ảnh hưởng tới các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, cách tiếp cận của dự thảo về quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp. Bởi đây là những quy định hết sức kỹ thuật. Yêu cầu về khai báo, truy xuất chủ sở hữu hưởng lợi có thể thay đổi theo thời gian và theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế. Do đó, đại biểu cho rằng, nên quy định những nguyên tắc chung nhất trong luật và sau đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể.
Về trách nhiệm thu thập thông tin, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc quy định trách nhiệm thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi từ doanh nghiệp là rất cần thiết, phù hợp.
Tuy nhiên, cần phân định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn và doanh nghiệp nhỏ để tránh tạo thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, theo đại biểu, các doanh nghiệp nhỏ phần lớn do gia đình và người thân điều hành, ít bị chi phối bởi chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong việc kê khai thông tin không cụ thể, không chính xác về chủ sở hữu hưởng lợi.
Một số đại biểu quan tâm đến vấn đề kiểm soát đăng ký vốn ảo. Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu bổ sung các điều kiện trong đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. “Thực tiễn Luật Doanh nghiệp gần ba thập kỷ qua đã chứng minh là việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những quy định vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân”- đại biểu nêu rõ.
Sẽ có nghị định quy định chi tiết về chủ sở hữu hưởng lợi
Sau khi các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có giải trình làm rõ nhiều nội dung đại biểu quan tâm. Trong đó, về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra, dự thảo Luật đã điều chỉnh khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo hướng khái quát quy định nguyên tắc chung, tương đồng với Luật Phòng, chống rửa tiền, đồng thời đảm bảo yêu cầu của FATF (lực lượng đặc nhiệm tài chính).
Đối với các tiêu chí để xác định chủ sở hữu hưởng lợi, như tỷ lệ cụ thể sở hữu vốn điều lệ trực tiếp hoặc gián tiếp; quyền chi phối thông qua tỷ lệ biểu quyết, thông qua việc bổ nhiệm bãi nhiệm dân sự…, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và tham mưu cho Chính phủ quy định rõ tại nghị định hướng dẫn của luật.
Về trách nhiệm thu thập, lưu giữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, dự thảo quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu giữ ít nhất 5 năm để đảm bảo để phù hợp với cái khuyến nghị của FATF.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, quy định này áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thực tế, hiện các thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động được lưu trữ trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp lâu hơn nhiều so với thời hạn 5 năm, nên việc triển khai quy định này không vướng mắc trên thực tiễn.
Đồng thời, Bộ trưởng giải thích, việc lưu giữ này cũng giúp tránh trục lợi chính sách, nhất là giai đoạn này Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh các kết quả tích cực, cũng có hiện tượng trục lợi, như việc lập doanh nghiệp một thời gian ngắn để hưởng chính sách hỗ trợ rồi đóng cửa. Thời gian tới, các thông tin sẽ được kết nối với dữ liệu dân cư và định danh cá nhân sẽ giúp hạn chế tối đa việc trục lợi.
Hạn chế rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp bổ sung điều kiện hệ số nợ phải trả đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm bởi đây là một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị, không quy định trong luật vì các quy định hiện tại đã đủ chặt chẽ. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lại cho rằng, thay vì quy định tại luật thì giao Chính phủ quy định chi tiết, để tránh gây khó cho Chính phủ trong việc soạn thảo các quy định khác sau này về phát hành trái phiếu riêng lẻ…
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, vừa qua có một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động một lượng tiền rất lớn và không trả được nợ, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự xã hội.
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng cao, các doanh nghiệp cần lượng vốn lớn để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, vì thế cũng rất cần cơ chế để kiểm soát. Mặc dù nhiều nước phát triển và một số nước châu Á không có quy định tương tự, song đây đều là các nước có thông tin doanh nghiệp rất minh bạch. Bên cạnh đó, họ có nhiều công cụ khác để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề huy động. Còn với thị trường Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để không quy định việc này, Bộ trưởng giải thích.
Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội chấp thuận bổ sung nội dung này để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa có cơ chế kiểm soát tốt, tránh những vụ việc như đã xảy ra thời gian vừa qua.