Sửa luật tinh gọn bộ máy: Xác định rõ trách nhiệm để không 'đẩy việc' lên Chính phủ

Thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, với tư cách là thành viên Chính phủ, luật quy định rất rành mạch để không có sự chồng lấn, giao thoa, xác định rõ trách nhiệm để không 'đẩy' lên Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại tổ - Ảnh: PT

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại tổ - Ảnh: PT

Sáng 13/2 tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Phát biểu trong vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo cả hai dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hai dự án luật được sửa đổi trong bối cảnh rất đặc biệt, rất cấp thiết, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nền hành chính hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu cải cách khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Dự thảo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những về mặt chính trị, pháp lý mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, trong thời điểm rất quan trọng của đất nước. Do đó, thiết kế luật phải tạo cơ chế chủ động, linh hoạt cho nền hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính từ Trung ương đến địa phương, Bộ trưởng phát biểu.

Đề cập vấn đề mới nhất của các dự thảo, Bộ trưởng nhấn mạnh tư duy xây dựng pháp luật hoàn toàn khác, theo đúng tinh thần luật chỉ quy định vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản, để đảm bảo sự ổn định và sức sống bền vững của dự án luật cũng như điều hành thực tiễn của nền hành chính Nhà nước.

Bà Trà nêu rõ, đây là 2 đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước. Nếu đi vào cụ thể, không đưa ra nguyên tắc chung thì sau này không có căn cứ để luật chuyên ngành thiết kế theo, khi đó sẽ phá vỡ hết mục tiêu, nguyên tắc.

Về Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Bộ trưởng nói chỉ còn 32 điều, giảm 2 chương, 18 điều so với luật hiện hành.

"Như Luật Quốc vụ viện của Trung Quốc cũng chỉ có 20 điều, Luật Nội các của Nhật có 23 điều …", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Điểm mới tiếp theo được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu là lần sửa đổi này đã tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Tương tự, đối với chính quyền địa phương cũng có sự thiết kế rành mạch giữa HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp.

"Hay thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, với tư cách là thành viên Chính phủ, luật quy định rất rành mạch để không có sự chồng lấn, giao thoa, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy việc lên Chính phủ", Bộ trưởng Trà phát biểu.

Điểm mới khác, theo Bộ trưởng là vấn đề phân cấp, phân quyền và ủy quyền - nội dung mới nhất, cốt lõi của hai luật.

Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rạch ròi trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền, sau này tất cả luật chuyên ngành phải đi theo.

Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.

Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Nếu không rành mạch vấn đề này, chúng ta không thể thực hiện được, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, các đại biểu Quốc hội cũng rất sốt ruột khi rà soát có đến 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền HĐND, UBND; 92 luật quy định rất cụ thể của thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền.

Như vậy, theo bà Trà "rất chồng chéo, vướng mắc, làm sao có thể thực hiện phân cấp, phân quyền và ủy quyền theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm được?".

Đề cập việc thực hiện ủy quyền lập pháp, bà Trà nói ở các nước khá phổ biến nhưng Việt Nam chưa có tiền lệ, mới chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt khi đại dịch Covid-19, Quốc hội ban hành Nghị quyết 30.

Hiện nay, tinh thần này được mở rộng, ủy quyền lập pháp trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền. Theo đó, khi giải quyết vấn đề rất lớn có thể ủy quyền cho Chính phủ ban hành nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề.

Trong thời gian sửa đổi các luật, theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để xử lý những vướng mắc phát sinh, khơi thông nguồn lực và tháo gỡ điểm nghẽn cho việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, cũng như vấn đề có liên quan nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp hướng tới thực hiện được tinh thần nói trên.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-luat-tinh-gon-bo-may-xac-dinh-ro-trach-nhiem-de-khong-day-viec-len-chinh-phu-d246090.html