Sức trẻ ở ngôi trường cách mạng xuyên thế kỷ
Là một trong số những ngôi trường cổ lâu đời nhất ở Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là Trường Bưởi) ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí nhiều người Việt Nam như một biểu tượng đẹp về văn hiến, trí tuệ, chiếc nôi của truyền thống 'Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi', nơi đào tạo nhân tài cho Thủ đô và đất nước. Nằm nghiêng mình soi bóng bên Hồ Tây huyền thoại, chứng kiến bao thăng trầm của Hà Nội hơn một thế kỷ, thầy và trò nhà trường đang tràn đầy niềm hứng khởi, tự tin để phấn đấu trở thành trường THPT đạt chuẩn quốc tế.
Là một trong số những ngôi trường cổ lâu đời nhất ở Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là Trường Bưởi) ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí nhiều người Việt Nam như một biểu tượng đẹp về văn hiến, trí tuệ, chiếc nôi của truyền thống “Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi”, nơi đào tạo nhân tài cho Thủ đô và đất nước. Nằm nghiêng mình soi bóng bên Hồ Tây huyền thoại, chứng kiến bao thăng trầm của Hà Nội hơn một thế kỷ, thầy và trò nhà trường đang tràn đầy niềm hứng khởi, tự tin để phấn đấu trở thành trường THPT đạt chuẩn quốc tế.
“Hạt giống đỏ” cách mạng
Những năm đầu của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã tăng cường đào tạo đội ngũ tay sai có trình độ nhằm giúp cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng được nhanh chóng. Hệ thống các trường tiểu học Pháp - bản xứ ở Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu của chính quyền thực dân, vì vậy đến ngày 9-12-1908 Toàn quyền Đông Dương A.W.Klo-bu-cau-xki đã ra quyết định thành lập Trường Thành chung Bảo hộ (thường được gọi là Trường Bưởi - Trường THPT Chu Văn An ngày nay) trên cơ sở sáp nhập 3 trường: Trường Thông ngôn Hà Nội, Trường Nam Sư phạm Hà Nội và Trường Jules Ferry Nam Định.
Thời kỳ đó, dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào học sinh, sinh viên trong nước biểu tình diễn ra rộng khắp, trong đó ở Hà Nội phong trào biểu tình đòi ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và đòi để tang chí sĩ Phan Chu Trinh do học sinh Trường Bưởi giữ vai trò nòng cốt đã gây được tiếng vang lớn. Sống và học tập tại Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của cả Đông Dương, học sinh, sinh viên Hà Nội, trong đó có học sinh Trường Bưởi đã nhanh chóng khẳng định sự nhạy bén và vai trò tiên phong của mình trong việc tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và một số sách báo, tài liệu do Nguyễn Ái Quốc gửi về từ nước ngoài. Trong hồi ký của Giáo sư Nguyễn Xiển, cựu học sinh Trường Bưởi khóa 1924-1925, đã ghi lại: “Hồi đó vào ban đêm, trên buồng ngủ, hầu hết các sách báo của Nguyễn Ái Quốc in ở Pa-ri, các tờ báo cách mạng như tờ Tiếng chuông rè, An Nam mới… đã được học sinh chúng tôi háo hức đọc hết đêm”.
Ngôi trường trở thành mảnh đất đầu tiên ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho cách mạng với những người học trò xuất sắc sau này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một số thanh niên yêu nước của Hà Nội sau khi tham gia biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và đòi để tang cụ Phan Châu Trinh đã bị nhà trường của chính quyền thực dân đuổi học, một số khác tự bỏ học sang Quảng Châu (Trung Quốc), trong số đó có những học sinh Trường Bưởi như Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Vũ Nguyên Bắc (tức Tướng Nguyễn Sơn), Trần Tích Chu, Trần Đăng Huyên, Trịnh Đình Cửu, Phạm Văn Đồng… Những học sinh này khi sang Quảng Châu đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đón nhận, tin tưởng và được Người huấn luyện, đào tạo, đa số họ sau này đều gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và được phân công về nước gây dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị cho việc thành lập Đảng sau này. Trong cuốn “Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP. Hà Nội (1930-1975, NXB Hà Nội), tác giả Phạm Quốc Bản có viết: “Cho đến cuối năm 1927, Chi hội Thanh niên Hà Nội đã gây dựng được khá nhiều cơ sở ở trường học, lực lượng tham gia ban đầu chủ yếu là học sinh, sinh viên đã từng học tại Trường Bưởi”.
Cái nôi đào tạo nhân tài
Mái trường này đã đào tạo ra hàng trăm ngàn học sinh ưu tú, cựu học sinh nhà trường không những trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương… mà còn trở thành những nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt, như: Ngụy Như Kon Tum, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thùy Trâm, Vũ Hà Văn, Trương Gia Bình, Hoàng Nam Tiến…
Trường Bưởi - Chu Văn An trở thành ngôi trường giàu truyền thống cách mạng bậc nhất Đông Dương - nơi đã đào tạo nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của nước bạn Lào và Căm-pu-chia, tiêu biểu là Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn. Sinh thời, Bác Hồ đã 5 lần về thăm, phát động phong trào giáo dục cách mạng tại Nhà trường, trong đó lần thứ năm Bác đã để lại những vần thơ: “Các thầy dạy bảo tốt/ Các cháu học tập tốt/ Mọi người lao động tốt/ Cả trường đoàn kết tốt”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng đến thăm và làm việc tại trường với lời căn dặn “Học cũng là yêu nước”.
Những tấm gương “Dạy tốt - Học giỏi”, với trí tuệ và sự nhiệt thành với nghề của các thế hệ đi trước như các thầy Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân… đã đặt nền móng và tạo động lực cho môi trường giáo dục chất lượng cao được Trường THPT Chu Văn An duy trì và phát huy cho tới hôm nay. Năm 1995, Nhà trường tự hào trở thành một trong ba trường trung học trọng điểm quốc gia. Cùng với Ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Trường THPT Chu Văn An diện mạo vẫn mang nét cổ kính, nguyên sơ của hơn một thế kỷ trước, vừa bảo lưu truyền thống “Yêu nước - Cách mạng - Dạy tốt - Học giỏi” nhưng cũng đồng thời là một môi trường giáo dục hiện đại, năng động, đáp ứng được những yêu cầu mới của Ngành Giáo dục và Đào tạo không chỉ của Thủ đô mà còn là của cả nước trong thời kỳ hội nhập, trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Gần 30 năm của chặng đường tự làm mới, tự khẳng định mình, mái trường bên Hồ Tây vừa đẹp cổ kính với cây xanh, ngói đỏ, tường rêu, vừa trẻ trung, hiện đại, năng động trong các phong trào dạy và học toàn diện. Nhà trường được công nhận là “Ngôi trường sinh thái ASEAN”, học sinh nhà trường không chỉ tiếp nối thành tích “Dạy tốt - Học giỏi” với nhiều giải thưởng học sinh giỏi quốc tế, khu vực, quốc gia… mà còn sáng tạo, linh hoạt với những hoạt động giáo dục toàn diện. Những chuỗi hoạt động Sparkling thường niên (Tinh hoa giai điệu) lấp lánh sắc màu, những hoạt động văn nghệ, thể thao…, tất cả đã tôn vinh một Trường Bưởi - Chu Văn An đầy sức trẻ.
Trong năm học 2021-2022 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, học sinh hầu như phải học trực tuyến nhưng thầy và trò nhà trường vẫn đạt được những thành tích nổi bật. 99,08% học sinh đạt danh hiệu “Học sinh giỏi” (tăng 2,33% so với năm học trước). Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh Nhà trường đã giành được 249 giải, trong đó có 25 giải Nhất, 98 giải Nhì (tăng 47 giải Nhất, Nhì so với năm học trước). Hội thi nghiên cứu khoa học cấp thành phố, học sinh Nhà trường cũng có 1 đề tài giành giải Nhì, 2 đề tài giành giải Ba. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh Nhà trường đã giành được 19 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 3 giải Ba, 8 giải Khuyến khích (tăng 3 giải so với năm học trước). Tại kỳ thi Ô-lim-píc toán học sinh, sinh viên năm 2022, học sinh Nhà trường cũng đã giành 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Trong các cuộc thi quốc tế, đã có 20 học sinh Nhà trường đoạt giải cao, trong đó có 12 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Chu Văn An là một trong các trường có điểm thi thuộc tốp đầu của TP. Hà Nội, trong đó có 7/9 môn có điểm thi nằm trong nhóm 10 trường có điểm thi cao nhất thành phố. 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, trong đó có 528 học sinh được tuyển thẳng đại học, đi du học và lựa chọn theo học các trường liên kết quốc tế, chiếm 83,1%.
Đặc biệt, trong chương trình đào tạo song bằng THPT quốc gia theo chương trình Việt Nam và bằng tốt nghiệp tú tài chương trình A-level do Cambridge International Examinations (CIE) cấp, trong khóa III vừa qua 100% học sinh lớp này đạt học bổng du học và tuyển thẳng vào các trường đại học liên kết đào tạo quốc tế. Sau hơn 5 năm, Trường THPT Chu Văn An hoàn thành giai đoạn thí điểm đào tạo song bằng, hệ Cambridge của Trường được đánh giá xếp thứ 10/160 quốc gia thành viên Cambridge. Chương trình được đánh giá là bước chuyển mình quan trọng, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Trường THPT Chu Văn An trở thành trường THPT công lập đầu tiên của TP. Hà Nội và cả nước thực hiện mô hình đào tạo chuẩn quốc tế.
Nhiệm vụ hàng đầu
Nhiệm vụ quan trọng nhất của thầy và trò Nhà trường là giảng dạy và học tập, bởi vậy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các thầy cô giáo đặt lên hàng đầu, đó cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm đạt được mục tiêu dạy và học của Nhà trường. Hằng năm, Đảng ủy nhà trường đã xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề gắn với chủ đề từng năm. Nhà trường luôn xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của từng năm học để từ đó tập thể nhà trường nỗ lực không ngừng, đoàn kết, đồng lòng cùng nhau thực hiện. Trong từng năm học, Nhà trường xác định các đợt thi đua cao điểm gắn với từng học kỳ để phát huy tinh thần xung kích, gương mẫu, trí tuệ, sáng tạo của người đảng viên, giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể về giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát động các phong trào thanh niên làm theo lời Bác bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thể hiện bằng những hành động có tính sáng tạo, việc làm cụ thể, hiệu quả cao, thể hiện sự năng động, trí tuệ của tuổi trẻ nhà trường trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như các phong trào: “Xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tôi yêu Hà Nội”, Cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, “Thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”... Giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần, các chương trình tham quan dã ngoại. Đoàn Thanh niên đã tổ chức phát thanh nội bộ vào giờ ra chơi với nội dung phong phú về chủ đề “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cao điểm là các dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Ngày thành lập Đảng (những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, những bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương người tốt, việc tốt…). Cùng với đó, Nhà trường tổ chức các tiết chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lồng ghép vào các phong trào thi đua cao điểm, các cuộc thi do Đoàn Thanh niên phát động, tiêu biểu là chuỗi hoạt động của cuộc thi “Vẻ đẹp học sinh Chu Văn An” được tổ chức thường niên vào tháng 11.
Cô giáo Trần Thị Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động của Trường luôn chú ý “làm theo” Bác Hồ, cho nên thời gian qua ai cũng có ít nhất một hành động “làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như việc sửa đổi lối làm việc theo phương châm “Chất lượng, hiệu quả”, “Hết việc chứ không hết giờ”, thực hành tiết kiệm điện, nước, sử dụng điện thoại, văn phòng phẩm; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hành dân chủ (thực hiện tốt lịch tiếp dân của Ban Giám hiệu, Đảng ủy). Công khai các chế độ, chính sách của Trường đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà trường… Thực sự ở Trường THPT Chu Văn An, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo”.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp lớp thế hệ đi trước, thầy trò Trường THPT Chu Văn An hôm nay đang nỗ lực, quyết tâm viết tiếp trang sử hào hùng của ngôi trường cách mạng xuyên thế kỷ, để mãi xứng đáng với ngôi trường mang tên người thầy, danh sư của muôn đời - Vạn thế sư biểu Chu Văn An, đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, lá cờ đầu của Ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô và cả nước.