Sức hút du lịch từ giao thông đường thủy

Các tỉnh, thành Nam Bộ có hệ thống đường thủy nội địa với mạng lưới luồng tuyến được đánh giá giàu tiềm năng sông nước, giúp phát triển các loại hình du lịch cũng như vận tải hàng hóa.

Với lợi thế này, hiện nhiều tuyến vận tải đường thủy đã và đang đưa vào hoạt động, kết hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với các dịch vụ thích hợp sẽ góp phần đưa giao thông thủy của vùng phát triển xứng tầm, qua đó tăng kết nối để kinh tế vùng này phát triển bền vững.

Động lực phát triển

Khi vào luồng Cái Mép-Thị Vải, các tàu du lịch cỡ lớn sẽ dễ dàng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu cảng SSIT) đường kính 700m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600m. Ảnh TTXVN phát

Khi vào luồng Cái Mép-Thị Vải, các tàu du lịch cỡ lớn sẽ dễ dàng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu cảng SSIT) đường kính 700m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600m. Ảnh TTXVN phát

TP Hồ Chí Minh là đô thị sông nước với bốn tuyến sông chính, gồm: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua, tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913 km; trong đó, tuyến hàng hải là 11 tuyến với chiều dài 229 km, tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 5 tuyến với 126 km, tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 83 tuyến với 555 km.

Hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn nhiều năm qua đã hình thành các loại hình như: vận tải hành khách, du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; vận tải hành khách, du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông; vận tải khách du lịch bằng đường biển.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho rằng, thành phố đã có nhiều dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa như: tuyến buýt đường sông số 1, phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc. Đến nay là tuyến vận tải hành khách cố định TP Hồ Chí Minh - Côn Ðảo mới khai trương ngày 13/5/2024. Ðiều đó cho thấy, vận tải hành khách bằng đường thủy của thành phố ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực cùng chính quyền tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ vận tải mới, thu hút du khách khách trong nước và quốc tế.

Cũng trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai có mạng lưới sông, kênh với chiều dài hơn 2.500 km; trong đó, có khoảng 200 km có thể khai thác vận tải thủy. Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết: Thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, qua rà soát, sắp xếp, hiện trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia và tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có 90 cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và dọc sông được cấp phép hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đã phê duyệt phương án quy hoạch phát triển kết cấu giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được phê duyệt năm 2019. Tuy nhiên, đến nay nhu cầu của các địa phương cũng có sự thay đổi nên cần thiết phải bổ sung quy hoạch.

Tại huyện Định Quán, do nhu cầu phục vụ phát triển du lịch nên địa phương này cần bổ sung quy hoạch các bến thủy nội địa. Cụ thể, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2025 - 2030, huyện Định Quán quy hoạch phát triển khai thác ven sông Đồng Nai đối với địa bàn hai xã La Ngà và Phú Ngọc. Trong khi đó, do bến thủy nội địa trước đây quy hoạch xây dựng tại xã Tà Lài nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách hiện không còn cấp thiết, nên huyện Tân Phú cũng đã có đề xuất chuyển mục đích bến thủy nội địa này sang mục tiêu phục vụ du lịch.

Thực tế, để phát triển kinh tế ven sông, TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP Hồ Chí Minh năm 2023 - 2024. Thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các sở ngành nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, kết nối giao thông, điều chỉnh quy hoạch, phát triển không gian bến bãi…

Mở rộng liên kết

TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu có thêm ít nhất từ 5 - 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới và lượng khách du lịch tăng từ 10 - 12% trong năm 2024 so với cùng kỳ. Theo ông Bùi Hòa An, TP Hồ Chí Minh đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80 km để kết nối vùng Đông Nam Bộ. Hiện các sở ngành thành phố đang nghiên cứu sơ bộ đường ven sông, đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu dài khoảng 4 km, rộng 30 m, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh cũng sẽ vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh để thu hút các nguồn lực để làm đường ven sông Sài Gòn, tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch đường thủy từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đến Campuchia và ngược lại. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn du lịch tàu biển Việt Nam, diễn đàn liên kết du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh với các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết: Ngành du lịch thành phố xác định phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy bao gồm đường ngắn, đường trung và đường xa. Theo đó, các sở ngành khác như Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cần có sự phối hợp để phát triển đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu, bến neo đậu; tạo động lực thu hút nguồn đầu tư từ các đơn vị cùng tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch này.

Đánh giá các bến thủy nội địa, bến khách, bến du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các địa phương phải rà soát kỹ và có báo cáo để xem xét bổ sung quy hoạch. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại trong Đề án phát triển du lịch các bến du lịch cần bổ sung quy hoạch, xem xét thực hiện đầu tư công đối với các bến này.

Các cơ quan liên quan lập kế hoạch đầu tư công đối với các bến thủy phục vụ mục tiêu công cộng chứ không giao cho một đơn vị đầu tư khai thác. Sau khi đầu tư công thì giao cho địa phương quản lý, khai thác trên cơ sở phục vụ nhu cầu của các đơn vị có nguyện vọng khai thác để phát triển du lịch.

Hồng Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/suc-hut-du-lich-tu-giao-thong-duong-thuy-20240604061106336.htm