Sức mua yếu, ô tô tồn kho tăng mạnh

Nguồn cung ô tô trong nước dư thừa khi sản lượng xe lắp ráp và nhập khẩu tăng mạnh, nhưng sức mua lại sụt giảm mạnh, khiến lĩnh vực kinh doanh này hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Xe mới ra mắt, tồn kho tăng

Đầu tháng 7, thị trường ô tô Việt Nam xuất hiện một mẫu xe điện mới của hãng BYD từ Trung Quốc. Đây là một phần của làn sóng dồn dập ra mắt sản phẩm trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa cung và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường toàn cầu.

Tính trong nửa đầu năm 2025, đã có 6 mẫu xe từ các hãng Trung Quốc như BYD, Jaecoo, MG, Geely, Haval được giới thiệu tại Việt Nam. Nửa cuối năm nay dự kiến sẽ có thêm sự xuất hiện của các thương hiệu như Omada C7, Lynk & Co 08 và một loạt xe điện từ TMT Motors.

Theo báo cáo mới công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, các nhà sản xuất ô tô trong nước xuất xưởng ước đạt tổng cộng 226.500 chiếc, tăng tới 70,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Với xe nhập khẩu từ nước ngoài, trong thời gian này, ước tính đã có 103.713 ô tô được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam, với giá trị ước đạt 2,233 tỷ USD, tăng 39,5% về lượng và 44,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Cộng thêm hàng chục ngàn xe tồn kho từ năm 2024 thì có khoảng 50% được tiêu thụ. Ước tính hiện trên 150.000 chiếc đang tồn kho tại nhà máy, đại lý và bến bãi.

Các thương hiệu xe hơi đến từ châu Âu “trình làng” trong triển lãm ô tô gần đây tại TPHCM

Theo ông Trần Đình Kỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Moveo New City, lượng xe tồn kho lớn nhất trong 5 năm trở lại đây. Xe nhập đã về đầy kho từ tháng 3-2025, xe lắp ráp trong nước cũng được nhà máy đẩy ra thị trường liên tục, nhưng lượng khách đến showroom chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để phòng bị “tháng ngâu” (tháng 7 âm lịch) sắp đến, trong thời điểm trung tuần tháng 7 này, nhiều mẫu xe phổ thông đang giảm giá trực tiếp từ 50-100 triệu đồng so với giá niêm yết, kèm ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, bảo hiểm thân vỏ và phụ kiện. Một số mẫu Lexus, BMW, Mercedes-Benz… được chiết khấu trực tiếp 100-300 triệu đồng, kèm gói vay lãi suất ưu đãi trong 12 tháng. Dẫu vậy, khách hàng cũng tỏ ra dè dặt vì lãi suất vay mua xe còn cao, giá bảo hiểm, xăng dầu và chi phí sinh hoạt tăng.

Xe cũ khó tìm người mua

Thị trường ô tô cũ trong nửa đầu năm 2025 tại TPHCM cũng khá trầm lắng, giao dịch ảm đạm. Nhiều showroom rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, chờ tín hiệu phục. Ngoài một số ít mẫu xe cũ được nhiều người săn mua như Toyota Vios, Innova (đời cũ), Mitsubishi Xpander… nhiều mẫu xe khác trong tình trạng ế ẩm.

Anh Phạm Văn Mạnh, chủ một salon xe đã qua sử dụng ở đường Phan Văn Trị (phường An Nhơn), chia sẻ: “Mọi năm, tháng nào yếu cũng bán được khoảng 10-15 xe, năm nay thì có tháng chỉ bán được 3-4 chiếc. Khách đến thưa thớt, xe trưng bày 2-3 tháng vẫn chưa có người mua. Chúng tôi rất sốt ruột nhưng không biết phải làm thế nào vì để giá gốc thì không bán được, muốn bán nhanh thì đành cắt lỗ”.

Tại một salon xe cũ khác trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình), tình hình cũng không sáng sủa hơn. Anh Đặng Nghĩa, chủ cơ sở cho biết, hiện đang là giai đoạn rất thấp điểm của thị trường xe cũ. Thời điểm này khách đi xem xe chỉ để tham khảo giá, nếu thật rẻ mới “xuống tiền”; có người còn trả thấp hơn giá mua vào đến vài chục triệu đồng, bán kiểu gì cũng lỗ.

Theo giới buôn ô tô cũ, phân khúc xe phổ thông giá dưới 500 triệu đồng, vốn từng là lựa chọn của nhiều người mua xe lần đầu, nay cũng chững lại thấy rõ. “Trước kia xe cũ là lựa chọn để người mua tiết kiệm tiền. Giờ xe mới giảm giá quá mạnh, lại được khuyến mãi lệ phí trước bạ, nên nhiều người mua quay sang mua xe mới luôn cho yên tâm”, anh Nguyễn Ngọc Thành, chủ một salon xe cũ tại phường Hiệp Bình Chánh nói.

Ông Lê Anh Tuấn, một nhà phân tích thị trường ô tô độc lập, đánh giá có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường ô tô cũ rơi vào tình trạng “đuối sức”. Đầu tiên là cạnh tranh khốc liệt từ xe mới. Từ đầu năm 2025, hầu hết các dòng xe Ford, Mazda, Toyota, Hyundai, KIA, Mitsubishi… hay các hãng xe Trung Quốc liên tục tung ra các chương trình giảm giá trực tiếp, hỗ trợ trước bạ và ưu đãi tài chính.

Có thời điểm, một số mẫu sedan hạng B được đưa giá lăn bánh về mức chỉ từ hơn 400-500 triệu đồng. Giá xe mới giảm mạnh khiến các mẫu xe cũ bình dân, dù là hàng lướt hay “xe cỏ” giá rẻ cũng không có cơ sở để ghìm giá cao.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng “nhảy cóc” từ xe máy lên thẳng ô tô mới, thay vì cân nhắc mua ô tô cũ như trước kia. Kế đến, nhiều người có tâm lý lùi lại kế hoạch mua xe, chờ đợi dịp cuối năm 2025 để có thêm ưu đãi. Yếu tố kỹ thuật cũng khiến người mua dè chừng. Các quy định mới về kiểm tra khí thải và đăng kiểm ô tô bắt đầu được áp dụng nghiêm ngặt khiến nhiều mẫu xe đời cũ gặp khó, buộc phải thay thế linh kiện hoặc bảo trì lớn để vượt qua kỳ đăng kiểm, phát sinh nhiều chi phí cho chủ phương tiện.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 10-7 vừa qua khá tích cực. Cụ thể, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trong tháng 6 đạt 31.977 chiếc (bao gồm 22.934 xe du lịch, 8.782 xe thương mại và 261 xe chuyên dụng).

So với tháng 5, lượng bán ra của các thành viên VAMA trong tháng 6 tăng 9,5%. Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA tính đến hết tháng 6 đạt 163.021 chiếc, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ sức “gánh” tình trạng ảm đạm kéo dài từ đầu năm đến nay…

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/suc-mua-yeu-hang-ton-kho-o-to-tang-manh-post124302.html