Sức mạnh từ sự đồng lòng, thông suốt - Bài 4: Sự hy sinh đầy ý nghĩa
Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước. Những ngày này, nhiều địa phương trong cả nước đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện sâu sắc về những người đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết, trước hết.
Vì sự phát triển của đất nước
Ngày 10-2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý cho ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 15-2, theo nguyện vọng. Ông Phạm Thiện Nghĩa 59 tuổi, còn khoảng 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
![Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bên trái) nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: TÍN HUY](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_17_51463848/59e4898bb9c5509b09d4.jpg)
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bên trái) nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: TÍN HUY
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, ông Phạm Thiện Nghĩa xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cùng với ông Phạm Thiện Nghĩa, 2 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 2 Phó Trưởng ban Đảng thuộc Tỉnh ủy Đồng Tháp và một số cán bộ lãnh đạo cũng xin nghỉ sớm, tạo điều kiện cho công tác tinh giản, sắp xếp cán bộ.
Thực hiện tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương từ trung ương đến địa phương. Việc giảm đầu mối tất yếu sẽ cắt giảm nhiều nhân sự các cơ quan, và câu chuyện “ai ở, ai đi” luôn nhận được sự quan tâm của người dân ở cơ sở.
Thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt ở các địa phương đã chấp nhận “hy sinh” lợi ích cá nhân, tự nguyện xin thôi công tác, nghỉ hưu trước tuổi. Việc làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền về cuộc “cách mạng” tinh giản bộ máy khiến công chức, viên chức ở một số địa phương quyết định rút lui, tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp.
Đặc biệt, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh có 91 người xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có hơn 50 người có thời gian công tác từ 5 đến 10 năm. Tại Phú Yên, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 242 công chức, viên chức, người lao động ở tỉnh này xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc theo Nghị định số 178.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên là cơ quan có số lượng công chức, viên chức và người lao động tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc nhiều nhất tỉnh với 118 người.
Tại tỉnh Thái Nguyên, quá trình kiện toàn, nhiều cán bộ ở địa phương này tiếp tục viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông Phạm Thái Hanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho biết, còn 14 tháng nữa mới đến tuổi hưu, nhưng từ khi có chủ trương, ông thấy mình nên nghỉ để tạo điều kiện cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy.
Hay tại Quảng Ngãi, đầu tháng 1-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ký quyết định nghỉ hưu trước tuổi với 48 trường hợp là lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp ngành của tỉnh, huyện. Đầu tháng 2, có 5 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quản lý, được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-3, sau khi hợp nhất một số cơ quan. Trong đó, 2 trường hợp thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, gồm ông Đặng Ngọc Dũng (58 tuổi, Trưởng ban) và ông Đặng Văn Nghiệp (59 tuổi, Phó trưởng ban).
Tại Đắk Lắk, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng nhận đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương. Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, 40 năm qua, ông tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và sẵn sàng chấp hành theo sự phân công của cấp trên. Nhưng để thuận lợi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Nghiêm tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi theo quy định và nguyện vọng cá nhân.
Xây dựng chính sách đặc biệt, nổi trội
Ngày 11-2, tại hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, đến ngày 10-2, Hải Phòng có 34 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-3 để tạo thuận lợi cho thành phố trong sắp xếp, bố trí cán bộ và tạo cơ hội cho cán bộ trẻ cống hiến, trưởng thành.
Trong đó, có 2 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (bà Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và ông Lê Ngọc Trữ, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng); 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố (ông Lê Khắc Nam) xung phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Lê Tiến Châu cho hay, những cán bộ trên đã thể hiện tính nêu gương, đi đầu, tinh thần trách nhiệm sẵn sàng nghỉ sớm, sẵn sàng hy sinh vì tổ chức, tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ cống hiến.
Cùng với chính sách chung của cả nước, các địa phương đang gấp rút xây dựng chính sách riêng dành cho cán bộ thuộc diện tinh giản do sắp xếp tổ chức bộ máy. Tại TPHCM, đến nay, đã có nhiều cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách của TPHCM đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đợt sắp xếp này đảm bảo công bằng, thấu tình, đạt lý. Hiện nay, UBND TPHCM đang xây dựng chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề trong tháng 2.
Trong cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, dự kiến khoảng 100.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Những cán bộ, đảng viên giữ vị trí người đứng đầu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi thể hiện sự “hy sinh” và cống hiến vì lợi ích chung.
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sẽ bị mất việc làm hoặc không còn giữ chức vụ như cũ. Điều này đòi hỏi sự “hy sinh” của cán bộ, đảng viên và sự “hy sinh” này cần được ghi nhận như sự khẳng định công lao đóng góp của họ khi sẵn sàng nhường vị trí để tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ luôn nhấn mạnh việc chủ động làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất. Một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng, đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, đảm bảo hợp lý giữa các nhóm.
Đây là những chính sách đặc biệt, nổi trội để khuyến khích những người nghỉ ngay, trong 12 tháng từ khi sắp xếp. Ngoài ra, chính sách cũng gắn với sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ và tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ. “Cần giữ chân cán bộ tốt, có năng lực, phẩm chất để không chảy máu chất xám”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Trên thực tế, để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, Chính phủ đã thông qua 3 nghị định quan trọng về chế độ chính sách với cán bộ thôi việc và chế độ với cán bộ, công chức ảnh hưởng do tinh gọn bộ máy, chính thức có hiệu lực từ 1-1-2025 gồm: Nghị định số 177/2024/NĐ-CP; Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 179/2024/NĐ-CP. Trong đó Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với 8 nhóm chính sách lớn, nổi trội mang tính nhân văn.
Ngày 12-2, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9. Một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp là Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc này nhằm kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được “nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn”; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Cùng với đó là 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…