Sức sống mới của dân ca, dân vũ xứ Thanh

Thanh Hóa có bề dày lịch sử văn hóa, là vùng đất 'địa linh nhân kiệt', lưu giữ trong lòng một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo với 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng. Trong đó có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, 706 di tích cấp tỉnh, 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hơn 300 lễ hội truyền thống được cộng đồng thường xuyên tổ chức. Gắn liền với đó là các làn điệu dân ca, dân vũ được kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc, chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc xứ Thanh.

Các tiết mục biểu diễn đang từng bước mang lại sức sống mới cho nghệ thuật dân ca, dân vũ xứ Thanh.

Nghệ thuật dân ca, dân vũ ở Thanh Hóa trong những năm của thế kỷ XX là thời “hoàng kim” gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Và, cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, lớp thế hệ nghệ sĩ kế cận đã tiếp nối truyền thống cha anh, góp phần đưa nghệ thuật dân ca, dân vũ có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của công chúng. Những năm trở lại đây, nghệ thuật dân ca, dân vũ được phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Thế nhưng, cùng với sự tồn tại của dân ca, dân vũ, nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại ra đời và du nhập vào nước ta đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có dân ca, dân vũ. Khiến cho các loại hình dân ca, dân vũ có nguy cơ bị mai một; lực lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành ngày một thưa vắng và phần lớn do tuổi cao, sức yếu không đủ sức để truyền dạy; thế hệ trẻ không hào hứng tiếp thu, nên người kế thừa trong gia đình, cộng đồng ngày càng ít. Trong số các nghệ nhân, số người biết truyền dạy một cách bài bản và có kỹ thuật không nhiều, truyền dạy chủ yếu bằng phương thức truyền miệng và dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ...

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 27-2-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 592/QĐ-UBND về việc thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, trong đó thành lập mới đoàn dân ca, dân vũ có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ nhằm bảo lưu, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam; xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân và tham gia hội thi, hội diễn. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề nâng cao trình độ chuyên môn nghệ thuật cho nghệ sĩ, diễn viên.

Bà Vũ Thị Hảo, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, kiêm trưởng đoàn dân ca, dân vũ cho biết: Hàng năm, nhà hát đều có kế hoạch xây dựng các chương trình hoạt động đối với nghệ thuật dân ca, dân vũ. Từ trước đến nay, nhà hát đã dàn dựng, tổ chức, biểu diễn thành công 3 chương trình nghệ thuật lớn với các chủ đề: “Sắc màu xứ Thanh”, “Hương sắc quê Thanh”, “Hương đồng gió nội”... Nội dung các chương trình bao gồm nhiều tiết mục ca múa đặc sắc, độc đáo thể hiện nét phong phú riêng của từng loại hình dân ca, dân vũ ở từng vùng miền khác nhau trong tỉnh. Qua đó, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, con người; đồng thời góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca, dân vũ xứ Thanh trong thời kỳ mới.

Đêm nghệ thuật “Sắc màu xứ Thanh” là một trong những chương trình để lại những ấn tượng khó quên. Đây cũng là đêm diễn nhằm vinh danh những đóng góp và cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tác dân ca, dân vũ của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Hải, người con ưu tú của quê hương xứ Thanh, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Tại đêm diễn, 18 tiết mục nghệ thuật đặc sắc do NSND Hoàng Hải trực tiếp dàn dựng đã được các văn nghệ sĩ biểu diễn thành công. Trong đó, có nhiều tiết mục để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả như: “Hợp xướng Hàm Rồng anh hùng ca”; “Về xứ Thanh”; “Nhịp điệu Xuân Phả”; “Chợ núi - Chợ tình”... Nhiều tiết mục trong đêm diễn là “bản hòa tấu” giữa nhạc, múa hiện đại kết hợp với chất liệu dân ca, dân vũ truyền thống xứ Thanh như: Trò diễn dân gian Xuân Phả, dân ca Đông Anh, hò sông Mã... nhằm tái hiện những giá trị tiêu biểu đặc sắc nhất của văn hóa xứ Thanh.

Chương trình “Hương sắc quê Thanh” do NSND Trương Hải Thọ chỉ đạo nghệ thuật, NSND Hoàng Hải tổng đạo diễn cũng gây được tiếng vang lớn nối tiếp thành công của nghệ thuật dân ca, dân vũ. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của những nghệ sĩ có tên tuổi trong tỉnh và trong cả nước, với 12 tiết mục ca - múa - nhạc - độc tấu đặc sắc, như: Hòa tấu hợp xướng “Hội làng”, múa “Khua luống đêm trăng”; múa “Mùa yêu”; múa “Tìm bạn”, khèn bè “Khặp Thái”... Những thang âm, điệu thức, chất liệu dân ca, dân vũ nguyên bản đã được dàn dựng theo hướng hiện đại để phù hợp với thị hiếu khán giả. Bên cạnh đó, các tiết mục đưa vào “bộ sưu tập” để tạo nên “Hương sắc quê Thanh” đa dạng, có thể phục vụ được đông đảo khán giả ở nhiều không gian, từ khán phòng sân khấu mang màu sắc cổ điển, đến không gian đường phố phục vụ khách du lịch, cho đến những “đại cảnh” trong các sự kiện kỷ niệm lớn.

NSND Hoàng Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Các tiết mục dân ca, dân vũ của nghệ sĩ xứ Thanh đã góp phần ca ngợi giá trị nhân văn, tình yêu chung thủy, cảnh sắc quê hương, gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước. Điều đó đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm thú vị về một miền quê Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩn chứa những nét đẹp nghệ thuật vô giá, được tái hiện qua các tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo tài hoa.

Được biết, NSND Hoàng Hải từng tham gia biên soạn các công trình nghiên cứu: Nghệ thuật Múa dân gian Thanh Hóa, Dân ca Đông Anh, Nghệ thuật Trò múa Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa, múa dân gian các dân tộc thiểu số Thanh Hóa, tác giả Đề án nghệ thuật “Vũ khúc Xuân Phả – sóng cả biển Đông”. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, mặc dù tuổi đã cao, NSND Hoàng Hải vẫn tích cực sưu tầm nghiên cứu các điệu múa dân gian; đam mê sáng tạo cống hiến nhiều chương trình nghệ thuật dân ca, dân vũ đặc sắc, đặc biệt là những tác phẩm có giá trị lớn phục vụ đời sống xã hội. Ông cũng tham gia góp phần truyền dạy cho các thế hệ trẻ, xây dựng và phát triển phong trào dân ca, dân vũ ở các trường học, các địa phương trong tỉnh.

Ngày 12-4-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1189/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021–2030. Thông qua việc thực hiện đề án góp phần nâng tầm các giá trị của dân ca, dân vũ, xây dựng hình ảnh đẹp về miền đất và con người Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời là cơ hội truyền dạy và tập huấn về văn nghệ dân gian - trọng tâm là dân ca, dân vũ đồng bào dân tộc; xây dựng đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc, vùng miền phục vụ khách tham quan, du lịch. Hy vọng, đề án được triển khai thực hiện sẽ mang lại sức sống mới cho dân ca, dân vũ xứ Thanh; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ đời sống tinh thần của Nhân dân, quảng bá về sắc thái văn hóa du lịch xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/suc-song-moi-cua-dan-ca-dan-vu-xu-thanh/146246.htm