'Sức khỏe' kinh tế Trung Quốc suy yếu vì biến thể Delta
Chính sách quyết liệt của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong mùa Hè này đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và làm dấy lên lo ngại về 'sức khỏe' của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Ngấm đòn" biến thể Delta
Ngày 15/9, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, doanh số bán lẻ tại quốc gia này đã gặp khó khăn trong tháng 8/2021 khi chỉ tăng 2,5% so với năm trước. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia và đã sụt giảm đáng kể so với mức tăng 8,5% được ghi nhận vào tháng 7/2021.
Phát ngôn viên Fu Linghui của NBS nhận định, nguyên nhân của sự chậm lại này đến từ các đợt bùng phát Covid-19 và lũ lụt, khiến người dân không thể đi du lịch và ngừng chi tiêu cho kỳ nghỉ Hè.
Theo NBS, trong tháng 8/2021, sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng chậm hơn so với tháng 7/2021 và là mức tăng trưởng yếu nhất mà các nhà máy Trung Quốc ghi nhận trong một năm qua.
Trong khi đó, đầu tư vào khu vực thành thị tăng 8,9% trong 8 tháng năm 2021, giảm từ mức 10,3% trong 7 tháng đầu năm.
Những dữ liệu này cho thấy, biện pháp nghiêm ngặt mà chính phủ Trung Quốc thực hiện để làm chậm sự bùng phát của biến thể Delta trong mùa Hè này đã tác động đến nền kinh tế như thế nào.
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh của đại dịch, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn Covid-19) và đóng cửa các thành phố, hủy bỏ các chuyến bay và đình chỉ một số hoạt động tại các cảng container lớn. Chiến lược này giúp Trung Quốc kiểm soát được đại dịch, tuy nhiên, lại phải trả giá bằng kinh tế.
Các chuyên gia cũng nhận định, không chỉ Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang phải đối mặt với những khó khăn khác, bao gồm cả cuộc khủng hoảng đối với lĩnh vực bất động sản.
Các dự án nhà ở mới, tính theo diện tích sàn đã giảm 3,2% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc cho Capital Economics cho hay: “Những cơn gió ngược đối với lĩnh vực bất động sản dường như đang gia tăng". Ông nói thêm rằng, những hạn chế của chính phủ đối với việc vay nợ giữa các nhà phát triển bất động sản đang gây căng thẳng cho lĩnh vực này.
Gần đây, cuộc khủng hoảng tiền mặt của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande trở nên tồi tệ hơn và công ty đã cảnh báo rằng họ có thể vỡ nợ với những khoản nợ khổng lồ khi phải vật lộn để cắt giảm chi phí hoặc tìm người mua một số tài sản của mình.
Evergrande - một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường bất động sản Bắc Kinh khi trái phiếu và cổ phiếu liên tục lao dốc. Các nhà đầu tư lo ngại, một vụ vỡ nợ có thể gây ra những tác động xấu đối với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế cũng như gây ra bất ổn xã hội.
Tương lai sẽ thế nào?
Thời gian tới, Covid-19 có thể tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế. Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics nhận thấy, một đợt bùng phát đại dịch mới ở tỉnh Phúc Kiến đang khiến các dự báo về tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 buộc phải giảm.
Larry Hu, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities dự báo, tiêu dùng có thể sẽ tăng trở lại vào tháng 9/2021, nhưng nền kinh tế sẽ tiếp tục nằm trong xu hướng giảm tốc trong vài quý tới.
Các nhà sản xuất sẽ phải đối phó với chi phí gia tăng, gián đoạn do lũ lụt gần đây ở một số vùng của đất nước và tình trạng thiếu chip máy tính liên tục, gây thiệt hại đặc biệt cho ngành công nghiệp xe hơi.
NBS cho rằng, dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong tháng 8, môi trường quốc tế rất phức tạp và khắc nghiệt, cộng với tác động từ sự bùng phát virus trong nước và các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt. Theo cơ quan này, sự phục hồi kinh tế "vẫn cần được củng cố".
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura nhận định: "Cho đến nay, các thị trường vẫn đánh giá thấp đáng kể quy mô của sự suy giảm tăng trưởng trong nửa cuối năm".
Theo ông Ting, giới chức sẽ giữ vững cách tiếp cận của họ về việc chấp nhận khó khăn ngắn hạn để tìm kiếm lợi ích lâu dài. Do đó, họ có khả năng tiếp tục siết thị trường bất động sản và sản lượng một số hàng hóa công nghiệp để đáp ứng các mục tiêu chống ô nhiễm.
Với rủi ro kinh tế đang gia tăng, các nhà hoạch định chính sách đang tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và cam kết sử dụng trái phiếu chính quyền địa phương tốt hơn. Các nhà kinh tế kỳ vọng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong những tháng tới, sau khi bất ngờ cho cắt giảm vào tháng 7/2021.
Để "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi trong những tháng còn lại của năm 2021, theo ông Larry Hu, Trung Quốc nên nới lỏng biên độ thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ nhanh hơn và hạn ngạch cho vay nhiều hơn, nhưng chưa nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với bất động sản và nợ của chính quyền địa phương.
Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities cho rằng: "Sự phục hồi có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong bối cảnh các đợt Covid-19 mới bùng phát, vì vậy, chính phủ Trung Quốc cần có sự kết hợp xuyên suốt giữa thắt chặt và nới lỏng có mục tiêu".
Trong khi đó, ông Louis Kuijs nhấn mạnh: "Quan điểm chặt chẽ về tài chính của Trung Quốc đối với các nhà phát triển bất động sản và việc thắt chặt quy định đối với các công ty Internet sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tăng trưởng kinh tế".
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra những biện pháp giúp nền kinh tế tránh suy giảm mạnh. Ông kỳ vọng, các nhà chức trách sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng tới bằng cách cắt giảm lãi suất và cho phép chính quyền địa phương phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-khoe-kinh-te-trung-quoc-suy-yeu-vi-bien-the-delta-158671.html